Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản

Thứ tư - 27/12/2023 20:22
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT - Đồng Nai) – Xu hướng hưởng thụ văn hóa đọc hiện nay không chỉ có sách giấy, mà công nghiệp 4.0 là công cụ có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng này. Việc sử dụng ebook, audio book… đã và đang ngày càng phổ biến, chuyển đổi số trở thành xu thế tất yếu trong ngành xuất bản.

Thế nhưng, ở Đồng Nai thời gian quan xuất bản điện tử vẫn khá trầm lắng do còn nhiều rào cản cần vượt qua để hướng đến hoạt động chuyên nghiệp, bắt kịp xu thế.

Xu hướng xuất bản điện tử
Cục trưởng Cục Xuất bản in phát hành Nguyễn Nguyên cho biết, năm 2023, toàn ngành Xuất bản doanh thu ước đạt 99.700 tỷ đồng (giảm 2% so với năm 2022), tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước ước đạt 3.378 tỷ đồng (giảm 8% so với năm 2022). Số xuất bản phẩm in là 33 ngàn xuất bản phẩm với 450 triệu bản (giảm 11% về xuất bản phẩm và giảm 23% về bản so với cùng kỳ năm 2022). Quy mô doanh thu thị trường sách nói trong năm 2023 đạt 80 tỷ đồng; Số lượt nghe sách nói trong năm 2023 đạt 40 triệu lượt (tăng 25% so với năm 2022).
Tại NXB Chính trị quốc gia Sự thật đã có bước chuyển mạnh khi đầu tư xây dựng nền tảng công nghệ để phát triển mũi nhọn sách điện tử. Trang điện tử Stbook.vn, thuviencoso.vn, ứng dụng Stbook của NXB này đã trở thành những kênh quan trọng cung cấp hàng trăm ấn phẩm điện tử giá trị, có nguồn thông tin chính thống cho bạn đọc. Với NXB Kim Đồng thời gian gần đây đã hợp tác với các đơn vị sách nói như Voiz FM - Sách nói và Podcast và Công ty CP Fonos, phát hành sách nói trên nền tảng ứng dụng Fonos - với nhiều tính năng công nghệ vượt trội đã mang đến những trải nghiệm “đọc” mới mẻ và thú vị cho bạn đọc thanh thiếu nhi.
Tại NXB Đồng Nai hiện nay chủ trương chuyển đổi số trong xuất bản đang được thực hiện. Theo ông Trương Văn Tuấn - Phó Giám đốc NXB Đồng Nai, chuyển đổi số trên lĩnh vực xuất bản đã và đang được NXB Đồng Nai nghiên cứu, xây dựng đề án số hóa trong công tác xuất bản và đề ra các giải pháp sát với thực tiễn của chuyển đổi số và phát triển văn hóa đọc. Từ việc cụ thể hóa các chương trình, đề án chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông, NXB Đồng Nai sẽ ưu tiên số hóa về cơ sở hạ tầng, xuất bản phẩm.

Website Nhà xuất bản Đồng Nai đăng tải những đầu sách điện tử
Website Nhà xuất bản Đồng Nai đăng tải những đầu sách điện tử

“Nhằm phục vụ cho hoạt động số hóa, NXB Đồng Nai chú trọng nâng cao chất lượng sách và văn hóa phẩm về cả nội dung lẫn hình thức, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Trong lộ trình tới đây, thực hiện chuyển đổi số với các đầu sách, NXB Đồng Nai sẽ ưu tiên mảng sách đặt hàng từ ngân sách của tỉnh. Đây là mảng sách có giá trị lớn, nổi bật trên tất cả các mặt…, phục vụ tốt cho hoạt động nghiên cứu, học tập văn hóa, lịch sử của tỉnh nhà” - ông Tuấn chia sẻ.

Hứa hẹn sẽ tạo đột phá
Hiện nay, ngoài trang Fanpage, NXB Đồng Nai còn xây dựng Website, thường xuyên đăng tải các thông tin giới thiệu sự kiện, các sách mới xuất bản. NXB Đồng Nai phối hợp với các nhà văn, nhà thơ, Nhà Thiếu nhi Đồng Nai thực hiện sách nói (audiobook) đăng trên trang Facebook của Hội đồng Đội tỉnh và Facebook của các đơn vị, địa phương đã thu hút hàng ngàn lượt người nghe, bình luận. Đến thời điểm hiện tại, các sách nói: Bộ tranh truyện Danh nhân đất Đồng Nai; Cùng nhau đi lên; Mãi mãi thời áo trắng… vẫn đang được giới thiệu rộng rãi trên mạng xã hội, phục vụ nhu cầu nghe sách của thanh thiếu nhi trong và ngoài tỉnh.

Nhà xuất bản Đồng Nai và Nhà Thiếu nhi Đồng Nai phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện thành sách nói, phát hành trên mạng xã hội
Nhà xuất bản Đồng Nai và Nhà Thiếu nhi Đồng Nai phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện thành sách nói, phát hành trên mạng xã hội

Khẳng định chuyển đổi số là xu hướng không chỉ của xuất bản mà còn của hệ thống thư viện hiện nay, Giám đốc Thư viện tỉnh Nguyễn Ngọc Thành cho rằng, dù nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Thư viện Đồng Nai đã và đang tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với những bước đi và giải pháp thực hiện cụ thể. Sự vào cuộc đồng bộ và mạnh mẽ, kỳ vọng sẽ tạo bước tiến quan trọng để hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, mang tới độc giả một phương thức tiếp cận tư liệu hiệu quả, tiện ích cho bạn đọc trên trên nền tảng số.
Hiện nay, kênh YouTube và Facebook, Thư viện Đồng Nai đã thực hiện hàng trăm clip đọc và giới thiệu sách hay. Kênh YouTube của Thư viện Đồng Nai gồm 2 chuyên mục: Đọc sách cùng bạn và Kể chuyện bé nghe. Trong đó, các sách thực hiện chủ yếu là sách thiếu nhi, sách về biển đảo, sách văn hóa, lịch sử Đồng Nai. Tiêu biểu như: Nguyễn Hữu Cảnh, người mở cõi phương Nam; Hoàng đế Lê Thánh Tông, câu chuyện và giai thoại; Thủ Huồng làm nhà bè trên sông; Tìm hiểu về các đảo thuộc quần đảo Trường Sa…
Cùng với nỗ lực từ các ngành, các đơn vị và địa phương, việc tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong chuyển đổi số lĩnh vực xuất bản và hướng bạn đọc đến với xuất bản điện tử cần được đẩy mạnh. Qua đó, tạo chuyển biến đồng bộ, đột phá cho lĩnh vực này.

Tác giả: Hòa Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây