Giám đốc HTX Nông nghiệp Lâm San Nguyễn Ngọc Luân: Nông nghiệp hữu cơ là tương lai của thị trường

Thứ sáu - 12/10/2018 00:33
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Là người tâm huyết với sản xuất nông nghiệp sạch, 13 năm trước, ông Nguyễn Ngọc Luân rời bỏ nước Ðức để trở về quê ở xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ làm nông. Ðến nay, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Lâm San do ông thành lập là HTX đầu tiên và duy nhất của Việt Nam xuất khẩu trực tiếp hồ tiêu vào các nước châu Âu. Ðặc biệt, mới đây, HTX Lâm San cũng đã có những diện tích hồ tiêu đầu tiên trên địa bàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn hữu cơ.​

Dịp này, ông Nguyễn Ngọc Luân đã có cuộc trao đổi về những cơ hội của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.


 
Ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Lâm San (bìa phải) giới thiệu sản phẩm hồ tiêu sạch với các đại biểu tại chương trình “Kết nối tiêu thụ hàng hóa và đặc sản vùng miền thông qua hệ thống chợ” tại Chợ đầu mối nông sản Dầu Giây.

* P.V: Thưa ông, từ 10 năm trước ông đã bắt đầu làm nông nghiệp hữu cơ, mà cụ thể là với cây hồ tiêu. Vậy, xuất phát từ đâu ông đã bắt tay thực hiện điều này từ khi còn rất sớm?

- Ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Lâm San: Qua tìm hiểu và nghiên cứu, tôi sớm nhận ra rằng yếu tố then chốt nhất để sản phẩm hồ tiêu trong nước có thể “vững chân” tại thị trường châu Âu và được đối tác chấp nhận chính là sản xuất sạch, an toàn và đặc biệt là sản xuất theo hướng hữu cơ.

Do đó, từ 10 năm trước, HTX Nông nghiệp Lâm San đã tiến hành trồng 10 ha tiêu theo chuẩn hữu cơ và đến nay, 3,5 ha đầu tiên đã được chứng nhận.

* P.V: Ông đánh giá như thế nào về cơ hội của nông sản hữu cơ, trong đó có sản phẩm hồ tiêu?

- Ông Nguyễn Ngọc Luân: Bản thân tôi nhận định, khuynh hướng tương lai của thị trường là sử dụng các sản phẩm sạch được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Do đó, như đã nói từ rất sớm, tôi đã vận động nông dân trong HTX Lâm San trồng tiêu theo hướng hữu cơ. Vừa qua, tổ chức chứng nhận quốc tế CERES-Cert (Cộng hòa Liên bang Ðức) chính thức công nhận đạt chuẩn sản phẩm hữu cơ cho 3,5 ha hồ tiêu của HTX Lâm San.

Sang năm, tổ chức CERES-Cert tiếp tục chứng nhận cho những diện tích khác. Sau đó, HTX Lâm San dự kiến sẽ mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ khoảng 100 ha. Theo tôi, thị trường châu Âu đến năm 2025 phải có đến 20% sử dụng thực phẩm hữu cơ, kèm với đó sẽ có 20% gia vị hữu cơ. Do đó, đây là cơ hội lớn để các HTX, nông dân sản xuất nông sản, trong đó có các sản phẩm gia vị như hồ tiêu.

* P.V: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ có khó không, thưa ông?

- Ông Nguyễn Ngọc Luân: Ðể sản xuất hữu cơ không khó, điều quan trọng là nông dân cần chịu khó thực hành. Muốn vườn của anh được chứng nhận hữu cơ và sản phẩm đó bước chân vào thị trường châu Âu thì ít nhất phải mất 3 năm và khoảng 2 năm để vào thị trường Mỹ. Ngoài việc tốn kinh phí thì thời gian chờ đợi để được chứng nhận cũng khá lâu.

Quy trình sản xuất hữu cơ, điều đầu tiên là bỏ hẳn các yếu tố liên quan về hóa học, như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tiếp đến là mình phải nắm được những quy trình canh tác theo hướng sinh thái, đa dạng sinh học, đặc biệt là tái sử dụng các sản phẩm để giảm bớt thiệt hại về sinh thái, bảo vệ môi trường.

Cũng phải nói thêm, đối với thị trường châu Âu người ta quan tâm đến toàn bộ hệ thống canh tác chứ không chỉ đơn giản là anh không sử dụng yếu tố hóa học. Do đó, sản phẩm hữu cơ là phải chứng minh được mình sản xuất theo hướng bền vững. Bền vững có 3 yếu tố gồm: nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp môi trường và yếu tố xã hội.

* P.V: Vậy giá cả sản phẩm hữu cơ so với sản phẩm thường sẽ như thế nào, thưa ông?

- Ông Nguyễn Ngọc Luân: Về giá cả, nếu xuất được vào thị trường châu Âu, sản phẩm hữu cơ sẽ có giá cao hơn khoảng 20 - 30% so với sản phẩm không hữu cơ.

* P.V: Như ông đã nói, thời gian tới HTX Lâm San sẽ tiếp tục mở rộng diện tích hồ tiêu sản xuất theo chuẩn hữu cơ. Tuy nhiên, hiện nhiều nông dân trồng tiêu khác ở Ðồng Nai cũng như trên cả nước còn khá “xa lạ” với cách sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Vậy làm thế nào để thực hiện mục tiêu mở rộng diện tích?

- Ông Nguyễn Ngọc Luân: Ðúng đây là cái khó. Do đó, tôi rất mong muốn Nhà nước có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích sản xuất theo chuẩn hữu cơ để ngày càng có nhiều nông dân thực hiện.

Như tôi đã nói ở trên, đến năm 2025, châu Âu sẽ cần khoảng 20% gia vị được sản xuất hữu cơ. Nếu mình đợi đến lúc đó mới làm thì sẽ bị các nước khác vượt mặt. Do đó, để đón đầu thị trường, việc sản xuất hữu cơ phải được thực hiện ngay từ bây giờ. Ðến lúc họ cần, mình có sẵn hàng thì mới nắm được lợi thế.

* P.V: Hiện HTX Nông nghiệp Lâm San đã có 3,5 ha hồ tiêu được công nhận đạt chuẩn hữu cơ, ông đánh giá như thế nào về kết quả này?

- Ông Nguyễn Ngọc Luân: Tổ chức CERES-Cert (Ðức), đơn vị cấp chứng nhận chuẩn hữu cơ cho hồ tiêu của HTX là đơn vị uy tín trên thế giới về đánh giá chuẩn hữu cơ. Do đó, được họ cấp chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ có ý nghĩa rất lớn. Tuy nhiên, tôi cũng phải khẳng định, thị trường châu Âu người ta rất tin vào chất lượng. Vì vậy, vấn đề then chốt là sản phẩm phải đạt được chất lượng chứ không phải chỉ là chứng nhận. Do đó, vấn đề chứng nhận chỉ là một phần, điều quan trọng là mình phải kiểm soát nội bộ để có sản phẩm đúng chuẩn.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

Quỳnh Nhi (thực hiện)

Tác giả: Phạm Văn Tùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây