Thời gian qua, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) khu vực Long Khánh đã kịp thời cứu sống nhiều trường hợp bệnh nhân bị mất nhiều máu và đa chấn thương. Trong khi nguồn máu dự trữ của bệnh viện không đủ đáp ứng, nhiều bác sĩ đã không ngần ngại hiến máu, kịp thời cứu sống bệnh nhân.
Cấp cứu thành công ca bệnh nặng
Sau gần 2 tuần phẫu thuật khi bị vết đâm chí mạng, anh H.T.N.(27 tuổi, ngụ tại xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) đã qua cơn nguy kịch. Trước đó, tối 17-9, anh Ngân nhập viện tại BVĐK khu vực Long Khánh trong tình trạng choáng nặng, vật vã, kích thích, huyết áp không đo được, suy hô hấp, da xanh nhợt, chảy máu trong bụng, mất máu cấp do một vết đâm chí mạng ở vùng ngực.
BS. Phan Văn Phong, Trưởng khoa Ngoại, BVĐK khu vực Long Khánh cho hay, vết thương xuyên qua dạ dày đã làm dịch thức ăn tràn khắp ổ bụng, còn vết thương ở các phần khác gây chảy nhiều máu. Do đó, khi tiến hành ca mổ, máu và thức ăn tràn khắp ổ bụng khiến các bác sĩ khá vất vả khi xử lý. Sau khi khâu hết các tổn thương ở dạ dày, phổi, gan… nhưng tình trạng chảy máu vẫn tiếp diễn. “Chúng tôi cứ truyền máu vào lại bị chảy ra hết. Bệnh nhân rơi vào tình trạng sốc rất nặng trên bàn mổ nhưng kiểm tra tim lại không phát hiện tổn thương. Lúc đó, chúng tôi chắc rằng, bệnh nhân bị tổn thương mạch máu”, BS. Phong chia sẻ.
Bác sĩ BVĐK khu vực Long Khánh thăm khám cho bệnh nhân sau ca mổ.
Theo đó, vết đâm đã đi qua phổi vào trung thất gây tổn thương mạch máu của bệnh nhân. Tuy nhiên, việc tìm kiếm tổn thương này rất khó khăn do mạch máu nằm sâu trong vùng trung thất, gần sát cột sống. Hơn nữa, phẫu trường mở ở vùng ngực để vào trung thất khá hẹp, máu chảy tràn trong vùng ngực nên bác sĩ rất khó phát hiện các tổn thương. Trong ca mổ này, các bác sĩ phải “chạy đua” với thời gian, nhanh chóng tìm ra các tổn thương để ngăn chặn tình trạng chảy máu cho bệnh nhân. Đây cũng là yếu tố quyết định đến thành công của ca mổ và tính mạng bệnh nhân.
“Xác định không thể bỏ cuộc. Chúng tôi tiếp tục truyền máu cho bệnh nhân ( 2,8 lít máu), tập trung tối đa phát hiện vùng bị tổn thương. Kết quả, chúng tôi tìm được động mạch chủ ngực của bệnh nhân bị thủng 1 lỗ. Sau khi xử lý tổn thương này thì máu của bệnh nhân đã ngừng chảy”, BS.Phong cho hay.
Bác sĩ hiến máu ngay trong ca trực
Mặc dù các tổn thương của bệnh nhân N. đã được xử lý tạm ổn song bệnh nhân bị mất máu quá nhiều (khoảng 3 lít máu), cần được truyền máu để hồi sức và bình phục. Tuy nhiên tại thời điểm cấp cứu, lượng máu dự trữ trong bệnh viện không còn nhiều, lại vào lúc nửa đêm nên việc truyền máu cho bệnh nhân khá nguy cấp. “Nếu trường hợp này không được cung cấp máu kịp thời thì tỷ lệ tử vong là 100%”, BS. Phong kể lại.
Trước tình hình đó, một bác sĩ của bệnh viện dù đang tham gia ca mổ, phải trực đêm nhưng vẫn tình nguyện hiến máu cho bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh viện đã vận động người dân quanh khu vực tham gia truyền máu ngay trong đêm để kịp thời cứu bệnh nhân thoát khỏi nguy kịch. Sau khi hiến máu, các bác sĩ vẫn tiếp tục trực tại khoa suốt đêm. BS. Tuấn Anh, Khoa Ngoại, người hiến máu cứu bệnh nhân chia sẻ “Người nhà của bệnh nhân không có ở bệnh viện, còn 2 người bạn đưa bệnh nhân vào viện lại trong tình trạng say xỉn nên không thể hiến máu. Thấy tình trạng nguy cấp của bệnh nhân nên tôi sẵn sàng hiến máu. Trong trường hợp đó, ai cũng sẽ hành động như tôi. Sau này, khi gặp trường hợp tương tự, tôi vẫn sẽ làm như vậy”, BS. Tuấn Anh tâm sự.
Trước đó, vào giữa tháng 8-2018, BS. Đặng Ngọc Bun, Khoa Ngoại, BVĐK khu vực Long Khánh cũng đã hiến máu để cứu sống một bệnh nhân bị vỡ gan do tai nạn giao thông. Ngày 11-8, anh N.V.K., ngụ tại xã Xuân Tiến, huyện Xuân Lộc được đưa vào BVĐK khu vực Long Khánh sau tai nạn giao thông. Tình trạng khi nhập viện của anh K. khá nặng: lơ mơ, da xanh, niêm mạc nhợt, bụng chướng và đau nhiều. Siêu âm ổ bụng, các bác sĩ thấy dịch tràn ổ bụng, nghi vỡ nội tạng và phẫu thuật gấp cho bệnh nhân.
Bệnh nhân K. bị mất khoảng 2 lít máu trong quá trình mổ và thuộc nhóm máu hiếm (nhóm máu AB). Trong khi đó, ngân hàng máu của bệnh viện lại không còn dự trữ nhóm máu này. Trước tình hình đó, BS. Ngọc Bun đã hiến máu ngay lập tức để cứu bệnh nhân dù đang tham gia ca mổ trong đêm cho bệnh nhân K. “Với ca bệnh này, bệnh nhân nguy kịch lại mổ trong đêm nên việc huy động máu từ ngân hàng máu sống là rất khó khăn. Tôi phải tạm dừng công việc để hiến máu. Bệnh nhân cần thì mình cho, tôi không nghĩ nhiều. Thấy bệnh nhân tỉnh táo, khỏe lại sau ca mổ là niềm vui lớn nhất của tôi”, BS. Bun kể.
Sẵn sàng hiến máu cứu bệnh nhân
BS. Phan Văn Huyên, Giám đốc BVĐK khu vực Long Khánh cho biết, những trường hợp cấp cứu khẩn cấp, các bác sĩ trong bệnh viện luôn sẵn sàng hiến máu, đặc biệt là những trường hợp bệnh viện không dự trữ nhóm máu hiếm. Bệnh viện đã chuẩn bị trước danh sách những cá nhân trong và ngoài bệnh viện sẵn sàng hiến máu để khi có trường hợp khẩn cấp có thể kêu gọi, vận động những cá nhân này tham gia hiến máu trong mọi trường hợp.
Khánh Ngọc
Tác giả: Phạm Thị Bích Nhàn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập