Sàn giao dịch việc làm lưu động: Kết nối doanh nghiệp với người lao động

Chủ nhật - 15/07/2018 22:13
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Hiệu quả, thiết thực, giúp nhà tuyển dụng kết nối thuận lợi hơn với người lao động (NLĐ) địa phương, đó là đánh giá chung của nhiều doanh nghiệp khi tham gia sàn giao dịch việc làm lưu động lần đầu tiên được tổ chức tại huyện Long Thành vào đầu tháng 7 vừa qua.​

Thêm thuận lợi trong tuyển dụng

Từ đầu năm đến nay, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp luôn ở mức cao, tuy nhiên, số lượng lao động tìm đến các phiên giao dịch tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh lại rất thấp, chỉ bằng 1/3, thậm chí 1/5 so với nhu cầu. Nhiều doanh nghiệp đến sàn nhưng không tuyển được lao động với lý do doanh nghiệp ở xa. Vì vậy, việc tổ sàn giao dịch việc làm tại chỗ đã phần nào đáp ứng được sự kỳ vọng của các doanh nghiệp.

Ông Phạm Văn Thiện, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Hyosung Việt Nam rất vui và bất ngờ với sàn giao dịch việc làm lưu động được tổ chức tại huyện Long Thành ngày 8-7 vừa qua. Trước đó, đã nhiều lần công ty đến tận Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (phường Tân Biên, TP. Biên Hòa) để tuyển dụng nhưng số lượng lao động đến nộp hồ sơ rất ít, tỷ lệ NLĐ đến công ty làm việc chỉ bằng 1/3 so với lúc nhận hồ sơ tại sàn. Lý do NLĐ cho rằng họ đang ở ổn định tại thành phố, nếu xuống huyện, họ phải thay đổi chỗ ở hoặc mỗi ngày mất ít nhất 2 giờ đồng hồ di chuyển, thời gian này nếu làm việc tại Biên Hòa họ có thể kiếm thêm tiền tăng ca. Từ thực tế này, ông Thiện đã kiến nghị với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức sàn giao dịch việc làm gần các khu công nghiệp để doanh nghiệp tiếp cận được đội ngũ lao động địa phương.

 
Doanh nghiệp phỏng vấn người lao động tại sàn giao dịch việc làm lưu động tổ chức tại huyện Long Thành ngày 8-7.

“Công ty chúng tôi có 7.000 lao động, sắp tới chúng tôi cần thêm 5.000 lao động nữa làm việc tại Công ty Hyosung Đồng Nai (chi nhánh của Hyosung Việt Nam), nếu không tuyển dụng được lao động kịp thời doanh nghiệp khó mà hoàn thành được mục tiêu năm 2018. Tôi thấy phiên giao dịch việc làm như thế này rất thiết thực với doanh nghiệp và cả NLĐ, doanh nghiệp tìm được nguồn nhân lực tại chỗ, NLĐ cũng không phải đi xa làm việc. Hy vọng mỗi phiên giao dịch, chúng tôi sẽ tuyển được ít nhất 200 lao động, nhiều hơn càng tốt”, ông Thiện nói.

Cũng theo ông Thiện, từ cuối năm 2017 đến tháng 3-2018 Công ty Hyosung liên tục nhận được đơn hàng lớn, trong khi tuyển dụng gặp khó khăn. Thiếu hụt lao động, mỗi ngày công ty phải thuê lại bên cung ứng lao động tạm thời 300 người làm việc trong suốt 5 tháng để kịp tiến độ đơn hàng. Ngoài trả lương, thưởng, phụ cấp cho đội ngũ lao động tạm thời, công ty còn phải chi cho bên cung ứng lao động 20.000 đồng/người/ngày, chi phí sản xuất bị đội lên cao, khả năng cạnh tranh đơn giá giảm xuống.

Ông Thiện thông tin thêm, trước mắt công ty cần gấp 1.300 lao động (trong đó lao động phổ thông là 1.200 người), sang năm công ty sẽ tuyển thêm khoảng 4.000 người. Công ty có nhiều chế độ phúc lợi như: phụ cấp trình độ (tốt nghiệp THCS là 120.000 đồng và THPT là 168.000 đồng/người/tháng), phụ cấp chuyên cần và đi lại 550.000 đồng/người/tháng, phụ cấp ngoại ngữ từ 500.000 đồng đến 4 triệu đồng; có xe đưa rước ở Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh và tất cả các huyện, thị tại Đồng Nai; có ký túc xá cho NLĐ. Ông Thiện mong muốn sàn giao dịch việc làm lưu động sẽ được duy trì thường xuyên để doanh nghiệp có thể dễ dàng kết nối với NLĐ.

Ông Nguyễn Quang Tấn, Quản lý nhân sự Công ty TNHH Hwaseung Vina cho biết, công ty có 6 nhà máy tại 3 địa phương là Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Kiên Giang với quy mô 25.000 người. Trong đó, nhà máy ở Nhơn Trạch, Đồng Nai có quy mô lớn nhất và liên tục tuyển dụng. Từ cuối năm 2017 đến nay chưa ngày nào doanh nghiệp ngừng tuyển dụng lao động phổ thông bằng nhiều hình thức: tại công ty, lề đường trong KCN, có thời điểm còn tổ chức đi các tỉnh xa tuyển dụng nhưng cũng chỉ được 20 - 30 người, không đáp ứng đủ nhu cầu. Hiện công ty cần 1.000 công nhân với nhiều chế độ phụ cấp như: chuyên cần 350.000 đồng/tháng, đi lại và sinh hoạt 240.000 đồng, môi trường từ 64.000 - 400.000 đồng/tháng, làm ca đêm được tăng 50% lương so với ca ngày, công ty có quầy hàng “giá rẻ - chất lượng” phục vụ nhu cầu NLĐ. Điều kiện chỉ cần đủ tuổi, đủ sức khỏe làm việc, biết ký tên...

Không để doanh nghiệp “đơn độc” trong tuyển dụng

Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH Phạm Văn Cộng cho biết, từ cuối năm 2017 đến nay, tình hình sản xuất kinh doanh thuận lợi nên nhu cầu tuyển dụng lao động phục vụ cho việc mở rộng quy mô nhà máy, cho các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động tăng mạnh. Để hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối với NLĐ địa phương, trong tháng 7 và tháng 8, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (thuộc Sở LĐTB-XH) sẽ lần lượt tổ chức 2 sàn giao dịch việc làm lưu động tại Long Thành và Nhơn Trạch. Nếu sàn giao dịch việc làm lưu động đáp ứng được mong muốn, kỳ vọng của doanh nghiệp và NLĐ thì tới đây sẽ được tổ chức định kỳ hằng tháng, hằng quý tại các huyện, thị, thậm chí tại xã, ấp.

“Tôi nghĩ, một tỉnh lớn như Đồng Nai mà chỉ tổ chức sàn giao dịch cố định một điểm thì chỉ giải quyết được nhu cầu việc làm cho người dân ở tại thành phố. Doanh nghiệp có thể đi xa tuyển dụng chứ NLĐ thì không muốn đi làm xa. Khi tổ chức sàn lưu động tại địa phương, người dân sẽ chủ động đến nắm bắt thông tin và tìm việc làm phù hợp gần nhà. Tới đây, chúng tôi có kế hoạch tổ chức sàn giao dịch việc làm ở các xã, thậm chí về tận ấp. Quy mô sẽ nhỏ hơn nhưng bù lại, NLĐ địa phương sẽ tiếp cận được thông tin một cách đầy đủ, dễ dàng. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cũng sẽ phối hợp với các xã, phường nắm bắt nguồn lao động chưa có việc làm ở từng địa phương cung cấp cho các nhà tuyển dụng, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp. Quan điểm của chúng tôi là không để doanh nghiệp “đơn độc” trong tuyển dụng, thiếu nhân lực kéo dài”, ông Cộng nói.

Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng

Bà Trần Thị Thùy Trâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho rằng, với vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và NLĐ, thời gian qua, hoạt động giới thiệu việc làm qua sàn giao dịch đã góp phần tích cực trong công tác giải quyết việc làm trên địa bàn. Tuy nhiên, do nhu cầu tuyển dụng ngày càng tăng, trong khi lực lượng lao động nhập cư dần bảo hòa; để phát triển thị trường lao động cũng như đồng hành cùng doanh nghiệp trong tuyển dụng, thời gian tới mô hình sàn việc làm tại chỗ sẽ được tổ chức song song cùng sàn giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh. Các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp khác như: đăng thông tin tuyển dụng tại văn phòng Trung tâm; tư vấn, giới thiệu việc làm cho đối tượng đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm và 5 chi nhánh ở các huyện, thị; hỗ trợ thông tin việc làm qua website: www.vldongnai.vieclamvietnam.gov.vn...

Ban Mai

Tác giả: Nguyễn Thị Lộc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây