Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình

Thứ sáu - 13/07/2018 01:51
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Xã hội ngày càng phát triển, xu thế hội nhập toàn diện đem đến cho các gia đình nhiều cơ hội, song cũng đặt ra không ít thách thức đối với việc xây dựng hạnh phúc, văn hóa gia đình. Trước tình trạng ly hôn, ly thân, bạo lực gia đình (BLGĐ), xâm hại trẻ em… có chiều hướng gia tăng thì việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống gia đình được xem là giải pháp hữu hiệu, có tính chất nền tảng tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị tốt đẹp trong gia đình, góp phần xây dựng gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người.​

Chuyển biến trong mỗi gia đình

Gắn bó với nhau gần 10 năm nay, gia đình anh chị Vũ Thanh Phong - Nguyễn Thị Kim Ngọc (ở ấp 2, xã Lộ 25, huyện Thống Nhất) là một trong những hội viên Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, đi đầu trong phong trào xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con chăm ngoan, học giỏi. Liên tục nhiều năm, gia đình anh chị luôn giữ vững danh hiệu gia đình đạt chuẩn văn hóa, tích cực tham gia các phong trào như: đóng góp xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ khuyến học, quỹ vì người nghèo, làm đường giao thông nông thôn, dọn vệ sinh nơi công cộng; thực hiện tốt quy ước, hương ước của địa phương…

Chia sẻ với chúng tôi, anh Phong cho biết, trước đây, anh là kỹ thuật viên tin học, từng làm nhân viên văn phòng nhưng do thu nhập “eo hẹp” nên anh vay vốn ngân hàng mở trang trại chăn nuôi gia công, quy mô 1.000 heo thịt. Từ khi mở trang trại, anh ít có thời gian ở nhà hơn, chị Ngọc một tay vừa quán xuyến việc gia đình, nuôi dạy con vừa làm tốt trách nhiệm Hiệu phó Trường mẫu giáo Lộ 25 và quản lý nhóm trẻ Ánh Dương tại nhà với hơn 30 trẻ. Thấu hiểu được nỗi vất vả của vợ nên anh luôn yêu thương vợ, không nề hà phụ vợ chăm con, tranh thủ làm công việc nhà khi có thời gian.


 Gia đình anh chị Vũ Thanh Phong luôn đồng hành cùng nhau trong các hoạt động học tập, vui chơi giải trí.

“Hiểu rõ gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, vợ chồng tôi luôn thương yêu, tạo ra sự đồng cảm, tôn trọng nhau trong cuộc sống, cùng có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục các con về nhân cách sống, học tập chăm ngoan, biết vâng lời ông bà, cha mẹ. Mình là cha mẹ thì phải làm tấm gương để con noi theo. Mỗi khi có những chuyện không vừa ý, vợ chồng tôi ngồi lại nói chuyện với nhau để giải quyết vấn đề, kiểm soát hành động, lời ăn tiếng nói của bản thân theo chuẩn mực đạo đức. Tuyệt nhiên, không cãi nhau trước mặt con. Chuyện lớn hóa nhỏ, rồi chuyện nhỏ hóa không, nhờ vậy mà những năm qua gia đình luôn hòa thuận, hạnh phúc”, anh Phong nói.

Theo gương cha mẹ mình, hai cháu sinh đôi Phương Anh và Quỳnh Anh hiện là học sinh lớp 3 của Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (huyện Thống Nhất) đều rất ngoan ngoãn, thi đua học tập. Nhiều năm liền, Phương Anh và Quỳnh Anh đạt học sinh xuất sắc, nổi bật với các giải thưởng như: giải ba cấp huyện Hội thi giải toán Violympic qua internet năm 2017, giải nhất cấp huyện, giải nhất cấp tỉnh Hội thi giải toán Violympic qua internet năm 2017… tích cực tham gia các phong trào văn nghệ, thể thao ở trường và huyện.

Gia đình chị Đinh Vương Hồng Hải (xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom) có 5 thành viên cùng chung sống. Để giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa nhiều năm liền, bản thân chị Hải cùng chồng và 3 con không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn.

Là một nhà giáo (Trường THCS Lý Tự Trọng) nên Chị Hải luôn ý thức bản thân và gia đình mình phải gương mẫu. Chị Hải bày tỏ: “Ngay trong “nếp nhà”, các thành viên trong gia đình tôi luôn thực hiện phương châm “kính trên, nhường dưới”, hòa nhã với mọi người. Dành thời gian, tình cảm cho gia đình, vợ chồng cùng nhau nuôi dạy và giáo dục con. Đây cũng chính là cách nuôi dưỡng và phát huy giá trị truyền thống và hạnh phúc gia đình”. 

Nền tảng phòng, chống bạo lực gia đình

Gia đình anh Phong, chị Hải cũng như nhiều gia đình khác trong tỉnh, nhờ thông qua các kênh tuyên truyền đã hiểu rõ hơn về vai trò giáo dục đạo đức, lối sống gia đình. Đây được xem là nền tảng xây dựng văn hóa gia đình, phòng, chống BLGĐ.

Theo Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH-TTDL), các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Cùng với đó, làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú như: tổ chức nói chuyện chuyên đề phòng, chống BLGĐ và xâm hại trẻ em; phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững; củng cố và nâng cao chất lượng mô hình phòng, chống BLGĐ, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Hiện toàn tỉnh có 612 CLB gia đình phát triển bền vững, 960 nhóm phòng, chống BLGĐ và 991 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng.

Trong năm 2017, các ngành chức năng đã tổ chức tập huấn phần mềm thu thập và quản lý dữ liệu về công tác gia đình cho cán bộ gia đình cấp xã, huyện. Cấp phát 33 bộ sách với 22 đầu sách cho các CLB gia đình và 450 bộ đồng phục cho các nhóm phòng, chống BLGĐ trên địa bàn các huyện, thị xã. Việc giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình từ đầu năm 2018 đến nay cũng được lồng ghép với công tác xây dựng gia đình văn hóa, mang đậm tính giáo dục con cháu trong việc ứng xử với các thành viên khác trong gia đình, nêu gương người tốt, gia đình văn hóa tiêu biểu, đồng thời lên án, phê phán những biểu hiện không lành mạnh ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình.

Thông qua các hoạt động đã tạo chiều sâu và sức lan tỏa trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân về giáo dục đạo đức, lối sống; giữ gìn, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình. Tuy nhiên, việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình chỉ có thể đạt được hiệu quả cao nhất khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn thể. Từ đó, giúp thế hệ trẻ trang bị kiến thức, hiểu được những bài học về mối quan hệ yêu thương, đùm bọc giữa các thành viên, đẩy lùi BLGĐ.

N. Quỳnh - L. Na

Tác giả: Phạm My Ny

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây