Tân Phú là huyện miền núi khó khăn nhất trên địa bàn tỉnh với tỷ lệ hộ nghèo cao. Do đó, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), địa phương xác định việc nâng thu nhập cho người dân là “chìa khóa” để hoàn thành chương trình. Bằng nhiều giải pháp phát triển kinh tế, đời sống người dân nơi đây không ngừng được nâng cao, bộ mặt nông thôn vì thế cũng có nhiều khởi sắc.
Ngày 21-6, huyện Tân Phú sẽ tổ chức Lễ công bố Quyết định huyện đạt chuẩn NTM năm 2018. Trước đó, vào tháng 5-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định công nhận huyện Tân Phú đạt chuẩn NTM.
Dồn sức nâng thu nhập người dân
Năm 2012, thực hiện chủ trương thay đổi cơ cấu cây trồng trong chương trình xây dựng NTM, gia đình bà Lê Thị Kim Em, ấp 3, xã Tà Lài quyết định chuyển 2 ha đất vườn trồng cà phê và hồ tiêu sang trồng cây bưởi da xanh.
Từ khi chuyển sang loại cây trồng mới, thu nhập của gia đình bà Em nâng lên rõ rệt so với trước đó. Theo bà Em, trước đây khi trồng hồ tiêu và cà phê, khá lắm, mỗi năm cũng chỉ cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Từ ngày chuyển sang trồng bưởi da xanh, mỗi năm, gia đình có nguồn thu nhập hơn 1 tỷ đồng. “Sau khi trừ đi chi phí đầu tư, mỗi năm gia đình cũng có nguồn thu hơn 500 triệu đồng”, bà Em cho biết.
Không chỉ gia đình bà Em, đời sống của nhiều hộ dân ở xã Tà Lài cũng đã dần trở nên khấm khá từ khi chuyển sang trồng bưởi da xanh. Bí thư Đảng ủy xã Tà Lài Lê Vĩnh Phú cho hay, nhờ cây bưởi da xanh, đời sống của người dân trong xã trở nên khấm khá hơn vì so với các loại cây trồng trước đây, cây bưởi mang lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn. Từ chỗ chỉ có vài hộ trồng bưởi, đến nay, toàn xã đã có gần 300 ha bưởi da xanh. “Hiện nay bưởi da xanh Tà Lài cũng đã được đưa vào danh mục xây dựng của Chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm của tỉnh”, ông Vinh chia sẻ.
Nhờ thực hiện chuyển đổi sang trồng cây bưởi da xanh, thu nhập của gia đình bà Lê Thị Kim Em, ấp 3, xã Tà Lài đã được nâng cao.
Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Võ Tuấn Dũng cho hay, khi bắt tay thực hiện chương trình xây dựng NTM, Tân Phú luôn xác định lấy phát triển sản xuất nông nghiệp là khâu đột phá. Do đó, huyện đã có nhiều chính sách nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, quy mô hàng hóa, hình thành các vùng chuyên canh tập trung các loại nông sản thế mạnh. Đến nay, Tân Phú đã hình thành được nhiều vùng chuyên canh các loại cây chủ lực có diện tích lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: lúa (gần 15.000 ha), rau màu (gần 2.000 ha), bưởi (hơn 1.400 ha), sầu riêng (700 ha)… Nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như trồng bưởi da xanh, sầu riêng cũng được phát triển, nhân rộng.
Ngoài phát triển sản xuất nông nghiệp, Tân Phú cũng chú trọng phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp nhằm giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Đặc biệt, với khí hậu ôn hòa, Tân Phú còn được xem là “Đà Lạt” thu nhỏ, do đó những năm qua huyện đã chú trọng phát triển mạnh ngành du lịch, nhất là du lịch sinh thái. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành được một số điểm du lịch sinh thái như: Khu du lịch Suối Mơ, Vườn quốc gia Nam Cát Tiên.
Du lịch phát triển đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của huyện. Năm 2011, tổng lượng khách tham quan du lịch đến với Tân Phú là hơn 19.000 lượt khách thì đến năm 2018, con số này là 522.000 lượt khách, tức tăng đến hơn… 27 lần. Một con số ấn tượng!
Sau hơn 7 năm bắt tay xây dựng NTM, nhờ áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, Tân Phú đã có những bước phát triển lớn về kinh tế. Nhờ đó, thu nhập, đời sống của người dân, nhất là người nông dân cũng được nâng lên. Năm 2011, Tân Phú là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh với hơn 8.500 hộ (chiếm gần 23% tổng số hộ dân), sau hơn 7 năm, đến tháng 6-2018, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 1,44% theo chuẩn nghèo của tỉnh (cao hơn chuẩn nghèo của cả nước). Thu nhập bình quân đầu người của Tân Phú cũng có bước “nhảy vọt” đáng ghi nhận từ mức 14,5 triệu đồng/người vào năm 2011 đã tăng lên 50,8 triệu đồng năm 2018, tức tăng gấp hơn 3 lần.
Thay đổi diện mạo nông thôn
Theo Bí thư huyện ủy Tân Phú Trần Bá Đạt, từ khi bắt tay xây dựng NTM, đời sống nhân dân trên địa bàn huyện đã có nhiều khởi sắc. Thu nhập bình quân đầu người tăng, đồng thời các thiết chế văn hóa, xã hội phục vụ đời sống và sản xuất của người dân như: đường giao thông, điện, các công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng đồng bộ.
Trên lĩnh vực giao thông, từ năm 2011 đến nay, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Tân Phú đã đầu tư nâng cấp 466 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 400km bằng bê tông xi măng và bê tông nhựa nóng. Ngoài kinh phí của tỉnh hỗ trợ xây dựng các tuyến đường trục chính của xã, đường trục thôn xóm, ngõ xóm thì huyện đã cố gắng hỗ trợ một phần kinh phí và hầu hết các con đường trên địa bàn huyện đều được nhân dân tự xây dựng theo thiết kế mẫu.
Công nhân sản xuất sợi dệt tại một cơ sở sản xuất ở xã Phú Trung, huyện Tân Phú.
Cùng với giao thông, hệ thống điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất cũng được đầu tư nâng cấp. Đến nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt hơn 99,8%, trong đó tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt hơn 99,6%.
Cùng với đó, các thiết chế phục vụ đời sống người dân như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cũng được đầu tư xây dựng đồng bộ.
Do xuất phát điểm là một huyện nghèo, trước đây tỷ lệ nhà tạm, dột nát trên địa bàn huyện khá lớn. Do đó, khi bắt tay xây dựng NTM, Tân Phú cũng đã huy động nhiều nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ dân. Đến nay, toàn huyện đã hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát. Nhà ở dân cư nông thôn trên địa bàn huyện hầu hết đều được chỉnh trang xây dựng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và mức độ thụ hưởng của người dân.
Với mục tiêu hướng mạnh vào phát triển du lịch, Tân Phú cũng chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp. Tân Phú hiện cũng đang phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức khảo sát, xây dựng các tour du lịch sinh thái nhằm vừa phục vụ phát triển kinh tế, vừa giữ gìn cảnh quan, bản sắc nông thôn.
Ngoài ra, huyện cũng thực hiện gắn kết các điểm du lịch mới, các điểm du lịch tham quan vườn cây ăn trái như: HTX bưởi Tà Lài, vườn sầu riêng, mô hình chế biến và tham quan vườn ca cao xã Tà Lài... Đồng thời, duy trì phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Châu Mạ tại Nhà dệt Tà Lài, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc ở xã Tà Lài như nghệ thuật cồng chiêng, múa hát dân ca, nhạc cụ dân tộc… để kết nối tạo thành tuyến du lịch đặc trưng.
Xây dựng chương trình để các xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu
Theo Bí thư huyện ủy Tân Phú Trần Bá Đạt, hiện Tân Phú đã có chương trình, kế hoạch để chỉ đạo tiếp tục giữ vững các tiêu chí của huyện NTM. Đồng thời, xây dựng chương trình, kế hoạch để từng xã trên địa bàn huyện xây dựng và đạt chuẩn NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Đặc biệt là xây dựng môi trường trong sạch, tạo ra cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp, môi trường đáng sống ở nông thôn.
Quỳnh Nhi
Tác giả: Phạm Văn Tùng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập