Bảo hiểm y tế: “Cứu tinh” của người nhiễm HIV

Chủ nhật - 21/07/2019 20:36
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

​Khi nguồn viện trợ quốc tế bị cắt giảm, những tưởng quá trình điều trị của người nhiễm HIV sẽ gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhờ vào quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), tất cả các chi phí điều trị của người nhiễm HIV/AIDS được thanh toán, tạo thuận lợi rất lớn trong quá trình điều trị.

Hỗ trợ 100% chi phí mua BHYT cho người bệnh

Từ vài năm nay, UBND tỉnh Ðồng Nai đã có chủ trương chấp thuận hỗ trợ 100% chi phí mua thẻ BHYT và 20% chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng virút ARV cho người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Hiện Ðồng Nai có hơn 4.700 người nhiễm HIV/AIDS. Trong đó, có hơn 3.300 người điều trị bằng thuốc ARV; hơn 3.100 bệnh nhân có thẻ BHYT, đạt trên 94%. Ðể 100% bệnh nhân HIV/AIDS có thẻ BHYT và được điều trị bằng thuốc ARV, BS. Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh, các đơn vị y tế trên địa bàn cần nắm rõ số người nhiễm HIV/AIDS chưa tham gia điều trị thuốc ARV. Qua đó, tiến hành tuyên truyền, vận động bệnh nhân đến các cơ sở y tế để được kết nối điều trị. “Mục tiêu là không để bất cứ một bệnh nhân nào nhiễm HIV/AIDS không có thẻ BHYT và không được điều trị bằng thuốc ARV”, BS. Hải nói.

 Nhờ có thẻ BHYT, người nhiễm HIV yên tâm chữa trị bệnh. Trong ảnh: Bệnh nhân lấy thuốc ARV.

Từ tháng 3 đến nay, Trung tâm Y tế TP. Biên Hòa được Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) chọn là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai những bệnh nhân đầu tiên điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV từ Quỹ BHYT.

Là một trong hơn 400 bệnh nhân đang thực hiện khám, điều trị HIV tại Trung tâm Y tế TP. Biên Hòa, anh N.K.B., (40 tuổi, ngụ tại phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa) chia sẻ, hơn 10 năm trước anh phát hiện mình bị nhiễm HIV khi chuẩn bị lập gia đình. Ðám cưới đã không diễn ra, anh B. cũng bắt đầu phải chữa trị khi tải lượng vi rút còn thấp. “Lúc ấy, tôi vô cùng hoảng loạn, suy sụp. Tôi luôn tự trách bản thân chỉ vì một phút sa đà mà đóng lại mọi cánh cửa tương lai”, anh B. kể.

Suốt nhiều năm nay, anh sử dụng thuốc ARV từ nguồn Quỹ toàn cầu cung cấp miễn phí. Khi nghe tin nguồn Quỹ này sẽ cắt nguồn thuốc ARV trong thời gian tới, anh B. rất lo lắng. Nhưng khi được tỉnh mua thẻ BHYT và hỗ trợ hết chi phí khám, chữa bệnh, anh B. đã không còn lo lắng. Nếu không có sự hỗ trợ này, gia đình anh sẽ gặp không ít khó khăn khi phải xoay sở kinh phí điều trị HIV, căn bệnh “theo” anh suốt chục năm qua.

Chỗ dựa vững chắc cho người nhiễm HIV

BS. Nguyễn Giỏi, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho hay, tới thời điểm này, hoạt động khám, chữa bệnh bằng BHYT cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế TP. Biên Hòa đã đi vào ổn định. Số lượng bệnh nhân tham gia đã tăng hơn thời gian đầu. Hiện có 409/417 bệnh nhân được khám và cấp thuốc qua nguồn Quỹ BHYT, còn lại 8 bệnh nhân thẻ đã hết hạn đang chờ cấp lại. Thẻ BHYT này được dùng khám cho tất cả các loại bệnh không riêng gì HIV và được miễn phí. Riêng khám, chữa bệnh liên quan đến HIV, để tiện lợi cho bệnh nhân, họ sẽ nộp sổ khám và lấy thuốc ARV ở phòng khám OPC (phòng khám ngoại trú cho bệnh nhân HIV) của Trung tâm Y tế TP. Biên Hòa.

Song song với các bệnh nhân điều trị ARV bằng BHYT, những bệnh nhân chưa có thẻ BHYT vẫn được các dự án hỗ trợ thuốc ARV. Việc hỗ trợ này có thể sẽ bị cắt vào năm 2020. Ðể tránh tình trạng bệnh nhân bỏ trị, Bộ Y tế đã đưa ra kế hoạch, năm 2019, tất cả bệnh nhân đang điều trị bằng ARV phải có thẻ BHYT; còn đến năm 2020, tất cả người nhiễm HIV đều có thẻ BHYT. Khi tham gia BHYT, bệnh nhân sẽ được cung cấp thuốc ARV định kỳ theo chỉ định chuyên môn và theo tình trạng sức khỏe. Việc cấp phát thuốc này thông qua cơ sở điều trị, nghĩa là bệnh nhân đăng ký, được cấp thuốc từ kinh phí do BHYT chi trả.

BS. Giỏi cho biết thêm, trong tương lai các dự án quốc tế sẽ không còn viện trợ cho Việt Nam. Mỗi bệnh nhân điều trị ARV có chi phí lớn vì bệnh phải điều trị suốt đời. Mỗi tháng, chỉ tính riêng tiền thuốc cho phác đồ bậc 1 là 400.000 đồng. Nhưng hiện có nhiều bệnh nhân đã bị kháng thuốc và sử dụng phác đồ bậc 2 để chữa trị. Chi phí cho phác đồ cũng khoảng vài triệu đồng/ tháng. “Có thể nói quỹ BHYT chính là “cứu cánh” duy nhất của bệnh nhân HIV/AIDS khi các nguồn viện trợ không còn”, BS. Giỏi phân tích.

Thời gian đầu sử dụng thẻ BHYT khám, chữa bệnh cũng khiến nhiều bệnh nhân còn e ngại vì sự kỳ thị, lo lắng lộ danh tính. Nhưng người bệnh không nên lo ngại mà “nói không” với BHYT, bởi sự kỳ thị trong đời sống hiện nay đã giảm rất nhiều. Người bệnh có thể tự do điều trị ở các nơi khác nhau, không nhất thiết phải cố định nơi địa bàn mình sinh sống, và các nhân viên y tế phải có trách nhiệm giữ bí mật cho họ. “Những người nhiễm HIV cần phải tham gia BHYT và tuân thủ điều trị ARV. Nguồn thuốc từ BHYT chính là chỗ dựa vững chắc để họ có thể sống chung với căn bệnh thế kỷ này”, BS. Giỏi phân tích.

Hiện cả nước có khoảng 200.000 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có gần 140.000 người nhiễm được điều trị bằng thuốc ARV. Trong thời gian vừa qua, Quỹ BHYT chi trả cho điều trị nhiễm trùng cơ hội, các xét nghiệm khác cho người bệnh nhiễm HIV có thẻ BHYT. Việc điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV chủ yếu dựa vào các nguồn viện trợ quốc tế. Thời gian tới, các nguồn viện trợ này sẽ kết thúc.

Khánh Ngọc

Tác giả: Phạm Thị Bích Nhàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây