Những năm trở lại đây, Hội Văn học - nghệ thuật (VH-NT) Đồng Nai đã tổ chức nhiều hoạt động sáng tác VH-NT gắn với xây dựng nông thôn mới. Từ các trại sáng tác, đã có nhiều mô hình mới, cách làm hay, tấm gương tiêu biểu ở các vùng quê nông thôn mới được giới thiệu, lan tỏa. Bên cạnh các trại sáng tác do Hội tổ chức, các câu lạc bộ thơ ca ở địa phương cũng tích cực sáng tạo, đóng góp không nhỏ trong việc tuyên truyền, vận động toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới.
Nông thôn mới trong thơ ca
Vốn là đề tài muôn thuở trong thơ ca, nông thôn nhưng là nông thôn mới của riêng từng địa phương trên địa bàn tỉnh đã được các tác giả thể hiện qua thơ theo cách riêng của mình. Qua lăng kính phản ánh của cảm xúc, thơ ca đã tái hiện niềm vui trước sự phát triển của nông thôn quê hương, cuộc sống của người nông dân. Đặc biệt, những đổi mới theo hướng hiện đại, tích cực đã được các tác giả chăm chút, đi sâu phản ánh.
Với chủ đề cũng là nội dung của tập san thơ ca “Nông thôn mới Nhơn Trạch” (gồm 30 bài thơ) do Trung tâm Văn hóa - thông tin phối hợp với Câu lạc bộ thơ ca Nhơn Trạch ấn hành đã khắc họa một bức tranh nông thôn mới đa màu sắc của vùng quê sông nước đến với các tầng lớp nhân dân trong và ngoài huyện. Mặc dù là những “nhà thơ” không chuyên, với ngôn từ chân chất, mộc mạc nhưng đã thể hiện tấm lòng của các tác giả đối với sự đổi thay của Nhơn Trạch trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Đúng như sự phản ánh của thơ ca, nông thôn mới Nhơn Trạch đã và đang chuyển mình để bước sang giai đoạn mới, nông thôn mới nâng cao.
Tập san được thể hiện bằng nhiều thể thơ khác nhau như: đường luật, lục bát, song thất và tự do. Tác giả Nguyễn Phúc Thiện cho biết, khi viết về nông thôn mới trên chính vùng quê mình sống, cảm xúc rất dạt dào. Quê hương Nhơn Trạch trong ông là những cánh đồng lúa trĩu vàng, những vườn cây ăn trái sum suê, những con đường mới mở, rộng thênh thang… Tất cả được tái hiện trong thơ: “Đồng hợp tác, lúa vàng sóng sánh/Hoa trái vườn nhà ngan ngát hương thơm/Đường rộng lớn, điện sáng về thôn/Niềm vui no ấm chẳng còn là mơ/Nông thôn đẹp tựa bài thơ/Quê hương Nhơn Trạch đổi đời từ đây” (Nông thôn ngày mới).
Người dân xã Phú Hội (Nhơn Trạch) chung tay xây dựng nông thôn mới.
Trong cảm nhận của tác giả Phan Thu Nguyệt, vẻ đẹp của nông thôn mới Nhơn Trạch chính là việc “chuyển đổi mô hình” để góp phần ổn định dân sinh và xây dựng một môi trường “xanh, sạch”: “Ai về Phước Khánh một lần/Môi trường xanh, sạch lòng dân vui mừng/Chồi non nẩy lộc đơm bông/Tô thêm nét đẹp ấm nồng quê hương” (Phước Khánh quê tôi). Tác giả Thanh Thanh lại nhìn thấy sự đổi mới của quê hương qua những con đường được “nhựa hóa” thay cho những con đường đất, với những cơ sở hạ tầng khang trang được xây dựng thay thế cho những mái nhà tranh năm nào: “Về thăm Phú Hữu quê nhà/Qua phà Cát Lái rẽ về Phước Lương/Theo lối cũ tôi về bên xóm nhỏ/Con đường làng bỡ ngỡ bước chân quen/Nhớ ngày xưa đường đất - lắm nhà tranh/Ngày nay nhựa hóa hạ tầng khang trang” (Quê tôi xã nông thôn mới).
Cũng giống như tập san thơ của Nhơn Trạch, đặc san văn nghệ “Long Khánh thành phố mới” của TP. Long Khánh vừa ấn hành đã thể hiện những thành tựu đạt được trong quá trình xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa và trên nhiều lĩnh vực khác, xứng đáng với tầm vóc của một thành phố trẻ. Để trở thành thành phố mới của Đồng Nai, toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long Khánh đã không ngừng nỗ lực, xây dựng diện mạo mới của đô thị xanh, văn minh, thân thiện và từng bước hiện đại.
“Long Khánh thành phố mới” vừa là niềm tự hào, phấn khởi, vừa là sự kỳ vọng về một thành phố giàu tiềm lực trong tương lai: “Long Khánh tin vui bỗng vỡ òa/Đất lành chim đậu rộn lời ca/Vinh danh thành phố tươi màu mới/Như ánh trăng ngân đến mọi nhà”. Và thơ ca đã đóng góp tích cực vào xây dựng hình ảnh quê hương Đồng Nai giàu đẹp, không ngừng phát triển, như niềm hân hoan của người dân Long Khánh lan tỏa trong từng lời ca tiếng hát, cung đàn: “Ngày vui lại tiếp ước mơ/Phím loan xao xuyến, đường tơ bổng trầm/Cung thương, cung nhớ vũ vần/Mượt xanh giai điệu, trong ngần tiếng ca”.
Hào hứng nhập cuộc…
Dù không phải là những “cây bút” chuyên nghiệp nhưng những tác giả sáng tạo tác phẩm VH-NT đã luôn đồng hành cùng nông thôn mới trong thơ ca địa phương nói riêng, thơ ca Đồng Nai nói chung. Chủ nhiệm CLB thơ ca Nhơn Trạch Nguyễn Thị Mỹ Lệ cho biết, lợi thế của thơ ca địa phương là chính bản thân tác giả gắn bó với vùng quê. Nông thôn hôm nay thay đổi từng ngày, hiện đại và đẹp hơn nhưng chằng chịt các vấn đề phức tạp, đòi hỏi bản thân mỗi người cần “nhập cuộc”.
“Chúng tôi rất hào hứng khi viết về nông thôn mới. Đề tài này đã hâm nóng thêm bầu nhiệt huyết cho chúng tôi trên con đường sáng tạo VH-NT. Tuy số lượng tác phẩm hay vẫn còn khiêm tốn nhưng mỗi cách nhìn, cách thể hiện khác nhau trong tác phẩm sẽ góp phần giúp bà con hiểu rõ hơn lợi ích và thành quả mà người dân được thụ hưởng về mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”, bà Lệ nói.
Trưởng ban Dân vận Thành ủy Long Khánh Phạm Văn Hoàng (Hội viên Hội VH-NT tỉnh) cho rằng, bản thân thơ ca địa phương dù chưa có những tác phẩm “xuất sắc”, đạt độ “chín” nhưng với nỗ lực làm mới, cảm xúc chân thực, các tác giả đã phản ánh hơi thở của cuộc sống hôm nay. “Để có được những tác phẩm xứng tầm so với thực tế của công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Long Khánh, ngoài đội ngũ sáng tác địa phương rất cần sự “dấn thân” và tâm huyết của các nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp. Từ những sáng tác hay được phổ biến rộng rãi, tin rằng VH-NT về nông thôn mới sẽ trở thành “vùng trung tâm” của văn học như vị trí mà nó xứng đáng”, ông Hoàng bộc bạch.
P.V
Tác giả: P.V
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập