Tại lễ tưởng niệm, các giáo viên và học sinh đến từ 3 trường: THPT Nam Hà, THPT Chu Văn An và Tiểu học Nguyễn Du (TP. Biên Hòa) đã nghe Tổng thư ký Hội sử học Ðồng Nai Trần Quang Toại ôn lại thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Ðại thi hào Nguyễn Du, đồng thời tham quan Vườn tượng Danh nhân văn hóa tại Văn miếu.
Học sinh nghe giới thiệu về Nguyễn Du trước tượng của nhà thơ trong Vườn tượng Danh nhân văn hóa
Ðại thi hào Nguyễn Du (sinh năm 1766, mất năm 1820), tên chữ Tố Như, hiệu Thanh Hiên. Tiêu biểu nhất trong các sáng tác của ông là Truyện Kiều viết bằng chữ Nôm, gồm 3.254 câu thơ lục bát với nội dung xoay quanh cuộc đời lưu lạc sau khi bán mình chuộc cha của nàng Thúy Kiều, qua đó phản ánh thực trạng của xã hội phong kiến thời bấy giờ. Chính tư tưởng nhân văn và nghệ thuật thơ xuất chúng nên Truyện Kiều đã trở thành 1 di sản văn hóa của dân tộc, được dịch ra các ngôn ngữ khác và xuất bản ở nhiều nước trên thế giới. Ngoài Truyện Kiều, Nguyễn Du còn có nhiều sáng tác văn học khác, như: “Văn chiêu hồn” (Văn tế thập loại chúng sinh); “Thác lời trai phường nón”…
Tháng 8-2013, Tổ chức giáo dục - khoa học - văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã vinh danh Ðại thi hào Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới vì những đóng góp của ông cho lịch sử dân tộc và thế giới.
Gia My