Qua 20 năm triển khai, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã trở thành phong trào lớn có sức lan tỏa rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Với nỗ lực triển khai phong trào mang tính toàn dân, toàn diện và chất lượng ngày càng cao, đồng thời lồng ghép nội dung qua các phong trào thi đua, cuộc vận động đã không ngừng được mở rộng, phát huy hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt đời sống xã hội.
Hướng vào chiều sâu chất lượng
Theo thống kê năm 2014, toàn tỉnh có 949/1.007 ấp, khu phố đạt danh hiệu ấp, khu phố văn hóa, đạt tỷ lệ trên 94,2%. Trong đó, có 260 ấp, khu phố đạt danh hiệu văn hóa 10 năm liên tục trở lên và 26 ấp, khu phố văn hóa 15 năm liên tục.
Không chỉ tăng về số lượng, cuộc vận động đã hướng vào chiều sâu chất lượng qua các tiêu chí cụ thể, lồng ghép các phong trào thi đua sôi nổi tại các khu dân cư. Với sự vào cuộc tích cực của Mặt trận các cấp, cuộc vận động đã tạo được sức lan tỏa, góp phần thiết thực cải thiện đời sống người dân cũng như môi trường văn hóa đô thị và nông thôn.
Sự thay đổi của bộ mặt nông thôn mà biểu hiện nhận thấy rõ nhất là đời sống bà con tại xã Phú Vinh, huyện Định Quán được nâng cao có vai trò tích cực của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong nhiều năm qua. Là một trong những ấp khó khăn nhất trong xã, đến nay, ấp 4, xã Phú Vinh đã xóa được nhà tạm, dột, tỷ lệ hộ có nhà bền vững đạt hơn 98%. Từ sức mạnh đoàn kết, bà con đã tự nguyện đóng góp trên 1 tỷ đồng xây dựng đường bê tông, nhựa nóng khang trang thay thế cho những con đường nắng bụi, mưa lầy trước đây. Cùng với đó, đời sống văn hóa của người dân nơi đây cũng được cải thiện đáng kể. Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phú Vinh Đào Quốc Bảo, đến nay, xã đã đề nghị huyện công nhận 8/8 ấp giữ vững danh hiệu ấp văn hóa, trong đó có 7/8 ấp giữ vững liên tục từ 5 năm trở lên. Khi mới bắt đầu triển khai cuộc vận động, số hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa ở mức thấp (dưới 70%), nhưng bằng sự kiên trì vận động của các ban, ngành đoàn thể từ xã xuống ấp đến tận mỗi nhà đã giúp tỷ lệ này vượt lên. Đến nay, cuộc vận động đã được người dân nhiệt tình hưởng ứng với tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trên 98%, người dân tích cực tham gia các phong trào xây dựng ấp văn hóa, an toàn và lành mạnh.
Từ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nhiều nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng được xây dựng. Trong ảnh: Người dân ấp Lý Lịch 1, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu tham gia lễ hội
Thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đã sáng tạo đưa nội dung phối hợp thực hiện triển khai chương trình “4 giảm” vào bình xét công nhận danh hiệu ấp, khu phố văn hóa hằng năm. Qua đó đã khuyến khích người dân tích cực tham gia phòng, chống, phát hiện và tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng ấp, khu phố lành mạnh. Trong nhiều năm qua, người dân đã cung cấp cho cơ quan chức năng trên 20.000 nguồn tin có giá trị, vận động giao nộp vũ khí, vận động hơn 2.000 người vi phạm pháp luật đầu thú. Nhờ đó, nhiều ấp, khu phố trong tỉnh đã ngăn ngừa không để xảy ra tội phạm trọng án trên địa bàn.
Theo Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bùi Thị Liễu, vừa qua, Ban chủ nhiệm Chương trình I xây dựng ấp, khu phố văn hóa do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì cùng các cơ quan liên quan đã tích cực theo dõi và đánh giá 5 nội dung tiêu chí, huy động mọi nguồn lực, thống nhất chỉ đạo thực hiện nội dung cuộc vận động một cách hiệu quả. Tuy chưa thực sự đồng bộ về chất lượng tại các địa phương, song chương trình đã phát huy được hiệu quả rõ rệt trong mọi mặt đời sống người dân. Sắp tới cuộc vận động sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, hướng tới nâng cao chất lượng phong trào, tránh hình thức với tỷ lệ 95% đạt ấp, khu phố văn hóa trong giai đoạn 2015 - 2020.
