(CTT-Đồng Nai) - Ứng dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý và tiêu thụ sản phẩm là xu thế tất yếu, yêu cầu đặt ra đối với các hợp tác xã (HTX) trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Những đơn vị mạnh dạn áp dụng chuyển đổi số đã từng bước khẳng định thương hiệu, đưa hàng hóa, dịch vụ của mình cung ứng cho thị trường trong nước, quốc tế.

Mô hình máy bay không người lái hiện đã được nhiều HTX trên địa bàn Đồng Nai để ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp
Mô hình máy bay không người lái hiện đã được nhiều HTX trên địa bàn Đồng Nai để ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp
Mặc dù đã có một số kết quả bước đầu song lộ trình chuyển đổi số trong khu vực HTX còn gặp nhiều khó khăn. Một trong số đó nhận thức, năng lực điều hành từ đội ngũ cán bộ, lãnh đạo các HTX còn hạn chế, cần có thêm các chương trình tập huấn, đào tạo từ Nhà nước.
Chuyển đổi số mới chỉ bước đầu
Đồng Nai có nhiều lợi thế thu hút, khuyến khích nông dân, HTX, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ cao vào mô hình của mình. Trong đó có một số HTX đã có những kết quả, tiêu biểu mô hình điểm trong lĩnh vực chăn nuôi có HTX Nông nghiệp CNC Long Thành Phát (H.Long Thành) tiên phong trong cả nước đầu tư CNC nuôi gà công nghiệp xuất khẩu đi thị trường khó tính Nhật Bản. HTX Thanh Bình (H.Trảng Bom) không chỉ xuất khẩu tốt mặt hàng chuối tươi đi những thị trường khó tính như Hàn Quốc, mà còn đầu tư chế biến sâu. Trong lĩnh vực vận tải thì có HTX Thương mại dịch vụ vận tải Nhơn Trạch (H.Nhơn Trạch) đã xây dựng được phần mềm quản lý vận tải của riêng mình.
Nhìn một cách toàn diện, việc ứng dụng công nghệ 4.0, khoa học kỹ thuật tiên tiến trong quản lý vận hành và tiêu thụ sản phẩm đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho các HTX. Tuy nhiên, công cuộc chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể vẫn còn không ít khó khăn.
Năng lực tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào thực tiễn sản xuất, tiêu thụ là rào cản hiện nay đối với các HTX truyền thống. Trong khi đối với các đơn vị đã chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 và đơn vị mới thành lập hoặc do những người trẻ điều hành thì thuận lợi hơn. Nhiều HTX mong muốn và hiểu được hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào trong quá trình sản xuất kinh doanh nhưng không phải họ muốn là có thể thực hiện được.
Bên cạnh đó, vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ trực tiếp nào dành cho các HTX trong quá trình chuyển đổi số. Các hoạt động cung cấp thông tin, tư vấn, hỗ trợ HTX tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật vẫn còn khá hạn chế. Điều này khiến công cuộc chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn chưa đạt được nhiều kết quả ấn tượng.
Chủ tịch Liên minh HTX Đồng Nai Đỗ Phước Dũng nhận định, thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có nhiều chuyển biến tích cực về cả nhận thức, chính sách, quá trình phát triển và chuyển đổi về số lượng, quy mô, cơ cấu tổ chức, tính liên kết và hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể vẫn còn một số hạn chế, tồn tại; đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, chủ động thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số để thích nghi với tình hình phát triển mới trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX là yêu cầu cấp thiết.
Phát huy vai trò của người đứng đầu hợp tác xã
Xác định được tầm quan trọng của chuyển đổi số, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 28-3-2022 về chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch số 186/KH-UBND ngày 18-8-2022 về việc triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022 - 2025... Ở cấp độ quốc gia, tháng 6-2023, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX. Những văn bản chỉ đạo trên cũng đã cho thấy sự quan tâm của Chính phủ, địa phương đối với việc chuyển đổi số trong đó có khu vực kinh tế tập thể, HTX.
Trong khi đó, đối với các HTX, hạn chế lớn là nguồn nhân lực có năng lực, trình độ quản lý còn số hóa hoặc công nghệ thông tin chưa cao. Một số ít các đơn vị có đội ngũ cán bộ trẻ, có kỹ năng sử dụng công nghệ số, song chỉ chiếm tỷ lệ không đáng kể và thường sử dụng các nền tảng mạng xã hội là chính. Phần lớn cán bộ, thành viên HTX chưa qua đào tạo về công nghệ thông tin nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện chuyển đổi số.
Trong thời gian tới, Liên minh HTX Đồng Nai tiếp tục đồng hành với các HTX trong quá trình quản lý, điều hành, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ thực hiện chuyển đổi phù hợp thực tiễn. Hỗ trợ nâng cao năng lực điều hành HTX cho các lãnh đạo, từ đó phát huy nội lực để chuyển đổi số, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo nhiều sản phẩm, dịch vụ chất lượng phục vụ tốt hơn cho nhu cầu thị trường.