Huyện miền núi Định Quán “về đích” nông thôn mới

Thứ ba - 18/06/2019 22:08
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Ðịnh Quán là huyện nông nghiệp miền núi, nằm ở cửa ngõ Ðông Bắc của tỉnh. Với điểm xuất phát thấp, Ðịnh Quán gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).​

Tuy nhiên, với sự nỗ lực, đồng lòng của người dân và chính quyền, Ðịnh Quán đã vượt khó “về đích” NTM. Bộ mặt nông thôn nhờ đó cũng từng ngày “thay da đổi thịt”.

Lấy giao thông làm “đột phá”

Trước năm 2014, tuyến đường giao thông chính của ấp Suối Son 2, xã Phú Vinh chỉ là con đường đất, rộng chưa đầy 3m. Phần lớn cư dân địa phương sinh sống bằng nghề nông, nên trở ngại về giao thông khiến việc sản xuất của người dân ấp Suối Son 2 gặp rất nhiều khó khăn. “Lúc bấy giờ chở một bao lúa đi bán cũng phải cần 2 người, người đẩy xe, người lái xe, khó khăn vô cùng”, ông Nguyễn Kim Trọng, Trưởng ấp Suối Son 2 nhớ lại.


Nhờ tham gia vào dự án cánh đồng lớn trên cây ca cao nên người trồng ca cao tại xã Gia Canh, huyện Định Quán yên tâm đầu tư sản xuất.

Năm 2014, trục đường giao thông chính của ấp Suối Son 2 là một trong nhiều con đường của xã Phú Vinh nằm trong chương trình xây dựng NTM sẽ được đầu tư bê tông hóa. Sau khi có chủ trương trên, người dân trong ấp hết sức vui mừng và tham gia đóng góp nhiệt tình để có được tuyến đường khang trang. Theo ông Trọng, người dân mong muốn có được một tuyến đường to, rộng từ lâu, nên khi có chủ trương làm đường của Nhà nước, người dân ủng hộ nhiệt tình. Không ai bảo ai, những hộ sống 2 bên đường đều đồng ý hiến đất để làm đường. “Cứ tính từ tâm đường ra 2 bên, mỗi bên rộng hơn 3m thì cứ đến đất nhà nào là nhà đó tự nguyện hiến để làm đường”, ông Trọng cho hay.

Không chỉ hiến đất, người dân ấp Suối Son 2 còn tích cực tham gia đóng góp tiền của, công lao động để xây dựng tuyến đường trên. Bà Trần Thị Lan, một người dân ấp Suối Son 2 chia sẻ, có được con đường khang trang, rộng rãi thì việc đi lại sinh hoạt và sản xuất cũng thuận lợi hơn. Do đó, người dân ai cũng ủng hộ và tham gia đóng góp nhiệt tình. Cũng theo bà Lan, thực tế cho thấy, từ khi tuyến đường được đưa vào sử dụng, đời sống của người dân đã thuận lợi hơn rất nhiều. “Giờ mua bán cũng dễ mà nông sản lại được giá hơn vì đường dễ đi hơn. Con em đi học cũng thuận lợi hẳn ra”, bà Lan chia sẻ.

Không chỉ tại ấp Suối Son 2, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn tại xã Phú Vinh cũng đã được đầu tư xây dựng mới khang trang và chắc chắn từ khi bắt tay xây dựng NTM. Ðặc biệt, theo UBND xã Phú Vinh, thay vì chỉ làm các tuyến đường bê tông rộng 5m như quy định thì các tuyến đường trong xã đều có chiều rộng 6 - 7m. Có được điều này là nhờ người dân ủng hộ, hiến đất để xã có điều kiện mở rộng các tuyến đường.

“Ðột phá” từ giao thông chính là “chìa khóa” để nâng cao đời sống người nông dân và phát triển kinh tế là chủ trương của huyện Ðịnh Quán kể từ khi địa phương này bắt tay triển khai chương trình NTM vào năm 2011. Nói “đột phá” vì huyện Ðịnh Quán xuất phát là địa phương thuần nông, trước đây do hệ thống giao thông yếu kém nên việc sản xuất của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Ðây cũng chính là nguyên nhân khiến cho sản xuất nông nghiệp của huyện chậm phát triển.

Theo Chủ tịch UBND huyện Ðịnh Quán Trần Quang Tú, từ khi bắt tay xây dựng NTM, huyện đã chú trọng đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, đường vào các vùng sản xuất, vùng chuyên canh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển vật tư, nông sản.

Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã đầu tư xây mới và nâng cấp 717 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài 681km, kinh phí thực hiện trên 1.152 tỷ đồng. Ðó là những con số rất ấn tượng đối với 1 huyện nghèo. Hiện 13/13 xã của huyện Ðịnh Quán đều đã đạt chuẩn về tiêu chí giao thông. “Ðến nay, hệ thống đường huyện cơ bản đã nối thông từ huyện đến trung tâm các xã và các khu dân cư tập trung. Nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa và giao lưu kinh tế của người dân nhờ đó cũng được cải thiện. Ðối với hệ thống đường xã, cơ bản các trục đường chính đã hình thành và tương đối thông suốt”, Chủ tịch UBND huyện Ðịnh Quán Trần Quang Tú cho biết.

Nhân dân đóng góp hơn 40% tổng vốn xây dựng nông thôn mới

Theo UBND huyện Định Quán, qua hơn 7 năm thực hiện xây dựng NTM, chương trình đã huy động được gần 21.000 tỷ đồng. Trong số này, nguồn vốn do nhân dân đóng góp là hơn 8.400 tỷ đồng, chiếm hơn 40% tổng nguồn vốn xây dựng NTM.

Nâng thu nhập cho người nông dân

Chủ tịch UBND huyện Ðịnh Quán cho biết, với phương châm lấy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập làm gốc trong xây dựng NTM, bên cạnh những chính sách của Trung ương và tỉnh về hỗ trợ “tam nông” thì huyện Ðịnh Quán cũng có những chính sách riêng phù hợp với tình hình địa phương. Ðó là chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, hỗ trợ giống bắp vụ đông xuân, hỗ trợ giống lúa chất lượng cao cho các hộ đồng bào dân tộc; đầu tư các công trình điện vào vùng sản xuất tập trung; hỗ trợ phát triển cây trồng chủ lực… Nhờ những chính sách cụ thể này, người dân địa phương đã đồng tình ủng hộ và chia sẻ cùng chính quyền địa phương.


Một tuyến đường giao thông xanh - sạch - đẹp tại xã Phú Ngọc, huyện Định Quán.

Ðến nay, Ðịnh Quán đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung đối với các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh như: xoài, hồ tiêu, cà phê, bưởi, ca cao… Trong chăn nuôi, huyện cũng đã quy hoạch 13 khu chăn nuôi tập trung với diện tích hơn 1.500 ha. Ðến nay, đã có 6 khu phát triển chăn nuôi được đầu tư hạ tầng và các trang trại đã đi vào hoạt động.

Ðặc biệt, hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững đảm bảo thu nhập ổn định cho nông dân, Ðịnh Quán là một trong những địa phương sớm chú trọng phát triển mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất mà tiêu biểu là dự án cánh đồng lớn trên cây ca cao của Công ty TNHH ca cao Trọng Ðức. Nhờ có dự án này, nhiều năm nay, nông dân trồng ca cao tại các xã Gia Canh, Phú Lợi, Phú Vinh đã bớt nỗi lo về giá mỗi vụ thu hoạch. Việc Công ty TNHH ca cao Trọng Ðức ký kết các hợp đồng thu mua dài hạn đã làm cho nông dân trong huyện yên tâm sản xuất. “Giá bán thì mình ký với công ty từ đầu năm rồi nên không lo. Giờ giá thị trường có lên xuống gì cũng không ảnh hưởng”, ông Nguyễn Quý Tuân, nông dân trồng ca cao ở xã Gia Canh cho hay.

Dự án cánh đồng lớn trên cây ca cao của Công ty TNHH ca cao Trọng Ðức hiện nay được đánh giá là dự án có hiệu quả nhất trong việc phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài dự án này, hiện Ðịnh Quán cũng đã xây dựng được 13 mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Chủ tịch UBND huyện Ðịnh Quán Trần Quang Tú cho hay, từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, với việc tập trung đồng bộ nhiều nguồn lực nên sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện phát triển theo đúng định hướng, sản xuất phát triển theo quy mô hàng hóa. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước chuyển dịch phù hợp với điều kiện đất đai, nguồn nước, đáp ứng nhu cầu thị trường và lợi thế cạnh tranh. Nhờ đó, giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp huyện có mức tăng trưởng bình quân hơn 4,3%/năm. Giá trị sản xuất bình quân 1 ha đất nông nghiệp năm 2018 đạt hơn 145 triệu đồng, tăng hơn 1,6 lần so với năm 2011. Cũng chính từ đây, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 của huyện đạt hơn 49 triệu đồng, gấp hơn 1,8 lần so với năm 2011.

Huyện Định Quán công bố quyết định huyện đạt chuẩn nông thôn mới

Ngày 20-5, huyện Định Quán sẽ tổ chức lễ công bố quyết định huyện đạt chuẩn NTM năm 2018. Trước đó, vào tháng 5-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận huyện Định Quán đạt chuẩn NTM.

Phạm Tùng

Tác giả: Phạm Văn Tùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây