(
CTT-Đồng Nai) Nắng mưa thất thường, nhiệt độ, độ ẩm thay đổi đột ngột khiến cho các dịch bệnh liên quan đến đường hô hấp tăng mạnh. Vì vậy, người dân cần chủ động nâng cao sức đề kháng, phòng chống dịch bệnh. Khi có biểu hiện bệnh, người dân nên đến ngay cơ sở để được khám, chữa bệnh kịp thời

Những ngày qua, lượng bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tăng từ 500 đến 1,5 ngàn người so với bình thường.
Những ngày qua, lượng bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tăng từ 500 đến 1,5 ngàn người so với bình thường.
Thời tiết giao mùa, lượng bệnh nhân tăng
BS Hồ Chí Chung, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đồng Nai cho biết, thời điểm nắng nóng, giao mùa, lượng bệnh nhân đến khám tại BVĐK Đồng Nai tăng nhiều. Ghi nhận lượng bệnh nhân đông nhất với hơn 4,4 ngàn lượt người. Những ngày sau đó, lượng bệnh nhân duy trì ở mức hơn 3 ngàn đến khoảng 4 ngàn lượt người (tăng từ 500 đến 1,5 ngàn bệnh nhân so với bình thường).
Ông Trần Minh Ngọc (ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) bị bệnh huyết áp, tiểu đường. Những ngày thời tiết nắng nóng, nền nhiệt cao, ông Ngọc thường xuyên ở trong phòng máy lạnh, hạn chế ra ngoài. Để cải thiện tình hình sức khỏe, mỗi sáng ông dậy sớm tập thể dục và vận động nhẹ; đồng thời, tuân thủ chế độ khám bệnh định kỳ, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuy vậy, ông vẫn cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu.
Tương tự, ông Nguyễn Bá Khuông (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) bị bệnh tim mạch, thời tiết nắng nóng khiến ông ăn uống không ngon miệng, mất ngủ, cơ thể mệt mỏi, uể oải nên phải đi khám bệnh.
Theo BS Chung, do thời tiết nắng nóng, nhiều bệnh nhân mắc các bệnh nền như: huyết áp, tiểu đường, thần kinh mạch máu não ngại đi khám bệnh. Điều này dẫn đến việc dùng thuốc không đầy đủ cộng thêm thời tiết thay đổi, nắng nóng là nguyên nhân thúc đẩy khiến họ dễ nhiễm các bệnh lý cơ hội đi kèm.
Bên cạnh đó, với thời tiết chuyển mùa như hiện nay thì trong thời gian tới các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ sẽ tiếp tục tăng. “Trong khoảng 7-14 ngày tới, lượng bệnh truyền nhiễm, cấp tính theo mùa như Covid-19, cảm cúm sẽ tăng lên” - BS Chung dự báo.
Để đảm bảo chất lượng khám bệnh, BVĐK Đồng Nai phải huy động thêm bác sĩ, điều dưỡng, bàn tiếp nhận và mở tất cả các phòng khám. Trung bình, trong buổi sáng, mỗi phòng khám tiếp nhận, khám cho khoảng 50-60 bệnh nhân. Lượng người bệnh đi khám buổi chiều không nhiều. Phần đông bệnh nhân đi khám vì có triệu chứng sốt, mệt, đau đầu, say nắng hoặc nhiễm các virus thông thường.

Bác sĩ Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai khám cho bệnh nhân.
Bác sĩ Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai khám cho bệnh nhân.
Chủ động tiêm vaccine phòng bệnh
Ông Nguyễn Thưởng (ngụ xã Phú Túc, H.Định Quán) cho biết: “Tôi bị bệnh tim mạch, sức đề kháng yếu nên dễ bị bệnh, phải chủ động tiêm phòng vaccine cúm. Dự kiến tháng sau tôi sẽ tiêm phòng bệnh viêm phổi. Trước đây, vì có bệnh nền nên tôi sợ, không dám đi tiêm vaccine, sau đó được các bác sĩ khuyến cáo nên tôi mới chủ động đi tiêm, lỡ có bị mắc bệnh thì cũng bị nhẹ hơn. Các con trong gia đình tôi cũng đều tiêm phòng đầy đủ”.
Còn ông Nguyễn Văn Chiêu (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, do dịch bệnh Covid-19 có xu hướng gia tăng, cảm thấy cần phải bảo vệ lá phổi nên cả gia đình ông cùng đi tiêm phòng viêm phổi. Ngoài ra, gia đình ông còn tiêm ngừa cúm định kỳ hàng năm và chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch khác.
Theo BS Nguyễn Như Thái, Phụ trách đơn vị Tiêm chủng Khu C, BVĐK Đồng Nai, thời tiết giao mùa, đối tượng người cao tuổi có bệnh lý nền (tim mạch, nội tiết, tiểu đường…) hoặc mắc các bệnh hô hấp (viêm phổi tắc nghẽn, hen phế quản, viêm phế quản mãn tính) thường có nguy cơ bệnh nặng hơn, phải nhập viện với thời gian điều trị kéo dài hơn. Vì vậy, các vaccine phòng bệnh cúm mùa, viêm phổi được khuyến cáo tiêm ngừa.
Trẻ em trong độ tuổi tiêm các loại vaccine trong chương trình TCMR có thể tiêm thêm các loại vaccine khác như: phế cầu, cúm, thủy đậu, sởi - quai bị - rubella, uống vaccine rota…
Trước nguy cơ dịch bệnh Covid-19 gia tăng, BS Thái khuyến cáo, đối với những người đã tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3, 4 cách đây từ 6 tháng đến 1 năm nên tiếp tục tiêm phòng. Đây là cơ hội để củng cố lại lượng kháng thể nhằm tăng cường khả năng phòng bệnh. Ngoài ra, người dân cũng nên tiêm phòng các vaccine phòng bệnh theo mùa (cúm, thủy đậu, phế cầu…). Những người cao tuổi có bệnh nền khi đi tiêm phòng cần trình bày cụ thể về tình trạng bệnh để nhân viên y tế có tư vấn phù hợp.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, người dân cần đi khám ngay khi có vấn đề về sức khỏe. Bên cạnh đó, cần nghỉ ngơi và ăn uống, bổ sung chế độ dinh dưỡng phù hợp; chú ý tăng cường bổ sung nước, chất điện giải để tăng cường sức đề kháng, phòng chống bệnh.