Nhiều diện tích đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh hiện tỏ ra kém hiệu quả so với nhiều loại cây trồng khác do năng suất, hiệu quả kinh tế thấp. Trước tình trạng đó, phần lớn nông dân mong muốn chuyển đổi những diện tích này sang những loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn vướng nhiều quy định.
Cây lúa “thất thế”
Gia đình bà Lê Thị Tùng, ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu hiện có khoảng 5 sào đất trồng lúa. Theo bà Tùng, hiện nay, do thời tiết bất lợi nên gia đình bà chỉ làm một năm 2 vụ lúa thay vì 3 vụ như trước đây. “Vụ mùa, mưa dông nhiều nên cây lúa thường bị gãy đổ. Thiệt hại nặng nên nhiều năm nay ở vùng này không ai làm vụ mùa mà chỉ làm 2 vụ Đông - Xuân và Hè - Thu”, bà Tùng cho hay.
Với 5 sào ruộng, mỗi năm làm 2 vụ, cây lúa mang lại cho gia đình bà Tùng nguồn thu nhập chỉ khoảng 20 triệu đồng. Theo bà Tùng, hiện nay, làm lúa thực chất chỉ để cung cấp gạo ăn cho gia đình, chứ nói về hiệu quả kinh tế thì không có. “Năng suất lúa thấp lắm, công làm thì nhiều vì ruộng nhỏ nên phải người làm hết chứ không sử dụng máy móc gì được. Trong khi giá lúa so với nhiều loại cây khác thì thấp hơn hẳn”, bà Tùng cho biết thêm.
Sự “thất thế” của cây lúa được chính bà Tùng dẫn chứng từ thực tế gia đình mình. Ngoài 5 sào lúa, gia đình bà còn có khoảng 1 sào đất trồng bưởi. Trong khi mỗi năm 5 sào lúa chỉ cho thu nhập chưa đến 20 triệu đồng thì 1 sào bưởi lại mang đến nguồn thu hơn 30 triệu đồng. “Không những giá trị kinh tế cao, trồng bưởi còn nhàn hơn so với làm lúa nhiều”, bà Tùng cho hay.
Nhiều diện tích đất lúa tại ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu hiệu quả kinh tế thấp nên người dân muốn chuyển đổi sang trồng bưởi nhưng vẫn vướng quy định.
Không chỉ tỏ ra lép vế về giá trị kinh tế, hiện việc sản xuất lúa cũng gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nước và hệ thống giao thông. Ông Nguyễn Văn Bông, một trong những gia đình có diện tích đất lúa lớn tại ấp Vĩnh Hiệp cho hay, hiện việc vận chuyển các vật tư nông nghiệp phục vụ cho việc trồng lúa là hết sức khó khăn. “Các hộ dân nằm cạnh tuyến đường bê tông dẫn ra ruộng lúa của gia đình tôi, lần lượt chuyển sang trồng bưởi hết. Họ xây dựng hàng rào kiên cố để bảo vệ vườn, đường thì nhỏ nên không thể dùng xe để chở phân bón ra ruộng được nên làm lúa ở đây tất tần tật đều dùng sức người, rất khó khăn”, ông Bông cho biết.
Ngoài ra, theo ông Bông do cánh đồng Vĩnh Hiệp vốn là khu đất gò nên đất đai bạc màu dẫn đến năng suất cây lúa thấp. Đặc biệt, nguồn nước tưới cũng rất hạn chế do hệ thống thủy lợi đã xuống cấp. “Nhiều gia đình giờ phải khoan giếng để lấy nước tưới cho ruộng lúa”, ông Bông cho biết.
Không chỉ tại xã Tân Bình, nhiều diện tích đất lúa trên địa bàn tỉnh hiện cũng tỏ ra thua kém về hiệu quả kinh tế so với một số loại cây ăn trái, rau củ. Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn (NN-PTNT), hiện trên địa bàn tỉnh còn khoảng 29.000 ha đất trồng lúa. Trên thực tế, hiện phần lớn diện tích đất trồng lúa mang lại hiệu quả kinh tế thấp. Nguyên nhân là do diện tích đất lúa không lớn, lại phân bố rải rác, nhỏ lẻ. Điều này khiến việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất gặp khó nên chi phí sản xuất cao. Cộng với giá lúa hiện thấp hơn giá nhiều nông sản khác nên người trồng lúa không còn mặn mà và muốn chuyển đổi từ cây lúa sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Xin cơ chế chuyển đổi
Theo Chủ tịch UBND xã Tân Bình Thái Tam Sơn, ấp Vĩnh Hiệp hiện là vùng sản xuất lúa lớn của xã với khoảng hơn 40 ha đất lúa. Tuy nhiên, những năm qua, hiệu quả kinh tế của cây lúa so với một số loại cây, đặc biệt là cây bưởi thì thua kém hẳn. Do hiệu quả kinh tế thấp nên phần lớn người dân hiện đều có mong muốn chuyển sang trồng bưởi nhưng lại vướng quy định. “Hiện xã đã ghi nhận và tổng hợp nguyện vọng của các hộ dân cũng như diện tích đất lúa muốn chuyển đổi để báo cáo UBND huyện. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có kết quả cụ thể”, ông Sơn cho hay.
Giám đốc Sở NN-PTNT Huỳnh Thành Vinh cho biết, năm 2017, Sở đã trình UBND tỉnh diện tích đất lúa xin được chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo đó, gần 530 ha đất lúa tại các huyện: Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Định Quán, Tân Phú được tổng hợp để báo cáo lên tỉnh đề xuất Bộ NN-PTNT phê duyệt. Tuy nhiên, mới đây Bộ NN-PTNT ban hành quyết định về kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đến năm 2020, không có diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa của tỉnh Đồng Nai. Trong cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT vào giữa tháng 6 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường cũng đã kiến nghị Bộ cho phép Đồng Nai được thực hiện chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa hiệu quả kinh tế kém sang các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường, hiện thực tế cho thấy, giá trị kinh tế từ cây lúa thấp hơn hẳn so với nhiều loại cây ăn trái hay rau củ nên người dân có nguyện vọng chuyển đổi là hợp lý. “Hiện giá trị xuất khẩu hoa quả đã vượt qua xuất khẩu gạo rồi. Chính vì vậy, Đồng Nai cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét lại chỉ tiêu đất trồng lúa của tỉnh”, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị.
Trước kiến nghị của Đồng Nai, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trước mắt, Đồng Nai cần tổng hợp lại diện tích đất lúa cần chuyển đổi. Về cơ chế, hiện có 2 dạng chuyển là chuyển từ lúa sang những đối tượng khác trong nông nghiệp và chuyển sang mục đích phi nông nghiệp.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đối với dạng chuyển đổi từ đất lúa sang những đối tượng khác trong nông nghiệp thì đơn giản vì đã có hướng dẫn. Địa phương chỉ cần chú ý là vùng chuyển đổi cần làm gọn, gom thành vùng lớn và được sự đồng tình của người dân. “Trong một vùng mà người này chuyển sang trồng quýt, người khác nuôi tôm thì dễ xảy ra xung đột. Ngoài ra, để chuyển đổi cũng cần chú ý đến hạ tầng, vì trước trồng lúa nay trồng cây khác thì hạ tầng yêu cầu cũng phải cao hơn”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT lưu ý.
Riêng với việc chuyển đổi đất lúa sang mục đích phi nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết phải thực hiện đúng theo quy định của Luật Đất đai.
Đến năm 2020, Đồng Nai còn gần 25.000 ha đất trồng lúa
Theo Nghị quyết số 74 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020), đến năm 2020 diện tích đất tự nhiên của toàn tỉnh là 589.775 ha; riêng đất nông nghiệp chiếm gần 74% diện tích đất toàn tỉnh. Trong đó, nhiều nhất là đất trồng cây lâu năm, chiếm tới 44,67% diện tích đất nông nghiệp, tương đương 194.746 ha. Ngoài ra, có 112.460 ha đất rừng đặc dụng; 25.291 ha đất rừng sản xuất và 24.948 ha đất trồng lúa.
Lê Văn
Tác giả: Phạm Văn Tùng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập