Là trường học thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa của tỉnh nên Trường mầm non Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ) còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhân viên… Tuy vậy, tập thể nhà trường đã nỗ lực vượt khó để hoàn thành tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ.
Còn nhiều khó khăn
Trường mầm non Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ) là ngôi trường nằm ở vùng sâu vùng xa của tỉnh, có nhiều học sinh người dân tộc thiểu số. Trường nằm trên địa bàn giáp ranh của 3 xã: Sông Ray, Xuân Ðông, Xuân Tây nên áp lực về sĩ số học sinh cũng theo đó tăng lên.
Học sinh Trường mầm non Sông Ray.
Năm học 2018 - 2019, trường có gần 1.000 học sinh tại 5 điểm trường. Theo cô Phạm Thị Ngát, Hiệu trưởng nhà trường, phân hiệu có ít học sinh nhất là điểm trường ấp 10 cũng có gần 60 trẻ, điểm nhiều nhất tại ấp 9 có gần 200 trẻ. Riêng tại điểm trường chính có hơn 500 trẻ.
Những năm qua, cơ sở vật chất tại các điểm trường dù được đầu tư nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của trẻ. Cụ thể, trường còn thiếu nhiều phòng học nên phải tăng sĩ số học sinh/lớp hoặc mượn cơ sở của trường tiểu học trên địa bàn.
Trong số các điểm lẻ của trường, điểm trường ở ấp 10 đã xuống cấp. Mới đây Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phối hợp với UBND huyện Cẩm Mỹ, Công ty Aju và tổ chức Worldshase (Hàn Quốc) khởi công xây dựng cơ sở mới cho phân hiệu này. Theo đó, công trình có 2 phòng học và 1 bếp ăn tập thể với tổng kinh phí 800 triệu đồng từ nguồn tài trợ nhân đạo của Công ty Aju. Tuy vậy, việc xây mới này cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh khối chồi và lá; học sinh độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo vẫn chưa có phòng học. Do vậy, phụ huynh có con trong độ tuổi nhà trẻ ở ấp 10 hoặc phải đến tận điểm trường chính để gửi con hoặc phải để con ở nhà.
Không riêng gì điểm trường ấp 10, các điểm trường còn lại cũng gặp khó khăn tương tự trong việc huy động trẻ đến trường. Theo thống kê của Trường mầm non Sông Ray, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ của xã Sông Ray chỉ đạt 37%.
Nỗ lực vượt khó
Do có nhiều điểm trường nên công tác triển khai kiểm tra, giám sát thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ… đối với giáo viên gặp nhiều khó khăn. Ðể khắc phục điều này, Ban giám hiệu đã chủ động phân công các thành viên phụ trách và bám sát hoạt động của điểm trường được phân công.
Trường mầm non Sông Ray hiện có hơn 100 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Với sĩ số học sinh nêu trên, trường được phân công chỉ tiêu 22 nhân viên cấp dưỡng. Tuy nhiên, do lương thấp, nhiều nhân viên cấp dưỡng đã nghỉ việc còn trường thì không thể tuyển dụng được nhân viên mới. “Hiện nay, trường còn thiếu 4 nhân viên cấp dưỡng nhưng không tuyển dụng được. Chúng tôi chỉ còn cách động viên những nhân viên còn lại cáng đáng thêm phần việc của vị trí còn thiếu”, cô Ngát chia sẻ.
Về công tác chuyên môn, năm học 2017 - 2018, trường được đầu tư 8 bộ thiết bị dạy học tiên tiến cho khối mầm, chồi. Theo kế hoạch, nhà trường sẽ được trang bị đầy đủ thiết bị cho tất cả các lớp. Ðội ngũ giáo viên còn khá trẻ (từ 25 - 35 tuổi) là điều kiện thuận lợi để ứng dụng CNTT trong dạy học. Ðến nay, 100% giáo viên của trường soạn giảng trên máy tính và có khoảng 70% giáo viên biết ứng dụng CNTT trong tiết dạy.
Thực hiện đề án “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, dù khuôn viên trường khá chật hẹp nhưng Trường mầm non Sông Ray đã cố gắng xây dựng môi trường phong phú cho học sinh như: tạo bể cát để trẻ chơi; làm đồ chơi ngoài trời; gian hàng ngoài trời; làm vườn rau, vườn hoa để trẻ được trồng và chăm sóc... Nội dung bài học được giáo viên xây dựng phong phú, giúp trẻ tăng cường thực hành, trải nghiệm; các hoạt động ngoài trời, tham quan thực tế… được trường tổ chức thường xuyên hơn.
Với nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, năm học 2017 - 2018, Trường mầm non Sông Ray đã được UBND tỉnh khen thưởng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”.
Hải Yến
Tác giả: Lê Hải Yến
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập