Sáng 14-6, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường đã chủ trì buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và Ban Thường vụ Huyện ủy Cẩm Mỹ về việc cấp nước cho người dân và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường cho rằng, tuy đã có định hướng phát triển cho huyện Cẩm Mỹ nhưng việc cung cấp nước phục vụ sinh hoạt, nông nghiệp và công nghiệp đang là vấn đề khó khăn của huyện, hệ thống cấp nước hiện hữu vẫn là công trình thủy lợi. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, đối với các công trình đang khai thác, các công ty khai thác công trình thủy lợi có phương án nạo vét để tăng công suất và dung tích hồ chứa. Các sở, ngành của tỉnh và ngành nông nghiệp huyện, tính toán nhu cầu tưới tiêu, nước sinh hoạt và công nghiệp để lên phương án kịp thời. Địa phương cần tăng cường kêu gọi xã hội hóa trong việc thực hiện các dự án nước sạch tại nông thôn.
Huyện Cẩm Mỹ hiện có 22 công trình thủy lợi đang hoạt động, cấp nước sản xuất cho khoảng 1.452 hécta, cùng với hệ thống tưới nước tiết kiệm đã được lắp đặt 7.179 hécta, qua đó có hơn 37% diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện cấp nước chủ động. Đối với cấp nước tập trung nông thôn, tỷ lệ người dân nông thôn trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt đạt khoảng 60% (gần 95 ngàn người), nhưng tỷ lệ các trường mầm non, phổ thông và các trạm y tế xã ở nông thôn sử dụng nước sạch theo QC02 đạt 100%.
Một số ý kiến cho rằng, hiện các công trình thủy lợi do Nhà nước đầu tư và hệ thống tưới nước tiết kiệm ở huyện Cẩm Mỹ mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu tưới, vì vậy cần tiếp tục đầu tư xây dựng công trình thủy lợi theo quy hoạch. Các công trình cấp nước nông thôn thì phần lớn được xây dựng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc Chương trình 134 và được giao cho đồng bào dân tộc quản lý nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Việc thu hút kêu gọi doanh nghiệp tham gia xã hội hóa đầu tư, quản lý công trình cấp nước sạch nông thôn luôn gặp khó khăn, bởi hầu hết người dân nông thôn đều sử dụng giếng khoan hoặc giếng đào và sống rải rác, dẫn đến kinh phí đầu tư lớn nhưng người dân đăng ký sử dụng ít, khả năng thu hồi vốn thấp, rủi ro cao.
Dương An
Tác giả: Dương An
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập