Cương quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn

Thứ hai - 29/07/2024 10:29
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn tỉnh năm 2024 với chủ đề: “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, tuyệt đối không để các cá nhân, đơn vị can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm về trật tự ATGT, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn.

Lãnh đạo Công an thành phố Biên Hòa trực tiếp kiểm tra việc xử lý vi phạm nồng độ cồn trên các tuyến đường nội thành Biên Hòa vào ban đêm.
Lãnh đạo Công an thành phố Biên Hòa trực tiếp kiểm tra việc xử lý vi phạm nồng độ cồn trên các tuyến đường nội thành Biên Hòa vào ban đêm.

Cấm tuyệt đối nồng độ cồn với người lái xe

Mới đây, với 388 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành (chiếm 79,84%), Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ (có hiệu lực từ ngày 1-1-2025). Trong đó, điểm đáng chú ý là Quốc hội thống nhất quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (quy định tại khoản 2, Điều 9 của luật này).

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, quy định trên vốn đã được nêu trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019. Nếu không tiếp tục quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn với người lái xe sẽ có nguy cơ gia tăng vi phạm trật tự ATGT đường bộ, các vụ tai nạn giao thông đường bộ, dẫn đến làm tăng hậu quả, thiệt hại. Cùng với đó, sẽ đi ngược lại những cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, gây lãng phí công sức, tiền bạc trong thời gian qua khi cương quyết chống vi phạm nồng độ cồn.

Như vậy, việc kiểm soát chặt chẽ vi phạm nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện giao thông vẫn sẽ được tiến hành liên tục. Tại buổi tọa đàm về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội do Cục Truyền thông Công an nhân dân (Bộ Công an) tổ chức ngày 17-5, thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an) cho biết: tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia chiếm một tỷ lệ đáng kể. Ngoài ra, sử dụng rượu, bia còn có thể dẫn đến nhiều hành vi vi phạm pháp luật khác. Vì vậy, việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn với người lái xe là việc làm có ý nghĩa và an toàn cho người dân.

Thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn
 
Tại Đồng Nai, việc kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn hiện nay đang được lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh thực hiện thường xuyên và quyết liệt, nhất là vào ban đêm, trong các dịp lễ, tết, cuối tuần - thời điểm có nguy cơ gia tăng hành vi vi phạm lái xe sau khi đã uống rượu, bia.
 
Đây là một trong những chuyên đề trọng tâm, được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh. Công an các địa phương và Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch cao điểm xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn một cách quyết liệt.

Giải pháp được lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh triển khai rộng rãi khi “mở rộng” khu vực tuần tra lưu động. Trong đó tập trung trên các khu vực vùng ven, các tuyến đường có nhiều nhà hàng, quán nhậu hoạt động ban đêm. Qua đó tránh việc “báo chốt” của các đối tượng nhằm “qua mặt” lực lượng chức năng.

Tác giả: Trúc Viên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây