Sáng 23-7, LĐLĐ tỉnh tổ chức tuyên dương 320 công nhân lao động sản xuất trực tiếp tiêu biểu lần thứ 2 năm 2019. Hoạt động nhằm tôn vinh những điển hình có nhiều đề tài, sáng kiến, đề án, giải pháp cải tiến kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho đơn vị, doanh nghiệp. Qua đó khẳng định sự đóng góp to lớn của phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo trong công nhân lao động đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Những điển hình tiêu biểu
17 năm làm việc tại Nhà máy sản xuất thuốc lá, Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai, từ một nhân viên bảo trì máy, anh Hồ Quế Tùng đã phấn đấu vươn lên vị trí tổ trưởng và hiện đang là Phó quản đốc phân xưởng sợi. Không chỉ hoàn thành tốt công việc qua các năm, anh Tùng còn có nhiều sáng kiến cải tiến các công đoạn, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Nổi bật nhất là sáng kiến cải tiến lắp thêm bàn ủi mặt dưới tại đầu ra máy kiếng gói W401 năm 2015. Cải tiến này đã nâng cao chất lượng về mặt mỹ quan của gói thuốc lá, tiết kiệm khoảng 300.000 euro chi phí khi thuê chuyên gia nước ngoài thực hiện. Sáng kiến này của anh Tùng đã được công ty ghi nhận và đề xuất Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, đề xuất công nhận chiến sĩ thi đua cấp tỉnh trong các năm qua. Anh Tùng cho biết, do yêu cầu của Phòng công nghệ là gói thuốc đi từ máy ra thì mặt dưới phải căng như mặt trên, nhưng thiết kế của máy trước đây chỉ có 1 bàn ủi ở trên thôi, không có bàn ủi dưới làm sản phẩm bị nhăn ở mặt dưới, cho nên anh đã nghiên cứu lắp thêm 1 bàn ủi dưới. Khi đưa sáng kiến và lắp vào máy thì chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu và đúng quy trình sản xuất.
Chị Lê Thị Thanh Huyền, lao động tiêu biểu tại Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai.
Anh Lê Văn Thưởng, Chủ quản cơ khí tại Công ty TNHH đồ mộc Chien Việt Nam (KCN Tam Phước, huyện Long Thành) cũng là lao động trực tiếp có nhiều sáng kiến hữu ích. Cách đây 2 năm, băng chuyền vận chuyển sản phẩm làm thủ công bằng sức của người lao động và mất nhiều thời gian. Qua nghiên cứu, anh đã đề nghị doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị bằng mô tơ, được gắn trên băng chuyền. Giờ đây, băng chuyền tự động đã giúp cho thao tác của công nhân được nhanh hơn, giảm bớt nhân công từ 10 người xuống còn 7 người và năng suất cao hơn gấp rưỡi so với trước, ước tính mỗi tháng tiết kiệm cho công ty khoảng 3.000 USD. Nhờ những nỗ lực đó, sau khoảng 7 năm làm nhân viên cơ khí, anh Thưởng đã được Ban giám đốc cất nhắc lên vị trí Chủ quản. Đó cũng là động lực để anh tiếp tục phấn đấu có thêm nhiều cải tiến kỹ thuật, góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp. “Bản thân tôi làm cơ khí, khi thấy công nhân đẩy băng chuyền bằng tay, vừa bắn đinh vừa phải lấy tay đẩy băng chuyền, mất quá nhiều thời gian, tôi đã nghĩ làm ra cái băng tải bằng gỗ này. Khi làm cũng phải tính toán về chi phí và thời gian, sau đó mới quyết định làm. Dây chuyền lắp ráp đã mang lại hiệu quả cao, làm giảm nhân công trực tiếp và thao tác cũng nhanh hơn”, anh Thưởng cho biết.
Tương tự, từ một kỹ thuật viên thiết bị phụ trợ, sau hơn chục năm công tác và phấn đấu, anh Nguyễn Đăng Khoa, công tác tại Công ty liên doanh thuốc lá Bat - Vinataba đã được đảm nhận công việc của một điều hành viên kỹ thuật. Với kinh nghiệm từ công việc hàng ngày tại xưởng sản xuất, tiếp xúc với các thiết bị kỹ thuật giám sát, đồng thời thực hiện dự án tiết kiệm điện của đơn vị, anh Khoa đã tìm tòi cải tiến thay thế và nâng cấp hệ thống giám sát camera CCTV giúp hình ảnh rõ nét hơn hệ thống hiện hữu của châu Âu nhưng giá thành thấp hơn nhiều, tiết kiệm khoảng 50 triệu đồng mỗi tháng cho đơn vị. Theo anh Khoa, trước đây, cấu hình máy chạy rất thấp, hình ảnh mờ nên khó quan sát để làm việc. Sau khi cải tiến, với số tiền như trước nhưng anh mua thiết bị tốt hơn, hình ảnh lưu trữ nhiều và rõ nét.
Anh Nguyễn Đình Thu, làm việc tại Công ty TNHH Bosch Việt Nam là lao động tiêu biểu được tuyên dương lần này.
Chị Hồ Thị Thiên, Tổ trưởng sản xuất, Công ty TNHH May Pie Rich (KCN Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) là lao động tiêu biểu tại doanh nghiệp; chị không chỉ hoàn thành công việc được giao mà còn có những sáng kiến hữu ích tiết kiệm nguyên liệu, cải thiện máy móc hoạt động hiệu quả hơn. Trong đó, phải kể đến sáng kiến cải tiến máy may tránh đứt chỉ. Sáng kiến này đã tiết kiệm thời gian và chi phí cho công ty, thu nhập tăng khoảng 70 triệu đồng/tháng/chuyền, giảm tỷ lệ tái chế do đứt chỉ, bỏ mũi 50%. “Với những sáng kiến hữu ích, được doanh nghiệp đánh giá cao, nhân rộng tại các xưởng, tôi có thêm động lực để tiếp tục nâng cao tay nghề, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của doanh nghiêp”, chị Thiên chia sẻ.
Tạo thêm động lực để người lao động phát huy tay nghề
Trong những năm qua, các cấp Công đoàn đã phát động sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm trong khối doanh nghiệp đề ra mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường. Đồng thời, động viên công nhân lao động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao hiệu suất máy móc, thiết bị, xây dựng các công trình, sản phẩm. Kết quả, trong 5 năm qua đã có 6.897 đề tài, công trình, sáng kiến kỹ thuật, sản phẩm, mẫu mã, phần việc được đăng ký thực hiện, trong đó có 387 công trình, sản phẩm cấp tỉnh có giá trị kinh tế - xã hội cao, làm lợi tổng cộng hơn 530 tỷ đồng.
Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong công nhân lao động sản xuất đã thực sự trở thành điểm sáng trong thực hiện các phong trào thi đua của tổ chức Công đoàn tỉnh. Từ phong trào này, nhiều công nhân trực tiếp sản xuất đã vươn lên trở thành những cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, trưởng ca, quản đốc, giám đốc xí nghiệp giỏi. Những gương “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” được các cấp Công đoàn khen thưởng hàng năm và trong đợt tuyên dương lần này, nhiều gương công nhân là những bông hoa đẹp được phát hiện từ phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo trong CNVCLĐ tỉnh nhà. Sự phong phú, đa dạng của những tấm gương “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” có sức lôi cuốn, truyền cảm hứng, khơi dậy, phát huy những giá trị truyền thống của giai cấp công nhân lao động, phát huy sức mạnh tập thể và thúc đẩy sự phát triển của đơn vị, doanh nghiệp.
Các sáng kiến, đề tài do cán bộ, CNVCLĐ thực hiện trong những năm qua đã được áp dụng trong lĩnh vực quản lý và điều hành sản xuất kinh doanh của đơn vị, doanh nghiệp là kết quả triển khai phong trào thi đua lao động sáng tạo của tập thể cán bộ, CNVCLĐ, đã và đang góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, góp phần hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu nhiệm vụ kinh tế - xã hội địa phương. Kết quả một lần nữa cũng khẳng định phong trào thi đua của tổ chức Công đoàn luôn hướng tới, động viên kịp thời người lao động và phong trào này sẽ còn tiếp tục được nhân rộng hơn nữa trong những năm tiếp theo.
Điển hình của tinh thần lao động sáng tạo
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Như Ý nhận định, lao động trực tiếp sản xuất đóng vai trò, vị trí quan trọng tại các doanh nghiệp. Họ không chỉ tạo ra của cải vật chất mà còn đóng góp nhiều sáng kiến, đề tài hữu ích giúp doanh nghiệp cải thiện máy móc hoạt động tốt hơn, tạo môi trường làm việc an toàn, hiện đại và chuyên nghiệp. Vì thế, 5 năm một lần, LĐLĐ tỉnh tổ chức tôn vinh người lao động để tạo động lực cho họ tiếp tục nâng cao tay nghề, công hiến nhiều sáng kiến hữu ích hơn nữa, góp phần cải thiện môi trường làm việc, tiết kiệm chi phí, nguyên vật liệu và đảm bảo an toàn lao động. Những lao động được tuyên dương lần này là những gương điển hình cho tinh thần lao động sáng tạo, năng động trong sản xuất, luôn nỗ lực tìm tòi giải pháp mới để nâng cao hiệu suất lao động, tham gia tích cực vào các phong trào thi đua do Công đoàn và doanh nghiệp phát động.
Lan Mai
Tác giả: Nguyễn Thị Hòa
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập