Bảo vệ sức khỏe trước nguy cơ dịch chồng dịch

Thứ tư - 17/05/2023 08:40
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) Hiện nay đang là thời điểm giao mùa với nhiều yếu tố thời tiết thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus, nấm mốc phát triển. Trong khi đó, sức đề kháng của con người lại kém thích nghi với sự thay đổi thất thường của thời tiết nên dễ bị nhiễm bệnh hơn.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khám bệnh cho trẻ
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khám bệnh cho trẻ

Vì vậy, để tránh nguy cơ dịch chồng dịch, người dân cần phải chủ động bảo vệ sức khỏe của mình và người thân.

Đề phòng nguy cơ dịch chồng dịch

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thống kê từ đầu năm đến nay Đồng Nai đã ghi nhận 1.376 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), giảm 28,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, các địa phương có số mắc SXH cao là: TP. Biên Hòa với 376 ca, H.Long Thành với 245 ca, H.Nhơn Trạch với 166 ca. Toàn tỉnh cũng đã ghi nhận 2 ca tử vong, giảm 1 ca so với năm ngoái.

Hiện nay, miền Nam đã bắt đầu bước vào mùa mưa. Đây là thời tiết thuận lợi để muỗi sinh sôi, phát triển nên dịch SXH có nguy cơ bùng phát. Vì vậy, người dân cần loại bỏ môi trường cho muỗi sinh sôi bằng cách: thực hiện dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, vệ sinh môi trường xung quanh, diệt lăng quăng, diệt muỗi để phòng bệnh; thường xuyên súc rửa dụng cụ chứa nước sử dụng, thay nước trong các bình bông và loại bỏ nước đọng trong các vật chứa không cần thiết...

Bs Đinh Thị Hợi, Phòng khám đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, hiện đang là thời điểm giao mùa, nhiệt độ thay đổi đột ngột, nắng mưa thất thường. Đây là những yếu tố thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn, nấm mốc… phát triển. Trong khi đó, sức đề kháng của con người lại kém thích nghi với những thay đổi này nên vi khuẩn, vi rút …dễ tấn công, dễ gây thành dịch bệnh.

Theo BS CKI Trương Văn Xuất, Phụ trách phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, thời gian vừa qua, lượng bệnh nhi đến khám và điều trị tại bệnh viện duy trì ở mức ổn định, không tăng bất thường. Theo đó, trung bình mỗi ngày có khoảng 1 - 1,5 ngàn bệnh nhi đến khám ngoại trú, thấp hơn so với thời điểm cuối năm (khoảng trên 2 ngàn bệnh nhi). Loại bệnh nhiều nhất là hô hấp.

Ở thời điểm giao mùa, khả năng trong thời gian tới sẽ nhiều trẻ mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hóa, tay chân miệng, sốt xuất huyết. Để phòng ngừa những bệnh này, phụ huynh cần chú ý chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Trong đó cần tuân thủ ăn chín, uống sôi; rửa tay, khử khuẩn thường xuyên; vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, diệt muỗi, diệt lăng quăng.

Bs Nguyễn Như Thái, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đang quay trở lại, trong thời gian tới còn có thể có các dịch như: thủy đậu, sốt xuất huyết, cúm, viêm đường hô hấp trên… gây nên nguy cơ dịch chồng dịch. Do đó, ở giai đoạn dịch chưa phức tạp thì người dân nên tranh thủ tiêm vaccine phòng bệnh.

Người dân tiêm vaccine phòng bệnh tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Người dân tiêm vaccine phòng bệnh tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Chủ động bảo vệ sức khỏe

BS CKI Trương Văn Xuất khuyến cáo: “Sắp đến thời gian nghỉ hè, nhiều phụ huynh sẽ cho con đi học bơi. Tuy nhiên, để đề phòng nắng nóng, xảy ra sốc nhiệt, phụ huynh nên đưa con đi bơi vào khung thời gian hợp lý (từ 7 - 9 giờ sáng và 4 - 6 giờ chiều). Trẻ chỉ nên ở dưới hồ bơi trong khoảng từ 30 phút đến 1 tiếng để tránh nhiễm bệnh”.

Tiêm vaccine phòng bệnh luôn luôn là biện pháp an toàn nhất, đơn giản nhất, hiệu quả nhất và kinh tế nhất. Rất may mắn hiện nay chúng ta có khoảng 20 loại bệnh nguy hiểm đã có vaccin phòng. Vì vậy, trước nguy cơ dịch Covid-19 có xu hướng gia tăng và trong thời điểm giao mùa ngoài việc bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, uống đủ nước, nghỉ ngơi vận động hợp lý, đeo khẩu trang nơi đông người… thì việc tiêm phòng đầy đủ tất cả các loại vaccine để tạo miễn dịch chủ động đặc hiệu là rất cần thiết.

Theo các bác sĩ, trong thời điểm giao mùa hiện nay, người dân nên ưu tiên tiêm vaccine phòng các bệnh lây qua đường hô hấp trước, sau đó tiêm đầy đủ các loại vaccine khác theo lịch bác sĩ tư vấn.

“Qua sự tàn phá kinh hoàng của đại dịch Covid vừa rồi, chắc hẳn ai cũng thấy vai trò quan trọng của vaccin, nâng cao hệ miễn dịch…và chủ động bảo vệ sức khoẻ. Do đó, lượng người dân tiêm vaccine phòng bệnh trong giai đoạn giao mùa tăng nhiều so với các thời điểm khác trong năm. Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các loại vaccine được người dân tiêm phòng tăng vượt trội gồm: cúm, phế cầu, bạch hầu - ho gà, thủy đậu, sởi - quai bị - rubella…Những bệnh này lây qua đường hô hấp, nghĩa là rất dễ lây nhưng lại có thể gây biến chứng toàn thân (viêm phổi, viêm màng não, viêm cơ tim…) thậm chí có thể gây tử vong nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời”, BS Hợi cho hay.

Tác giả: Hoàng Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây