(CTT-Đồng Nai) Điều dưỡng có những đóng góp quan trọng trong công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế nói riêng và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung. Tuy nhiên, do nhiều lý do, đặc biệt là công việc nhiều nhưng thu nhập thấp nên nhiều điều dưỡng đã xin nghỉ việc. Không những vậy, số học sinh theo học chuyên ngành Điều dưỡng cũng không nhiều như trước.

Điều dưỡng Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất hướng dẫn sinh viên Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai thực hiện một số kỹ thuật chuyên môn
Điều dưỡng Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất hướng dẫn sinh viên Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai thực hiện một số kỹ thuật chuyên môn
Học đi đôi với hành
Ngay từ học kỳ 2 năm học đầu tiên, sinh viên ngành Điều dưỡng Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai đã có cơ hội làm quen với công việc của một điều dưỡng thực thụ tại các cơ sở y tế trong tỉnh.
Đang thực tập lần thứ 2 tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, em Hoàng Vũ Thùy Trang, sinh viên năm cuối ngành Điều dưỡng cho hay, những điều em học được từ các anh chị điều dưỡng của bệnh viện rất bổ ích.
Trang nói, ở trường các em được học lý thuyết về bệnh thận và những vấn đề liên quan đến bệnh thận, được thực hành trên mô hình các kỹ thuật cơ bản như: tiêm, truyền dịch, chích thuốc, phát thuốc, xông tiểu, xông dạ dày…Còn tại bệnh viện, khi bước chân vào khoa, có nhiều điều mới lạ.
“Khoa luôn trong tình trạng kín bệnh nhân. Các chị điều dưỡng trong khoa làm việc luôn tay. Ngoài được phân công đo huyết áp cho bệnh nhân, chúng em được các chị hướng dẫn cách mắc dây để lọc máu, mồi dịch, theo dõi bệnh nhân và nhiều công việc khác. Đây đều là những kỹ thuật khó vì yêu cầu tính chính xác cao. Do vậy, mỗi khi các điều dưỡng trong khoa thao tác công việc, em đều cố gắng quan sát để học hỏi, chỗ nào chưa hiểu thì hỏi các chị để được hướng dẫn” - Trang chia sẻ.
Trong đợt thực tập này, Trang và các bạn sẽ còn được thực tập 3 tuần ở Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai; 3 tuần ở Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Chị Lương Thị Kim Cúc, Điều dưỡng trưởng Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, toàn khoa hiện có 39 điều dưỡng, thiếu 3 điều dưỡng so với định mức. Hiện tại, công việc của điều dưỡng có phần quá tải.
Theo chị Cúc, do là khoa đặc thù nên yêu cầu điều dưỡng trong khoa phải thuần thục công việc, thao tác chính xác để đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho bệnh nhân. Với những điều dưỡng mới hoặc điều dưỡng luân chuyển từ các khoa khác đến chưa quen việc, bắt buộc phải đào tạo lại từ đầu, rất mất thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ công việc trong khoa.
“Vì thế, chúng tôi đã đề xuất Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai cho sinh viên đi thực tập tại Khoa Thận nhân tạo để làm quen với công việc tại khoa. Đến khi các em ra trường, nếu vào làm việc tại khoa sẽ đỡ bỡ ngỡ. Sau 2 tháng thử việc, nếu đạt yêu cầu, khoa sẽ làm đề xuất để ký hợp đồng làm việc” - chị Cúc nói.
Là cựu sinh viên của Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai, bà Cao Thị Hải Yến, Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay, bệnh viện luôn sẵn sàng hỗ trợ để các em sinh viên của trường được thực tập nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, tay nghề. Các em sẽ được cầm tay chỉ việc, thực hành chăm sóc người bệnh, hỗ trợ các bác sĩ, điều dưỡng trong khoa thực hiện khám, điều trị cho bệnh nhân.

Nữ điều dưỡng tương lai thực hành tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai
Nữ điều dưỡng tương lai thực hành tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai
Nhiều cơ hội việc làm cả trong và ngoài nước
TS.Nguyễn Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai chia sẻ, theo chương trình đào tạo, sinh viên của trường sẽ học từ 40-50% lý thuyết, còn lại là thực hành tại bệnh viện. Trước khi đi thực tập, sinh viên thực hiện tiền lâm sàng từ 4-8 tuần tại trường. Giảng viên sẽ hướng dẫn những nội dung liên quan như đề ra những tình huống cụ thể trong bệnh viện để các em xử lý. Trong đó lưu ý sinh viên kỹ năng giao tiếp với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, xử lý những ca bệnh nặng, bệnh nhân giai đoạn cuối.
Những năm qua, các bệnh viện trong tỉnh, đặc biệt là các bệnh viện lớn luôn tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên của trường được thực tập. Các em đi thực tế tại các bệnh viện đã được hưởng lương. Nhiều bệnh viện, phòng khám còn đặt hàng hỗ trợ kinh phí đào tạo cho sinh viên với điều kiện sinh viên cam kết sau khi ra trường sẽ về công tác tại đơn vị. Hầu hết sinh viên ngành điều dưỡng ra trường có việc làm ngay, làm được việc mà không cần phải đào tạo lại.
Không chỉ có nhiều lựa chọn công việc ở trong nước, sinh viên chuyên ngành Điều dưỡng hiện nay còn có nhiều cơ hội việc làm ở nước ngoài. Đến nay, có khoảng 20 sinh viên của Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai đã tham gia thị trường lao động tại Nhật Bản và Cộng hòa Liên bang Đức. Các em làm việc chủ yếu tại các trung tâm chăm sóc người già ở các nước này với mức lương cao.
ThS Huỳnh Tú Anh, Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Hội Điều dưỡng tỉnh nhấn mạnh, điều dưỡng, nữ hộ sinh hiện chiếm 2/3 đội ngũ nhân lực y tế toàn tỉnh (tỷ lệ cả nước là 50%). Trải qua đại dịch Covid-19, vai trò quan trọng của đội ngũ điều dưỡng càng được khẳng định. Điều dưỡng đã vượt lên những nguy cơ của dịch bệnh, dấn thân vào những nơi tuyến đầu, phối hợp, hỗ trợ các bác sĩ thực hiện hàng loạt các hoạt động như: sàng lọc người bệnh, tổ chức cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, theo dõi, chăm sóc và là chỗ dựa tinh thần cho bệnh nhân Covid-19.
Tuy nhiên, theo ThS Huỳnh Tú Anh, một vấn đề cần quan tâm hiện nay là tình trạng thiếu nhân lực điều dưỡng tại các bệnh viện. Ngoài ra, chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực điều dưỡng chưa cao trong khi áp lực công việc lớn dẫn đến tình trạng điều dưỡng bỏ việc, nghỉ việc và ít người theo học ngành điều dưỡng.
Vừa qua, một số chính sách hỗ trợ thu nhập cho điều dưỡng trong tỉnh và cả nước đã được triển khai. Tuy nhiên, những chính sách này chỉ được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định, rất cần có những chính sách hỗ trợ điều dưỡng dài hơi hơn, kể từ khâu đào tạo đến khi điều dưỡng làm việc tại các cơ sở y tế. Qua đó, góp phần nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ điều dưỡng trên địa bàn tỉnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Một trong những công việc thường ngày của điều dưỡng là nhập các dữ liệu liên quan lên hệ thống
Một trong những công việc thường ngày của điều dưỡng là nhập các dữ liệu liên quan lên hệ thống