Cần có giải pháp hạn chế chuyển bệnh nhân từ Đồng Nai đi nơi khác

Thứ hai - 15/05/2023 09:56
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) Thông tin từ BHXH tỉnh, trong năm 2022, tổng chi phí đa tuyến đi BHYT ngoại tỉnh từ Đồng Nai đến các bệnh viện của các tỉnh, thành khác trong cả nước là 1.146 tỷ đồng.
Bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai
Bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai

Chuyển viện những bệnh mà bệnh viện chưa có khoa điều trị

Lãnh đạo BHXH tỉnh đã chỉ đạo phòng, ban chuyên môn trực thuộc BHXH tỉnh rà soát xem tình hình chuyển viện cụ thể tại các bệnh viện ra sao, nguyên nhân chuyển viện là gì để có giải pháp cụ thể nhằm hạn chế tình trạng này.

Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng, những bệnh nhân mà bệnh viện chuyển lên tuyến trên là bệnh nhân mắc các bệnh mà bệnh viện chưa có chuyên khoa điều trị. Trong đó, nhiều nhất là bệnh nhân ung bướu, tâm thần.

Nhằm hạn chế tình trạng này, sắp tới bệnh viện sẽ thành lập khoa Ung bướu, khoa Hồi sức ngoại để giữ bệnh nhân ở lại bệnh viện điều trị. Bởi lẽ hiện nay, ngoài cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc hiện đại, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã thực hiện nhiều chương trình hợp tác với các chuyên gia ở TP.HCM về chuyển giao kỹ thuật cho bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện. Việc giữ bệnh nhân ở lại các bệnh viện ở Đồng Nai điều trị, chăm sóc còn giúp cho người bệnh và gia đình đỡ một khoản chi phí lớn về ăn ở, đi lại…

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Y tế mới đây đã có văn bản gửi lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện trực thuộc Bộ, ngành trong cả nước.

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị thực hiện chuyển tuyến người bệnh theo Thông tư số 14/2014/TT-BYT quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) và Thông tư số 40/2015/TT-BYT quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc khi chuyển tuyến người bệnh đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Mắt Trung ương cần liên hệ, hội chẩn từ xa qua hệ thống công nghệ thông tin để Bệnh viện Mắt trung ương bố trí, sắp xếp điều trị cho người bệnh. Trường hợp Bệnh viện Mắt trung ương không có vật tư, thuốc điều trị, trang thiết bị, bệnh viện chuyển tuyến người bệnh đến các bệnh viện khác có năng lực thực hiện được các kỹ thuật.

Lãnh đạo các bệnh viện quán triệt người hành nghề không chuyển người bệnh đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không phù hợp hoặc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân vì mục đích vụ lợi, vi phạm quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Trường hợp bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, trường đại học, bệnh viện tuyến cuối có các kỹ thuật đang tạm dừng hoặc không thực hiện được do thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị... Bộ Y tế yêu cầu bệnh viện công khai trên trang thông tin điện tử của bệnh viện để người dân được biết và báo cáo cho cơ quan quản lý trực tiếp.

Cấp cứu bệnh nhân tại một bệnh viện trong tỉnh
Cấp cứu bệnh nhân tại một bệnh viện trong tỉnh

Khi nào thì được chuyển bệnh vượt tuyến?

Tiếp nối văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế đã có văn bản đề nghị Thủ trưởng các đơn vị thực hiện việc chuyển tuyến người bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế. Quán triệt người hành nghề không chuyển người bệnh đến các cơ sở khám, chữa bệnh không phù hợp hoặc đến các cơ sở y tế tư nhân vì mục đích vụ lợi, vi phạm quy định của Luật Khám, chữa bệnh.

Trường hợp các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, đa khoa khu vực có các kỹ thuật đang tạm dừng hoặc không thực hiện được do thiếu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị, Sở Y tế đề nghị bệnh viện công khai trên trang thông tin điện tử của bệnh viện để người dân được biết và báo cáo Sở Y tế.

Trên địa bàn Đồng Nai chia thành 4 tuyến chuyên môn, kỹ thuật, từ tuyến xã đến tuyến huyện, tỉnh và trung ương. Trong đó, tuyến trung ương là Bệnh viện Tâm thần trung ương 2.

Theo hướng dẫn của Sở Y tế, việc chuyển tuyến KCB BHYT được thực hiện từ tuyến dưới lên tuyến trên liền kề theo trình tự. Nếu tuyến liền kề không có dịch vụ kỹ thuật phù hợp thì cơ sở KCB tuyến dưới được quyền chuyển lên tuyến trên cao hơn kế tiếp.

Trường hợp đặc biệt, bệnh nhân đăng ký KCB BHYT ban đầu tại tuyến xã được chuyển vượt lên tuyến tỉnh là Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất và được hưởng đầy đủ quyền lợi về BHYT nếu thuộc các trường hợp sau: bệnh nhân ung thư đang điều trị hóa chất hoặc đã được chẩn đoán xác định; bị đột quỵ có chỉ định can thiệp; phẫu thuật tim, mạch máu các loại; bệnh nhân chạy thận (trừ trung tâm y tế các huyện Trảng Bom, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc); bệnh nhân phẫu thuật sọ não; bệnh nhân chấn thương sọ não; bệnh nhân có chỉ định thay khớp gối, khớp háng; các bệnh mà tuyến huyện không thực hiện được.

Bệnh nhân từ tuyến xã được chuyển lên Bệnh viện Phổi Đồng Nai để khám, điều trị nếu được chẩn đoán mắc bệnh lao kháng thuốc hoặc theo dõi lao nếu không đủ điều kiện chẩn đoán xác định.

Bệnh nhân chuyển thẳng từ tuyến xã lên Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai nếu bị di chứng liệt, trẻ em bị bệnh tự kỷ. Bệnh nhân được chuyển thẳng lên Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 nếu được chẩn đoán hoặc theo dõi tâm thần.
Người dân khám, chữa bệnh dịch vụ tại một bệnh viện công lập trong tỉnh
Người dân khám, chữa bệnh dịch vụ tại một bệnh viện công lập trong tỉnh

Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể chuyển tuyến giữa các địa bàn giáp ranh trong tỉnh và ngoài tỉnh để đảm bảo thuận lợi trong quá trình KCB. Chẳng hạn, H.Xuân Lộc có 4 xã Xuân Thọ, Xuân Bắc, Xuân Định, Bảo Hòa giáp ranh với TP.Long Khánh. Khoảng cách từ 4 xã trên đến Trung tâm Y tế H.Xuân Lộc xa hơn so với Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Do đó, trạm y tế 4 xã trên có thể chuyển đúng tuyến KCB BHYT cho người dân đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh…

Tác giả: Bảo Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây