Những việc làm thiết thực chăm lo đời sống Nhân dân

Thứ năm - 20/02/2025 16:23
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Tính đến cuối năm 2024, thu nhập bình quân đầu người ở Đồng Nai đạt 148,9 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,1%.

Du khách tham quan vườn sầu riêng của câu lạc bộ du lịch sinh thái vườn “Quê tôi”, xã Lộ 25, huyện Thống Nhất
Du khách tham quan vườn sầu riêng của câu lạc bộ du lịch sinh thái vườn “Quê tôi”, xã Lộ 25, huyện Thống Nhất

Để đạt được kết quả này là sự chăm lo cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội đã tuyên truyền, vận động người dân tích cực học tập, lao động sản xuất và giúp đỡ những người yếu thế.

Giúp đoàn viên, hội viên làm giàu

Những năm qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động dạy nghề, tư vấn, hỗ trợ nông dân về việc làm, sản xuất kinh doanh và thường xuyên phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Qua phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững, trung bình hàng năm Đồng Nai có trên 95 ngàn hộ đăng ký và hơn 54 ngàn hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (chiếm 57,2% so với hộ đăng ký).

Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương, điển hình tiêu biểu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó hộ ông Phạm Tuấn Anh, nông dân ấp Chiến Thắng, xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc.

Nông dân Phạm Tuấn Anh với tinh thần không ngừng học hỏi và sáng tạo, ông đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong lao động, sản xuất. Hiện tại, trên diện tích khoảng 12 ngàn m2 đất nông nghiệp của gia đình, ông trồng các loại cây ăn trái như chôm chôm thái, bưởi da xanh, mít các loại và chăn nuôi các loại súc, gia cầm. Để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân, ông không quản ngại khó khăn đi nhiều nơi, học hỏi nhiều mô hình mới, cách làm hay có hiệu quả kinh tế để về áp dụng trên mảnh đất của gia đình mình. Từ đó, mỗi năm trừ chi phí gia đình ông có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Người dân xã Lộ 25, huyện Thống Nhất chủ yếu làm nông nghiệp, còn lại làm công nhân và buôn bán nhỏ. Do thời tiết thất thường và giá cả nông sản bấp bênh nên đời sống nhân dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, trước đây các hộ dân ở xã Lộ 25 khi trồng được các loại cây ăn trái, người dân chủ yếu bán sản phẩm qua kênh thương lái nên thường xuyên bị ép giá, hiệu quả kinh tế mang lại thấp và sản phẩm từ nhà vườn đến tay người tiêu dùng phải qua nhiều khâu trung gian, nên bị đội giá cao.

Với tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ, Ban Chấp hành Đoàn xã Lộ 25 đã tập hợp các đoàn viên thanh niên có tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp tại quê nhà và đam mê nhà vườn kết hợp làm du lịch sinh thái để thành lập câu lạc bộ du lịch sinh thái “Quê tôi”. Thông qua câu lạc bộ nhằm quảng bá rau, củ, trái cây và những mặt hàng khác mà người dân làm ra được đến tận tay người tiêu dùng, không qua khâu trung gian để nâng cao thu nhập cho các bạn đoàn viên và bà con nông dân trong xã.

Đến nay, câu lạc bộ du lịch sinh thái “Quê tôi” đã thu hút 12 đoàn viên thanh niên của 4 ấp trong xã tham gia, với tổng diện tích 12 héc ta, trồng các loại cây ăn quả như: chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, bơ, thơm, chuối và nhiều loại rau, củ, quả khác theo hướng phát triển du lịch xanh, gần gũi thiên nhiên.

Anh Nguyễn Huy Thành, ngụ ấp 4, xã Lộ 25 chia sẻ, gia đình anh có 3 hécta trồng các loại cây chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, mít kết hợp làm ao hồ, xây dựng các tiểu cảnh làng quê và mở thêm dịch vụ nấu ăn tại vườn. Mô hình đã giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chăm lo người có hoàn cảnh khó khăn

Nhằm góp phần chăm lo đối tượng nghèo có thêm động lực vững tin vào cuộc sống, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ phường Xuân Lập (thành phố Long Khánh) đã thành lập mô hình “Chung một tấm lòng”, với 15 thành viên tham gia. Các thành viên đã vận động mạnh thường quân trong và ngoài địa phương giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bảo trợ xã hội, hộ khó khăn về vật chất và tạo việc làm cho người lao động bị mất việc làm.

Sau 1 năm thành lập mô hình “Chung một tấm lòng” đã vận động, tặng 20 thẻ bảo hiểm y tế, 60 suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tặng 345 phần quà cho hộ nghèo của phường, với tổng giá trị các hoạt động trên 229 triệu đồng.

Thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ phường Xuân Lập tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, cầu nối trong các hoạt động từ thiện nhân đạo để giúp những người nghèo, người yếu thế có điều kiện giảm nghèo đa chiều, bền vững.

Nhằm góp phần giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng và chăm lo các cháu nhỏ có hoàn cảnh gia đình khó khăn không bị thiếu sữa, Chi hội Phụ nữ ấp Đông Hải, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom đã thực hiện chương trình “Hộp sữa tình nghĩa”. Tham gia chương trình, mỗi hội viên của chi hội đóng góp 1 hộp sữa/ngày. Trong năm 2024, Chi hội Phụ nữ ấp Đông Hải đã quyên góp được 30 thùng sữa. Những hộp sữa này được chuyển đến 4 gia đình nghèo trong ấp, bao gồm 17 em nhỏ. Trong số này có một em bé bị khiếm thính.

Được cho sữa hàng ngày, các bé có cơ hội phát triển toàn diện như các bạn cùng trang lứa. Mỗi hộp sữa tuy nhỏ bé nhưng nó trở thành một nguồn lực mạnh mẽ giúp đỡ các gia đình khó khăn.

Không chỉ dừng lại ở việc đóng góp sữa, các hội viên phụ nữ của chi hội còn thăm hỏi, động viên các gia đình nghèo vươn lên trong cuộc sống. Qua những việc làm của mình, các chị em phụ nữ ấp Đông Hải đã chứng minh được rằng, khi có tình yêu thương và lòng nhân ái, chúng ta có thể làm được những điều tuyệt vời, mang lại niềm hạnh phúc cho những người xung quanh, cuộc sống sẽ trở nên ý nghĩa hơn và mọi khó khăn có thể được vượt qua.

Tác giả: Dương An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây