Nhà ở xã hội - vẫn là bài toán khó

Chủ nhật - 15/07/2018 22:07
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Là địa phương có sự phát triển năng động, thu hút số lượng lớn lao động nhập cư, vấn đề phát triển nhà ở xã hội (NỞXH) nhằm đảm bảo an sinh, hỗ trợ kinh tế - xã hội phát triển vẫn là bài toán khó đối với Đồng Nai. Qua 2 năm triển khai chương trình phát triển NƠXH, trên địa bàn tỉnh chỉ mới có 1.088 căn NƠXH (đạt 5,44%). Với tiến độ này, mục tiêu hoàn thành và đưa vào sử dụng 20.000 căn NƠXH trong giai đoạn 2016 - 2020 khó có thể thực hiện được.​

Khó đạt mục tiêu

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Thành Phương, để thực hiện mục tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh về chương trình phát triển NƠXH trên địa bàn, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về phát triển NƠXH giai đoạn 2016 - 2020, trong đó chỉ ra các dự án và thời điểm hoàn thành cụ thể. Theo đó, UBND tỉnh đã giới thiệu 45 dự án, bao gồm 38 dự án NƠXH và 7 dự án nhà ở sinh viên. Theo ước tính nếu các dự án này hoàn thành toàn bộ sẽ có thể đáp ứng khoảng 28.000 căn, trong đó, giai đoạn 2016 - 2020 sẽ hoàn thành 20.000 căn, còn 8.000 căn sẽ hoàn thành sau năm 2020.

Cũng theo kế hoạch này, trong năm 2018 sẽ phải hoàn thành 1.333 căn NƠXH, tuy nhiên đây là mục tiêu không dễ thực hiện bởi trong 2 năm (2016 - 2017), trên địa bàn tỉnh mới chỉ thực hiện được 1.088 căn (đạt 5,44%). Thực tế, số lượng NƠXH thực hiện được trong 2 năm qua chỉ mới đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu về nhà ở của các đối tượng người sử dụng trong khu vực nhà nước. Trong khi đó nhu cầu của số lượng lớn công nhân lao động trên địa bàn vẫn chưa thể đáp ứng, nhất là trong bối cảnh giá đất khu vực đô thị tăng cao, với nguồn thu nhập hạn hẹp thì công nhân lao động rất khó có thể thực hiện được giấc mơ “an cư lạc nghiệp”.

Nói về nguyên nhân khiến hầu hết các dự án NƠXH vẫn còn “nằm trên giấy”, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Thành Phương cho rằng, một số dự án NƠXH hiện đã ngưng thực hiện hoặc hủy bỏ do không đủ vốn. Theo đó, các doanh nghiệp rất khó tiếp cận được gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng, trong đó chỉ có 3 doanh nghiệp Đồng Nai tiếp cận được gói vay này là IDICO, Sơn An và Đệ Tam. Tuy nhiên, khi gói vay này kết thúc thì các nhà đầu tư không có gói vay ưu đãi nào khác trong khi một số căn đã được xây dựng lại không bán được dẫn đến chậm tiến độ, thậm chí hủy bỏ toàn dự án.


Các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn hiện chỉ mới đáp ứng được nhu cầu rất nhỏ của người dân.

Một số dự án khác như của Công ty Minh Luận ở TP. Biên Hòa do không vay được vốn phải ngưng thực hiện, dự án Công ty Phúc Đạt cũng ở TP. Biên Hòa phải hủy bỏ và một dự án chậm tiến độ đến nay vẫn chưa hoàn thành là dự án của doanh nghiệp tư nhân Á Châu ở huyện Cẩm Mỹ. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư khác cũng đã xin chuyển mục đích dự án sang nhà ở thương mại do nhận thấy hiệu quả đầu tư không cao. Trên thực tế NƠXH là thị trường tiềm năng do nhu cầu cao song lại kém hấp dẫn nhà đầu tư bởi thủ tục thường phức tạp hơn các dự án nhà ở thương mại, lợi nhuận lại được giới hạn chỉ 10% đối với nhà để bán và 15% đối với nhà cho thuê.

Không có gói vay ưu đãi, nhà đầu tư gặp khó bởi nếu vay vốn thương mại thì lãi suất cao dẫn đến giá bán căn hộ cao, không phù hợp với khả năng của công nhân lao động. Trong khi đó nguồn vốn vay ưu đãi cho người mua nhà thông qua ngân hàng chính sách xã hội lại không có vốn bố trí trong 3 năm qua, đến năm 2018, Đồng Nai mới được phân bổ 20 tỷ đồng để cho vay.

Bên cạnh đó, một số dự án nhà ở thương mại theo quy định phải dành quỹ đất để phát triển NƠXH (quỹ đất 20%) nhưng lại thường ưu tiên chi mục đích tái định cư, dẫn đến việc thiếu hụt quỹ đất để xây dựng NƠXH. “Hiện Sở Xây dựng đang tổng hợp các vị trí đất công, đất 20% để trình UBND tỉnh chấp thuận đưa vào danh sách kêu gọi đầu tư, tuy nhiên qua khảo sát thực tế cho thấy các khu đất có vị trí thuận lợi hầu hết đã ưu tiên cho các mục tiêu tái định cư, giáo dục, y tế hoặc đấu giá”, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Thành Phương nói.

Một nguyên nhân khác theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, theo quy định của Chính phủ đối với những dự án dưới 10 ha tỉnh có quyền chuyển đổi quỹ đất 20% NƠXH nhưng với những dự án trên 10 ha muốn chuyển đổi thành tiền thì phải báo cáo Chính phủ. Theo đó, tỉnh đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ cho phép tỉnh chuyển đổi quỹ đất 20% NƠXH thành tiền bởi có những dự án tại Nhơn Trạch nhu cầu không lớn nhưng lại không thể chuyển đổi để phục vụ dự án ở TP. Biên Hòa.

Tập trung giải pháp tháo gỡ

Để có thể hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh đề nghị các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành rà soát quỹ đất công dùng cho phát triển NƠXH và nhu cầu thực tế của người dân để tránh việc chỗ đầu tư không ai mua, chỗ cần lại không được đầu tư. “Việc có được quỹ đất công rất quan trọng bởi nếu phải tiến hành giải phóng mặt bằng như các dự án thông thường thì giá của căn hộ sẽ bị đẩy lên rất cao, nhà đầu tư không có lãi và người dân cũng không có điều kiện để mua. Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ xem xét đốc thúc tiến độ các dự án NƠXH, nếu nhà đầu tư không đủ năng lực sẽ tiến hành thu hồi”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh.

Ngoài ra, trong thời gian tới, tỉnh cũng sẽ cân nhắc việc sử dụng nguồn vốn từ Quỹ phát triển nhà ở để hỗ trợ các chủ đầu tư vay ưu đãi nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án NƠXH. Đồng thời đầu tư xây dựng hoặc mua nhà ở thương mại làm NƠXH, bổ sung giải pháp đầu tư NƠXH theo hình thức BT trong đó thanh toán bằng quỹ đất.

Cùng với đó, Sở Tài chính cân đối vốn ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội Đồng Nai để cho người mua NƠXH vay vốn ưu đãi. Để tạo điều kiện cho các đối tượng có  điều kiện mua NƠXH, Ngân hàng chính sách Đồng Nai khẩn trương triển khai giải ngân gói vay ưu đãi đã được Trung ương phân bổ (20 tỷ đồng) vừa qua.

Liên quan đến vấn đề NƠXH, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường cho rằng, Đồng Nai là tỉnh phát triển công nghiệp, số lượng lao động nhập cư đông do đó nhu cầu về NƠXH là rất lớn. Tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện chương trình phát triển NƠXH trong thời gian qua cho thấy còn có những vướng mắc, khó có thể hoàn thành theo mục tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các sở, ngành, địa phương cần tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai; đồng thời có sự rà soát, bố trí phù hợp với nhu cầu từng địa phương để đảm bảo an sinh xã hội và đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng sử dụng NƠXH trên địa bàn.

Vingroup tham gia phân khúc nhà ở giá rẻ

Tập đoàn Vingroup vừa chính thức công bố tham gia phân khúc nhà ở giá rẻ - thương hiệu Happy Town. Các căn hộ này có mức giá từ gần 200 triệu đồng trở lên sẽ mở ra cơ hội an cư lạc nghiệp cho nhiều lao động thu nhập thấp, góp phần giải bài toán nhà ở đang rất bức thiết tại các địa phương. Dự kiến, trong giai đoạn đầu, Happy Town sẽ được triển khai tại 3 tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn, đang tập trung đông lao động nhập cư, trong đó có Đồng Nai.

Bảo Hân

Tác giả: Lê Thị Phương Uyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây