Huyện Xuân Lộc xây dựng đường giao thông nông thôn: Tiết kiệm ngân sách gần 350 tỷ đồng

Thứ sáu - 08/01/2016 14:31
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Tự động phát:

​Nhờ thực hiện tốt bài toán tiết kiệm trong xây dựng đường giao thông nông thôn, trong 4 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Xuân Lộc đã làm lợi cho ngân sách Nhà nước và kinh phí nhân dân đóng góp với số tiền lên đến gần 350 tỷ đồng. Ðây là con số đã được đoàn kiểm toán Trung ương kiểm định, đánh giá cao và đề nghị nhân rộng cách làm này đối với các địa phương khác.

​Cái khó ló cái khôn

Năm 2012, phong trào làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Xuân Lộc phát triển rất mạnh mẽ, hàng ngàn công trình đường cần được đầu tư nhưng nguồn ngân sách và tiền nhân dân đóng góp rất hạn hữu. Có giai đoạn, nhiều công trình đã khởi công dở dang nhưng đành phải tạm ngưng do  không đủ kinh phí thực hiện. Ðứng trước bài toán khó khăn đó, huyện Xuân Lộc đã nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và các giải pháp khắc phục, trong đó tập trung vào giải pháp tiết kiệm, cắt giảm chi phí đầu tư hợp lý. Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Lê Khắc Sơn cho biết, qua nghiên cứu từ thực tiễn nhận thấy, có rất nhiều khâu trong các dự án xây dựng đường giao thông nông thôn làm đội kinh phí hoàn toàn có thể cắt giảm được. Ðiển hình như các khâu khảo sát, thiết kế, lập dự toán, giám sát thi công các công trình đầu tư. Những phần việc này thường phải thuê mướn các đơn vị tư nhân bên ngoài tiêu tốn khoảng 15% tổng chi phí xây lắp, sau khi có chủ trương, UBND huyện đã giao trách nhiệm này cho Ban quản lý dự án huyện đảm nhận để tận dụng năng lực chuyên môn của cán bộ.

Tính từ năm 2012 đến nay, với sự nỗ lực không ngừng, đội ngũ kỹ sư của Ban quản lý dự án huyện Xuân Lộc đã khảo sát, thiết kế được gần 800 tuyến đường giao thông nông thôn, tương ứng với số tiền tiết kiệm từ thuê mướn khoảng 128 tỷ đồng. Ông Lê Ðức Nghĩa, Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Xuân Lộc cho biết: “Mặc dù chỉ có 5 kỹ sư nhưng vào những tháng cao điểm, chúng tôi có thể khảo sát, thiết kế được trên 50 tuyến đường. Trong giai đoạn đó, tổ kỹ thuật của ban đều phải tăng ca để đảm bảo bản thiết kế cho các xã, thị trấn”. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, Ban quản lý dự án huyện Xuân Lộc còn tham mưu cho các chủ đầu tư ở huyện, xã cắt giảm thêm nhiều chi phí khác như: chi phí ván khuôn, lán trại, khối lượng đất đắp nền... đồng thời vận động sử dụng các nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương. Nhờ đó cũng đã tiết kiệm được gần 25% tổng chi phí xây dựng các công trình với số tiền lên đến khoảng 240 tỷ đồng.

“Cắt giảm ở đây không có nghĩa là đơn vị thi công không làm. Ví dụ như phần cắt giảm ván khuôn. Việc này, đơn vị thi công phải làm. Ván khuôn là những cây sắt hộp để dọc hai bên mép đường để làm khuôn đổ bê tông. Ðơn vị thi công chỉ cần đầu tư một lần thì có thể sử dụng lâu dài. Nếu công trình nào chúng ta cũng đưa vào dự toán thì rất lãng phí cho ngân sách và tiền đóng góp của dân”, ông Nghĩa giải thích. Ông Nghĩa cũng cho biết, Ban quản lý dự án huyện Xuân Lộc đã vận động các chủ đầu tư sử dụng vật liệu địa phương để kéo giảm giá thành. “Nếu như sử dụng cát ở sông Ðồng Nai chở về thì phải mất 280.000 đồng/m3 thì chúng tôi sử dụng cát địa phương chỉ khoảng 180.000 đồng/m3”, ông Nghĩa nói.

3-0801.jpg
 Nhờ tiết kiệm trong đầu tư và thi công 100% đường ấp, xóm ở huyện Xuân Lộc bê tông hóa.
 
Theo Ban quản lý dự án huyện Xuân Lộc, với cách làm tiết kiệm trong tất cả các khâu, thực tế cho thấy chỉ tốn khoảng 800 - 900 triệu đồng/km đường bê tông, tức giảm giảm đến gần phân nửa so với cách làm thông thường trước đây.
 
Thống kê qua 4 năm nỗ lực thực hiện theo chủ trương tiết kiệm này, Ban quản lý dự án huyện Xuân Lộc đã làm lợi cho ngân sách Nhà nước và tiền nhân dân đóng góp gần 350 tỷ đồng. Cũng từ khoản tiền tiết kiệm này, huyện Xuân Lộc đã chuyển qua đầu tư thêm cho hàng trăm tuyến đường giao thông nông thôn khác, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của huyện.
 
Hạ giá thành nhưng không hạ chất lượng
 
Một điều có thể khẳng định trong bài toán tiết kiệm của huyện Xuân Lộc chính là không đánh đổi việc hạ giá thành đầu tư với chất lượng công trình kém. Trong quá trình triển khai thi công, cán bộ Ban quản lý dự án huyện luôn phối hợp chặt chẽ với ban giám sát cộng đồng xã, đặc biệt là người dân sinh sống, thụ hưởng trên tuyến đường đó tham gia việc giám sát. Quá đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh hàng trăm vi phạm của đơn vị thi công. Cũng nhờ đó mà giúp cho các công trình đầu tư trên địa bàn huyện luôn đạt chất lượng.
 
“Trong quá trình thực hiện các công trình xây dựng trên địa bàn xã đều được nhân dân chúng tôi giám sát chặt chẽ. Tất cả các lĩnh vực đầu tư điện, đường, trường, trạm chúng tôi đều giám sát hết. Trong thời gian qua, Ban giám sát cộng đồng chúng tôi đã thực hiện được trên 200 cuộc giám sát. Qua đó đã phát hiện 12 công trình không đạt chất lượng, trong đó có 3 công trình buộc phải làm lại, còn đối với những công trình khác bị hư hỏng thì buộc phải sửa chữa hoặc làm lại hoàn toàn”, ông Trương Công Lý, thành viên Ban giám sát cộng đồng xã Xuân Tâm cho biết.
 
Nhờ cách làm tiết kiệm và dựa vào sức mạnh của người dân, việc xây dựng đường giao thông nông thôn trong chương trình nông thôn mới ở huyện Xuân Lộc đã đạt kết quả to lớn.  Ðến nay, huyện Xuân Lộc có thể tự hào trên địa bàn không còn những con đường nắng bụi, mưa lầy. Thay vào đó là những tuyến đường bê tông thẳng tắp nối liền các khu cụm dân cư và các vùng sản xuất. Hiện tỷ lệ đường được nhựa hóa do cấp huyện quản lý đã đạt 90%, đường liên xã đạt trên 99,5% và đường ấp, ngõ xóm, trục chính nội đồng cứng hóa đạt 100%. Ðặc biệt, khi đường làm tới đâu thì nhân dân địa phương cùng nhau thực hiện việc trồng hoa và thắp đèn chiếu sáng tới đó. Theo thống kê, đến nay nhân dân trên địa bàn huyện đã đóng góp gần 5 tỷ đồng lắp đặt khoảng 9.500 bóng đèn chiếu sáng cho gần 400km đường giao thông nông thôn.
 
Sau một thời gian làm việc tại huyện Xuân Lộc, Ðoàn kiểm toán Trung ương đánh giá, đây là cách làm mới, có hiệu quả cao và ý nghĩa rất thiết thực trong giai đoạn cả nước đang ra sức thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Sau chuyến công tác này, Ðoàn sẽ có báo cáo chính thức trình Chính phủ và đề nghị triển khai nhân rộng cho các địa phương khác trong cả nước học tập.
 
Đình Hải

 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sân bay
Chuyển đổi số
Pháp luật
Đăng ký
Thông tin khởi nghiệp
Đánh giá
Bộ pháp điển
Thư viện
Thống kê truy cập

Hôm nay

58,059

Tổng lượt truy cập

555,836,566
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây