(CTT-Đồng Nai) - Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, do số lượng người dân đi tiêm vaccine phòng cúm tăng đột biến nên đơn vị đã tạm hết vaccine cúm.
Khuyến cáo phòng bệnh cúm mùa của Bộ Y tế
Khuyến cáo phòng bệnh cúm mùa của Bộ Y tế
Những cơ sở tiêm vaccine trên địa bàn tỉnh
TS-BS Trần Minh Hòa, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho hay, dự kiến trong tuần tới, đơn vị sẽ có vaccine cúm trở lại để tiêm cho người dân.
Vaccine cúm được tiêm theo hình thức dịch vụ. Có 2 loại vaccine cúm được sử dụng tại các cơ sở tiêm chủng gồm: vaccine Influvac Tetra (Hà Lan) và Vaxigrip Tetra (Pháp).
Trong khi chờ đợi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhập vaccine, người dân có thể đi tiêm vaccine phòng cúm tại một số cơ sở khác như: Hệ thống tiêm chủng VNVC, Khu C Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, Bệnh viện Đồng Nai 2, Trung tâm tiêm chủng Bệnh viện 7B…
Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các virus cúm mùa gây nên. Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện đột ngột và dễ nhận biết như: Ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, hắt hơi, đau họng, đau nhức cơ. Bệnh có thể kèm theo các triệu chứng ở đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy...
Ở trẻ nhỏ, ban đầu có sốt từ 38 độ C trở lên, uể oải, lười vận động, ho. Trẻ cũng có thể nôn, trớ nhiều lần trong ngày, khát nước; đôi khi các triệu chứng này tự hết mà không cần điều trị đặc biệt, giống như nhiễm virus khác. Tuy nhiên, khi bệnh chuyển nặng, trẻ sốt cao trên 39 độ C, bỏ ăn, bỏ bú, lòng bàn tay và gan bàn chân lạnh, trẻ thở nhanh, ngủ li bì, nặng hơn, trẻ có thể sốt cao đến co giật.
Đối với những người có hệ miễn dịch yếu như người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai cần theo dõi kỹ vì trong một số trường hợp biến chứng của cúm A có thể gây tử vong. Mức độ nghiêm trọng của bệnh từ các triệu chứng nhẹ đến viêm phổi nặng, viêm não và nhiễm trùng toàn thân, có thể đe dọa tính mạng.

Người dân tiêm vaccine cúm tại VNVC Đồng Nai
Người dân tiêm vaccine cúm tại VNVC Đồng Nai
Người dân không nên quá hoang mang
Trước tình hình dịch bệnh cúm gia tăng, nhiều người dân đã tự ý mua thuốc Tamiflu để điều trị.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm Thành phố Hồ Chí Minh, Tamiflu dù là loại thuốc có khả năng ức chế virus cúm, nhưng nếu dùng không đúng cách có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tâm thần.
Một trong những vấn đề nghiêm trọng khi lạm dụng Tamiflu là nguy cơ kháng thuốc. Nếu virus cúm kháng Tamiflu, việc tìm kiếm thuốc thay thế sẽ trở nên vô cùng khó khăn. Hơn nữa, loại thuốc này chỉ phát huy hiệu quả tốt nhất khi được sử dụng sớm trong giai đoạn đầu của bệnh. Nếu người bệnh đã có triệu chứng như ho, sổ mũi từ 2-3 ngày rồi mới dùng thuốc, hiệu quả sẽ suy giảm đáng kể, thậm chí không còn tác dụng.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng cảnh báo, việc tự ý mua thuốc mà không có đơn kê của bác sĩ có thể dẫn đến nhiều rủi ro như: mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng, sử dụng sai liều lượng hoặc gặp tác dụng phụ nghiêm trọng, đặc biệt là ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Do đó, khi nghi ngờ mắc cúm, người dân nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý, tránh tự ý điều trị gây nguy hiểm.
Bác sĩ Khanh nhấn mạnh, người dân không nên đổ xô đi tìm mua Tamiflu, bởi dịch cúm rồi cũng sẽ qua đi. Quan trọng nhất vẫn là giữ gìn sức đề kháng tốt, phát hiện bệnh sớm để có hướng xử lý phù hợp. Thay vì phụ thuộc vào thuốc, việc duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý và thực hiện các biện pháp phòng bệnh sẽ giúp cơ thể chống lại virus hiệu quả hơn.