Sáng nay 28-10, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và 15 năm cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”. Tại hội nghị, 22 tập thể, 22 cá nhân tiêu biểu trong 20 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và 22 tập thể, 11 cá nhân tiêu biểu trong 15 năm cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”nhận bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc
Với 5 nội dung lớn được triển khai đến từng ấp, khu phố, hộ gia đình, cuộc vận động đã góp phần không nhỏ trong việc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Trong đó, phải kể đến đoàn kết xây dựng đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển, chung sức xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Thông qua cuộc vận động, đã khơi dậy phong trào giúp dân với nhiều hình thức đa dạng như cho mượn cây, con giống, ngày công lao động, hướng dẫn cách làm ăn, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, đời sống người dân nhất là vùng sâu vùng xa đã được cải thiện rõ rệt. Điển hình như mô hình giúp nhau làm kinh tế tại ấp Bàu Sen, xã Bàu Sen, TX. Long Khánh. Bằng sự nhiệt tình vận động của các tổ chức đoàn thể từ xã đến ấp, người dân đã tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, vốn sản xuất. Đến nay, đời sống người dân đã được cải thiện đáng kể qua các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, toàn ấp không còn nhà tạm, 100% đường nội ô được nhựa hóa và kiên cố hóa kênh mương nội đồng.
Sinh hoạt văn hóa trong Ngày hội đại đoàn kết dân tộc tại huyện Nhơn Trạch
Nói đến phong trào giúp dân tại huyện Xuân Lộc không thể không nhắc đến ông Hồ Sơn Tư ở ấp 2, xã Xuân Hòa. Ông được coi là “tỷ phú của người nghèo” khi thực hiện mô hình cho các hộ nghèo mượn bò cái về nuôi mà không phải trả bất kỳ chi phí nào. Sau khi bò đẻ, người nghèo được giữ lại bê còn ông lấy lại bò giống giao cho hộ khác mượn. Cùng với đó, ông phối hợp với các đơn vị liên quan mở lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giúp dân thoát nghèo nhờ đào tạo nghề mộc dân dụng và thủ công mỹ nghệ tại địa phương.
Không chỉ lan tỏa phong trào giúp nhau cải thiện đời sống kinh tế, cuộc vận động còn khơi dậy tinh thần đoàn kết trong xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Thông qua việc thực hiện hương ước, quy ước của từng ấp, khu phố với các quy tắc xử sự chung đã góp phần thực hiện có hiệu quả các nội dung chương trình xây dựng ấp, khu phố văn hóa. Từ khi thực hiện cuộc vận động, bà con dân tộc ở ấp Lý Lịch 1, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu đã bỏ dần những tập tục lạc hậu, giảm dần những hình thức nghi lễ rườm rà như “phạt vạ” hay rước thầy mo về cúng khi đau ốm. Bên cạnh đó, bà con vẫn duy trì những lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: lễ hội Sayangva vào tháng Ba âm lịch hằng năm. Hiện 100% các hộ trong ấp đã có điện và nước sạch sử dụng, đây cũng là ấp liên tục giữ vững danh hiệu ấp văn hóa từ năm 2001 đến nay.
Hiện toàn tỉnh có 600/1.007 khu dân cư có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng. Năm 2014 tỉnh có 156/171 xã phường đạt chuẩn xã, phường lành mạnh với tỷ lệ 91,22%, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 98,24%. Phong trào khuyến học, khuyến tài được nhân rộng với 100% khu dân cư có quỹ khuyến học; 100% xã phường, thị trấn thành lập trung tâm học tập cộng đồng hoạt động có hiệu quả, với hơn 49.800 gia đình được công nhận gia đình hiếu học. Bên cạnh đó, mạng lưới y tế cơ sở được đầu tư nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Toàn tỉnh có 171/171 xã, phường, thị trấn có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về cơ sở hạ tầng. Chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình và xây dựng khu dân cư sức khỏe được cụ thể hóa thành các tiêu chí xét danh hiệu ấp, khu phố văn hóa, nhân rộng mô hình ấp, khu phố không có người sinh con thứ 3 với tỷ lệ tăng dân số tự nhiên toàn tỉnh giảm từ 1,9% (năm 1997) xuống còn dưới 1,1% (2014).
Lê Phương