(CTT - Đồng Nai) - Hiện nay, chuyển đổi số đang được xem như “cơ hội vàng” cho nhiều ngành nghề và lĩnh vực, trong đó có thư viện. Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là bước tiến quan trọng để hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, tạo đột phá trong công tác phục vụ bạn đọc trong thời đại mới.
Từng bước hiện đại hóa hệ thống thư viện
Những năm qua, việc phát triển thư viện số được các ngành các cấp quan tâm đầu tư đúng mức về trang thiết bị công nghệ hiện đại, ngày càng đáp ứng nhu cầu bạn đọc trong thời đại 4.0. Anh Trần Anh Minh (P.Tân Phong, TP.Biên Hoà) chia sẻ: “Hiện nay, muốn tìm hiểu sách tôi có thể lên mạng tra cứu, yêu cầu mượn sách, gia hạn sách trên website của Thư viện Đồng Nai một cách dễ dàng”.

Bạn đọc quét mã QR đọc tài liệu trực tuyến do Thư viện tỉnh tổ chức nhằm hưởng ứng Tuần lễ Chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai năm 2023
Bạn đọc quét mã QR đọc tài liệu trực tuyến do Thư viện tỉnh tổ chức nhằm hưởng ứng Tuần lễ Chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai năm 2023
Giám đốc Thư viện tỉnh Nguyễn Ngọc Thành cho biết, thời gian qua Thư viện tỉnh đã tiến hành nhiều hoạt động áp dụng công nghệ song song với các hoạt động truyền thống là một số hoạt động trên nền tảng số, đem lại nhiều dịch vụ tiện ích cho bạn đọc. Từ năm 2021 đến nay, để vừa bảo đảm việc phục vụ bạn đọc, vừa làm tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch, thư viện triển khai dịch vụ đăng ký mượn sách, gia hạn sách trực tuyến, tư vấn cho bạn đọc qua trang Facebook của thư viện; tổ chức nhiều triển lãm sách trực tuyến, giới thiệu sách mới, thư mục chuyên đề qua website và trang Facebook…
Trên thực tế, nền tảng số của thư viện được bắt đầu khởi động từ năm 2005 khi hệ thống thư viện công cộng cấp tỉnh và cấp huyện tại Đồng Nai được đầu tư xây dựng hệ thống thư viện điện tử, trong đó có 1 máy chủ đặt tại Thư viện tỉnh, kết nối với các thư viện cấp huyện phục vụ quá trình xử lý nghiệp vụ trong thư viện.
Năm 2013, hệ thống Thư viện công cộng Đồng Nai tiếp tục được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thư viện điện tử trên nền điện toán đám mây và đã đưa vào sử dụng. Phòng máy chủ, điều hành toàn bộ hệ thống Thư viện tỉnh và các Thư viện các huyện với phần mềm Lạc Việt Vebrary 4.0 gồm 8 phân hệ: Biên mục, quản trị hệ thống, lưu thông, bổ sung, mượn liên thư viện, quản lý báo tạp chí, kiểm kê, opac.
Hiện tại, nguồn tài nguyên số của Thư viện tỉnh là 16.597 (gồm 4.597 tài liệu, tạp chí, bản đồ số hoá và 12.000 ebook), thư viện các huyện, thành phố sở hữu hơn 6.325 tài liệu số hoá các loại. Trong những năm qua, thư viện đã dần triển khai các dịch vụ trên nền tảng số, như tra cứu thư mục trực tuyến, đọc trực tuyến, quét mã QR đọc sách, xem video giới thiệu sách và các bộ sưu tập hình ảnh chuyên đề... giúp bạn đọc tiếp cận nhanh chóng với nguồn tài nguyên của thư viện.
Nỗ lực triển khai chuyển đổi số
Theo Giám đốc Thư viện tỉnh Nguyễn Ngọc Thành, việc triển khai chương trình chuyển đổi số là cơ hội để ngành Thư viện tăng tốc hiện đại hóa; liên kết, chia sẻ nguồn lực, tạo lập cộng đồng thư viện lớn mạnh. Hiện tại, Thư viện tỉnh có 454.933 bản sách, 430 tên báo, tạp chí (253.952 tờ/quyển) và hơn 2 ngàn đĩa các loại. Các thông tin, dữ liệu, các hoạt động và hàng trăm đầu sách, báo, tạp chí được giới thiệu trên Website, Fanpage của thư viện.

Các thư mục, tài liệu số, các video giới thiệu sách được tạo mã QR để bạn đọc tiếp cận với sách một cách dễ dàng và nhanh chóng
Các thư mục, tài liệu số, các video giới thiệu sách được tạo mã QR để bạn đọc tiếp cận với sách một cách dễ dàng và nhanh chóng
“Website của Thư viện tỉnh cung cấp thư viện số Dspace, thông tin các ngày lễ kỷ niệm, các hoạt động của ngành, tài liệu số, kênh Youtube Thư viện tỉnh đăng tải hàng trăm video - clip giới thiệu sách, đọc sách cùng bạn thu hút hơn 17.982.846 lượt truy cập. Qua đó, quảng bá nguồn tài nguyên số đến với bạn đọc trên địa bàn tỉnh nhanh chóng” - ông Thành nói.
Từ những kết quả đạt được bước đầu đã cho thấy vai trò và tầm quan trọng của hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện. Hiện nay, nhiều thư viện trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình chuyển đổi số ngành thư viện với những bước đi và giải pháp thực hiện cụ thể. Sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành kỳ vọng sẽ tạo bước tiến quan trọng để hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, tạo đột phá cho công tác phục vụ bạn đọc trong thời kỳ bùng nổ thông tin.