Với các y, bác sĩ, không ít lần họ phải chứng kiến cảnh bệnh nhân nhập viện trong tình trạng “thập tử, nhất sinh”. Nhưng nhờ sự tận tâm với người bệnh, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa, nhiều bệnh nhân đã được cứu sống.
Tìm sự sống khi cái chết gần kề
Chiều mùng 1 Tết Nguyên đán 2019, BS. Vũ Công Tầm, Trưởng khoa Phẫu thuật - gây mê - hồi sức, Bệnh viện (BV) Nhi đồng Đồng Nai vội vã bắt taxi vào BV để mổ cấp cứu cho bệnh nhi L.Đ N. (13 tuổi, ngụ tại xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa). Bệnh nhi được gia đình đưa đi chơi tàu lượn siêu tốc tại một khu vui chơi trên địa bàn tỉnh. Khi tàu sắp chạy, bé N. đứng dậy để dồn toa thì tàu chạy bất ngờ, khiến bé N. bị kéo lê văng xuống đất.
BS. Tầm kể, khi tiếp nhận, bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch: mạch và huyết áp không đo được, da tái nhợt, tứ chi lạnh toát. Bệnh nhi bị sốc mất máu rất nhiều, các y, bác sĩ liên tục bơm máu, bù dịch nhưng vẫn không bù được lượng máu mất đi. Suốt chặng đường từ Khoa Cấp cứu lên phòng mổ, cả lúc gây mê, các y, bác sĩ vừa bóp bóng, vừa bơm máu cho bệnh nhi. “Chúng tôi thảo luận và quyết định, phải mổ gấp cho bệnh nhi, dù bé còn sốc, mất máu nặng. Điều đó có nghĩa, chúng tôi phải chấp nhận tìm “sự sống” trong cái chết”, BS. Tầm chia sẻ.
Các bác sĩ BV Nhi Đồng Nai tái khám, hội chẩn cho bé N.
Các y, bác sĩ trong ê kíp đã gặp không ít khó khăn do khi mổ, do máu không đông và vón cục tràn đầy ổ bụng bệnh nhi. Kèm theo đó là 2 tổn thương đứt cuống lách, gan bị vỡ 4 đường, trong đó có 1 đường rách lớn dài 18cm, sâu 6cm. Các y, bác sĩ đã khâu phần đứt cuống lách để khống chế việc máu chảy tràn. Điều khó khăn nhất của ca mổ là khâu gan do nằm sâu, được bao bọc bởi các xương sườn. “Chúng tôi phải hạ gan xuống, thoát khỏi góc kẹt để khâu. Khi khâu vết thương gan hoàn thành 90%, huyết áp bệnh nhân đã tăng lên và tim đập chậm lại, từ 120 lần/phút xuống 97 lần/phút. Bệnh nhi có dấu hiệu của sự sống”, BS.Tầm nhớ lại.
Lập phòng mổ “dã chiến”
Suốt 6 tiếng căng thẳng trong phòng mổ, các y, bác sĩ đã giành giật được sự sống cho bệnh nhi N. Sau mổ, bệnh nhân phải nằm theo dõi đặc biệt tại phòng hậu phẫu. Suốt 4 ngày sau mổ, hàng chục y, bác sĩ của Khoa Phẫu thuật - gây mê - hồi sức không hề nghỉ ngơi. Họ phải ở cạnh chăm sóc, theo dõi bệnh nhân suốt 24 giờ.
Khi bệnh nhân qua cơn nguy kịch đã được chuyển xuống Khoa Hồi sức - tích cực - chống độc để tiếp tục được theo dõi và trải qua một ca mổ nữa. BS. Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức - tích cực - chống độc cho hay, các bác sĩ phải làm từng bước để đảm bảo sự hồi phục cho bệnh nhi. Sau 5 ngày lọc máu liên tục, tri giác bệnh nhi có cải thiện, sinh hiệu tương đối ổn định, các rối loạn chức năng cơ quan có cải thiện. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm trùng vẫn còn rất trầm trọng do tổn thương mô mềm nhiều, tình trạng gãy xương chưa được giải quyết. Bệnh viện đã tiến hành hội chẩn và quyết định phẫu thuật lần 2. “Bệnh nhân phải duy trì sự sống bằng thuốc, máy thở, máy lọc máu. Nếu di chuyển bệnh nhi lên phòng mổ, khả năng tử vong rất cao. Do đó, chúng tôi phải thành lập phòng mổ dã chiến ngay tại khoa để mổ cho bệnh nhi”, BS. Nghĩa cho biết.
Để thực hiện ca mổ này, Khoa phải chuyển hết các bệnh nhi sang các khoa khác điều trị và khử trùng toàn Khoa tránh nhiễm trùng cho bệnh nhi. Lần mổ này, các bác sĩ đã cố định xương cánh tay, đùi; cắt lọc các mô mềm hoại tử. Ca mổ này chỉ được kéo dài 45 phút vì không thể ngưng lọc máu cho bệnh nhi quá lâu. Vì vậy, BV đã thành lập 2 ê kíp mổ với hàng chục y, bác sĩ. Sau ca mổ, tình trạng nhiễm trùng đã giảm. Dự kiến, bệnh nhi N. sẽ phải trải qua thêm một ca mổ và ghép da sau khi tình trạng sức khỏe của bé ổn định hơn.
Hợp sức cứu sống bệnh nhân
Một ngày cuối năm 2018, ông Nguyễn Văn Mười (51 tuổi, ngụ tại phường Quyết Thắng, TP. Biên Hòa) bị co giật, yếu nửa người, méo miệng. Gia đình đã gọi điện cho BVĐK Đồng Nai thông báo tình trạng của ông Mười. Ngay lập tức xe cấp cứu và một số y, bác sĩ của Khoa Cấp cứu đã đến sơ cấp cứu ban đầu tại nhà và chuyển bệnh nhân đến BV. Khi cấp cứu tại nhà bệnh nhân, bác sĩ đã chẩn đoán sơ bộ bệnh nhân bị nhồi máu não giai đoạn sớm (3 giờ đầu sau cơn nhồi máu não).
Các bác sĩ tại BV đã chuẩn bị thuốc tiêu sợi huyết sử dụng cho bệnh nhân ngay khi bệnh nhân vào tới BV. Tuy nhiên, khi đo điện tim, các bác sĩ lại phát hiện ông Mười có thêm bệnh nhồi máu cơ tim. Điều này khiến bệnh nhân bị rối loạn nhịp, nhịp chậm. Sau vài phút nhập viện, ông Mười rơi vào tình trạng ngưng tim, ngưng thở. “Chúng tôi chưa kịp đưa bệnh nhân đi chụp CT, can thiệp thuốc tiêu sợi huyết, bệnh nhân đã chết lâm sàng. Các bác sĩ, điều dưỡng đã sốc điện để kéo nhịp tim của bệnh nhân trở lại”, BS. Hồ Chí Chung, Phó trưởng khoa Cấp cứu, BVĐK Đồng Nai kể lại.
Ngay sau khi cấp cứu để bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy hiểm, BS. Chung đã cho bệnh nhân sử dụng thuốc an thần để tránh tình trạng kích thích, chụp CT. Đồng thời liên hệ với các bác sĩ ở chuyên khoa Nội thần kinh, tim mạch cùng gấp rút đưa ra phương án cứu bệnh nhân. BS. Nguyễn Thanh Nhựt, Khoa Can thiệp tim mạch cho hay, lúc ấy, bệnh nhân rất nguy kịch, phải xử lý ngay mà không cần chờ các kết quả xét nghiệm khác. “Thời gian cứu bệnh nhân được tính bằng giây. Bệnh nặng như ông Mười, đa phần là tử vong bởi bệnh nhân vừa nhồi máu não, vừa nhồi máu cơ tim cấp”, BS. Nhựt nói.
Kết quả chụp CT cho thấy, phần não của bệnh nhân bị tắc một nhánh. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã tiến hành can thiệp tim cho bệnh nhân trước. Từ lúc đưa ống thông từ đùi lên tim, ca can thiệp đã hoàn tất trong vòng 25 phút. Các bác sĩ đã đặt một stent bên phải, giải quyết nhồi máu cơ tim trên nền cơ địa xơ vữa cho bệnh nhân. Khi chuẩn bị can thiệp mạch máu não, các bác sĩ phát hiện cục máu đông ở não đã tan, không cần can thiệp. Ngay ngày hôm sau, bệnh nhân đã tỉnh, thoát khỏi “cửa tử” và xuất viện một tuần sau đó.
Tất cả vì người bệnh
Các bác sĩ cho rằng, bệnh nhân Mười không có cơ hội chuyển tuyến do tình trạng nặng có thể khiến bệnh nhân tử vong trên đường chuyển viện. “Cái khó khi tiếp nhận bệnh nhân này là chúng tôi phải sử dụng thuốc nào mới hợp lý vì bệnh nhân mang cả 2 căn bệnh nặng cùng lúc. Ngoài ra, sau khi đưa bệnh nhân “thoát khỏi” tình trạng ngưng tim, ngưng thở, việc đưa bệnh nhân đi chụp CT cũng rất gian nan. Chúng tôi phải theo sát bệnh nhân, không rời một bước trong suốt quá trình cấp cứu đến khi bệnh nhân được đưa vào phòng hậu phẫu”, BS. Chung chia sẻ.
Để cứu sống bệnh nhân nguy kịch như ông Mười, phải có sự tham gia của 5 chuyên khoa khác nhau với hàng chục y, bác sĩ. Quan trọng hơn là việc phối hợp nhịp nhàng giữa các bác sĩ trong ê kíp. “Chúng ta phải bỏ qua “cái tôi” của mình để cứu người với phương châm tất cả vì người bệnh. Đứng trước các ca bệnh nặng, cần huy động nhiều chuyên khoa thì những quy định, cấp bậc… đều phải bỏ qua. Trước mặt bác sĩ chỉ có bệnh nhân cần được cứu sống. Chuyên môn, bác sĩ có thể cải thiện dần nhưng việc phối hợp nhịp nhàng với nhau là rất cần thiết. Điều đó mới giúp BV phát triển và bệnh nhân nặng mới được cứu sống”, BS. Nhựt chia sẻ.
Cùng quan điểm trên, BS. Nguyễn Trong Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức - tích cực - chống độc, BV Nhi đồng Đồng Nai biết, trước các ca bệnh nặng, các y, bác sĩ phải có sự phối hợp nhịp nhàng với nhau và giữa các chuyên khoa. Điển hình, ca bệnh nhi N. phải có nhiều chuyên khoa cùng chung tay mới giúp bệnh nhân thoát “cửa tử”. “Trước ca bệnh nặng, chúng tôi chỉ có một mục tiêu duy nhất là cứu sống bệnh nhân. Lúc đó, mọi thủ tục, tự ái cá nhân đều phải gạt bỏ. Nhất là các ca đa chấn thương không thể do một chuyên khoa hoặc một cá nhân có thể cứu sống”, BS. Nghĩa nói.
Kịp thời khen thưởng, động viên
Trước nỗ lực cứu sống bệnh nhi L.Đ.N. bị đa chấn thương trong tai nạn khi đi tàu lượn siêu tốc, mới đây, Sở Y tế đã quyết định khen thưởng đột xuất 1 cá nhân và 3 tập thể của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
BS. Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế nhận xét, những năm qua, nhiều bệnh nhân tưởng như đã chết được các BV cứu sống. Điều này không chỉ khẳng định sự cải thiện về trình độ chuyên môn của các y, bác sĩ mà còn thể hiện sự tận tâm, hết lòng và sự phối hợp chặt chẽ giữa các y, bác sĩ và ở những chuyên khoa với nhau.
Với các thành tích cụ thể, Sở Y tế luôn có hình thức khen thưởng kịp thời nhằm động viên, biểu dương tinh thần đoàn kết, phát huy năng lực chuyên môn, trách nhiệm của các y, bác sĩ.
Khánh Ngọc
Tác giả: Phạm Thị Bích Nhàn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập