Săn ảnh Voọc trên núi Chứa Chan

Thứ ba - 09/10/2018 21:20
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Nói đến “săn Voọc” mọi người thường nghĩ ngay đến cuộc săn bắn động vật gì đây! Nhưng thực chất đây là một cuộc “săn ảnh” ly kỳ và thú vị. Theo đó, các nhiếp ảnh gia đến núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc) và hồi hộp chờ đợi để “săn” những khoảnh khắc sinh hoạt đời thường của đàn Voọc chà vá.​

Kỳ công và thú vị

Voọc chà vá chân đen là loại linh trưởng nằm trong nhóm động vật nguy cấp quý hiếm (thuộc nhóm 1B) được ưu tiên bảo vệ vừa được Hạt kiểm lâm liên huyện Xuân Lộc và TX. Long Khánh phát hiện trên núi Chứa Chan. Không chỉ người dân trong vùng tò mò, hiếu kỳ, mà có rất nhiều người từ các địa phương khác tìm đến núi Chứa Chan chờ cơ hội để tận mắt chứng kiến cảnh sinh hoạt của loài động vật quý hiếm này. Chúng tôi cũng không ngoại lệ. 


 Cán bộ kiểm lâm hướng dẫn địa bàn cư trú của loài Voọc chà vá chân đen.

Theo chân các cán bộ kiểm lâm, chúng tôi đến chân núi Chứa Chan thuộc địa phận xã Suối Cát. Tranh thủ lúc nghỉ chân, Phó hạt trưởng hạt Kiểm lâm Xuân Lộc Tôn Hà Quốc Dũng thuyết minh vị trí, thời gian và lộ trình mà đàn voọc thường xuyên xuất hiện. Ông Dũng cho biết, đặc tính của Voọc chà vá không ăn côn trùng, chỉ ăn lá cây và các loại hạt, quả rừng có nhiều màu sắc. Ðiều lạ nữa, Voọc chỉ ăn phần ngon nhất của đọt cây vừa bẻ xuống nên quanh khu vực chúng kiếm thức ăn thường để lại nhiều dấu tích. Phạm vi hoạt động của đàn Voọc rất rộng, đó là những khu vực có đá lộ thiên, dây leo, địa hình dốc cao, thảm thực vật rừng tự nhiên, phía dưới đá có nguồn nước chảy ngầm.

Theo thói quen, buổi sáng mỗi ngày, đàn Voọc bắt đầu xuất hiện tại khu vực có nhiều cây xanh và nhiều tảng đá trắng ở độ cao 300m, ngang tầm mắt với Thiên Sơn tự - ngôi chùa trên núi Chứa Chan. Sau khi kiếm ăn, đàn Voọc tắm nắng trên những mõm đá trắng chờ tiêu hóa thức ăn, rồi tiếp tục hành trình di chuyển sang vạt cây tràm, cây da ở bên dốc suối và lẩn khuất dần... Việc tiếp cận đàn Voọc không hề đơn giản bởi Voọc ăn đọt lá non nên động tác ăn ít gây ra xáo động xung quanh, rất khó phát hiện. Hơn nữa, loài linh trưởng này chỉ cần nghe tiếng động lạ là cả đàn nhanh chóng báo hiệu và đồng loạt tìm chỗ ẩn nấp dưới các vạt cây rừng. 

 
Các cá thể Voọc trên cây.

Ðể các nhiếp ảnh gia dễ nhận diện đàn Voọc, ông Dũng hướng dẫn cách quan sát và vị trí các cá thể Voọc thường xuất hiện. “Không phải lúc nào thợ săn ảnh đến núi Chứa Chan cũng có thể gặp được đàn Voọc. Do vậy, để chụp được những bức ảnh như ý, ngoài việc trang bị phương tiện hiện đại, thợ ảnh phải kiên nhẫn, biết cách quan sát, có đôi mắt tinh”, ông Dũng nói.

Nơi chúng tôi ngồi quan sát đàn Voọc khuất xa tầm mắt khoảng 300m, nên chỉ có thể ngắm nhìn đàn Vooc qua ống nhòm hoặc ống kính máy ảnh. Ðàn Voọc sau một ngày kiếm ăn lại kéo nhau trở về nơi ban đầu, tiếp tục ăn những thức ăn còn sót lại, tắm nắng cho đến khi mặt trời ẩn khuất sau dãy núi.

Góp phần thay đổi nhận thức

Rời chân núi Chứa Chan sau một ngày “săn Voọc”, chúng tôi về đến Hạt kiểm lâm khi những ngọn đèn đã sáng rõ trong mỗi ngôi nhà. Thành quả thu lượm được là những bức ảnh, thước phim về những cá thể Voọc vô cùng sinh động, ẩn mình trong những tán cây, một vẻ đẹp tự nhiên, hoang dã. Nhiều nhiếp ảnh gia xúc động và hài lòng với sản phẩm của mình, đồng thời mong muốn được ngắm nhìn đàn Vooc ở khoảng cách gần hơn. “Nếu nơi đây thiết kế một số camera quan sát, hoặc xây dựng đài quan sát có độ cao vài trăm mét, trang bị kính viễn vọng phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm chắc chắn đây sẽ là hình thức du lịch hấp dẫn”, một nhiếp ảnh gia kiến nghị.

Về vấn đề này, ông Dũng cho biết thêm, vừa qua, dự án quản lý, bảo vệ cũng như tham quan đàn Voọc trên núi Chứa Chan này đã được UBND tỉnh triển khai, kèm theo giải pháp để bảo tồn quần thể Voọc chà vá chân đen, tạo môi trường thuận lợi cho Voọc cư trú. Hiện tại, Hạt kiểm lâm liên huyện Xuân Lộc và TX. Long Khánh đã phối hợp với lực lượng công an, quân đội ở địa phương và Ban quản lý và bảo vệ rừng di tích quốc gia núi Chứa Chan tăng cường công tác tuần tra, chốt trực các khu vực quan trọng, bảo vệ đàn Voọc. “Hiện chúng tôi đã vận động được 9 hộ dân có rẫy gần núi Chứa Chan tham gia vào lực lượng bảo vệ đàn Voọc. Khi có thông tin gì họ sẽ tích cực phối hợp với cán bộ kiểm lâm làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, về lâu dài, chính quyền địa phương cần hỗ trợ thêm kinh phí cho bà con yên tâm gắn bó với công việc này”, ông Dũng nói.

Tin rằng, những bức ảnh gần gũi, sinh động về loài Voọc chà vá chân đen trên núi Chứa Chan khi được chia sẻ, giới thiệu đến cộng đồng sẽ góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, cùng chung tay bảo vệ môi trường sống của các loại động vật quý hiếm.

P.V

Tác giả: P.V

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây