Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh nhằm tăng năng suất, giá trị nông sản. Trong ảnh: Máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa tại huyện Xuân Lộc.
Nhờ bước “đột phá” trong công tác cán bộ đã giúp Xuân Lộc tiến nhanh trong công cuộc xây dựng NTM. Nhiều địa phương như: xã Lang Minh, Xuân Hưng, Xuân Tâm vốn “hụt hơi” trong xây dựng NTM, nhưng nhờ thay thế, luân chuyển đội ngũ cán bộ mới có năng lực, dám nói dám làm, dám chịu trách nhiệm đã “tăng tốc” về đích góp sức chung đưa Xuân Lộc trở thành huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM.
“Nhân dân là chủ thể và cũng là người thụ hưởng chính trong công cuộc xây dựng NTM”, đây được xem là “kim chỉ nam” trong thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Từ đây, vai trò “làm chủ” của người dân được phát huy đã khuyến khích người dân tích cực góp công, góp của trong quá trình xây dựng NTM.
Trong quá trình xây dựng NTM, ấp Quảng Biên, xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom có hơn 6km đường liên ấp đã được nhựa hóa, trong đó có nhiều tuyến đường được nhân dân đóng góp xây dựng hoàn toàn. Theo ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng ấp Quảng Biên thì kết quả đó có được là nhờ cách làm minh bạch, công bố đầy đủ để người dân biết, đóng góp ý kiến và thực hiện. “Khi bắt tay thực hiện bất kỳ tuyến đường nào, ấp cũng đều tổ chức họp dân 3 lần. Tại các buổi họp này có cả sự tham gia của chính quyền, các nhà thầu và đầy đủ người dân. Quy mô, tổng vốn thực hiện đều được đưa ra thảo luận để mọi người góp ý. Từ đó, công việc được người dân đồng tình, tham gia góp sức. Kết thúc công trình ấp lại có buổi họp tổng kết công khai cho phí nên trong quá trình thực hiện người dân vui vẻ đồng tình”, ông Đức cho biết.
Thực tiễn xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã chứng minh việc phát huy vai trò làm chủ, giám sát của nhân dân chính là chìa khóa dẫn đến thành công trong xây dựng NTM. Điều này đã được thể hiện rõ nét trong con số đóng góp của người dân trong 5 năm thực hiện xây dựng NTM vừa qua. Theo đó toàn tỉnh đã huy động hơn 176.000 tỷ đồng đầu tư vào khu vực nông thôn, trong đó ngân sách Nhà nước chỉ chiếm gần 11%, còn lại là nhân dân và doanh nghiệp tham gia đóng góp.
5 năm, một chặng đường chưa phải là dài, thế nhưng có thể nói, phong trào xây dựng NTM đã tạo ra một làn gió mới thổi vào sức sống nông thôn và đang từng ngày, từng giờ đưa bộ mặt nông thôn Đồng Nai phát triển theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, không bằng lòng với những gì đã đạt được, bởi như đã xác định, xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, nhằm tạo ra những giá trị mới về kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường phù hợp với nhu cầu xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Chính vì vậy, song song với quá trình xây dựng NTM, Đồng Nai cũng đã triển khai ngay chương trình hậu NTM với mục tiêu nâng chất các chỉ tiêu trong bộ tiêu chí nhằm hướng đến mục tiêu “nâng về chất, mở về lượng” trong xây dựng NTM. “Dù vẫn đang trong quá trình xây dựng NTM, tỉnh đã triển khai ngay chương trình hậu NTM. Tỉnh đã xây dựng xong bộ tiêu chí hậu NTM và yêu cầu các huyện, xã đã đạt chuẩn tiếp tục giữ vững và nâng dần các tiêu chí lên”, ông Phạm Minh Đạo cho biết.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp
Đến năm 2015, toàn tỉnh có 8 mô hình được chứng nhận VietGAP với diện tích hơn 162 ha và GlobalGAP với hơn12 ha trên cây rau, chuối, bưởi, ổi, xoài, chôm chôm, mãng cầu xiêm, hồ tiêu. Đặc biệt, Đồng Nai là tỉnh đầu tiên trong cả nước nghiên cứu thành công và áp dụng rộng rãi hệ thống tưới nước tiết kiệm và kết hợp bón phân thông qua đường ống, áp dụng được cho nhiều loại cây trên nhiều địa hình khác nhau đã góp phần giảm đáng kể về chi phí (giảm lượng nước tưới, thời gian tưới, nhiên liệu, nhân công), nâng cao năng suất và tăng hiệu quả trong sản xuất. Trong chăn nuôi đã có bước tiến bộ nhanh về sử dụng giống, gần 100% đàn heo, gà sử dụng giống mới có năng suất cao, tỷ lệ tiêu tốn thức ăn thấp, đang được nuôi phổ biến trên thế giới.
Nhi Quỳnh