Bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF) lần đầu tiên đã xuất hiện tại nước ta, mức độ thiệt hại cao với tỷ lệ heo chết đến 100% khiến người chăn nuôi hết sức lo lắng và hoang mang. Trong khi đó, cơ quan chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần bình tĩnh theo dõi thông tin và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch để tránh xâm nhiễm.
Mất ngủ vì dịch bệnh
Những ngày qua, từ khi có thông tin heo nuôi ở một số hộ các tỉnh miền Bắc, miền Trung đã nhiễm bệnh ASF, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh rất hoang mang, loay hoay tìm cách phòng chống.
Trang trại của ông Trần Đình Quang, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, hiện đang có khoảng 1.000 con heo. Trước thông tin dịch bệnh ASF đã bùng phát và lây lan nhanh tại một số tỉnh miền Bắc và miền Trung, ông Quang hết sức lo lắng. Theo ông Quang, đã theo nghề chăn nuôi thì việc phải đối mặt với dịch bệnh là chuyện bình thường. Tuy nhiên, với dịch bệnh ASF do lần đầu xuất hiện lại không có vắc xin phòng chống nên người chăn nuôi đang hết sức bối rối. “Giờ trại chúng tôi tuyệt đối không tiếp khách, chỉ có người nhà ra vào. Bệnh này không có vắc xin, heo mắc bệnh chết 100% nên tôi cũng chỉ biết làm như vậy và hy vọng mầm bệnh không xâm nhập trại”, ông Quang cho hay.
Hạn chế người lạ ra vào trang trại, vệ sinh, tiêu độc khử trùng trại nuôi là những giải pháp mà cơ quan chức năng khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện để ứng phó với ASF.
Cũng theo ông Quang, dù đã theo dõi và đọc nhiều thông tin về dịch bệnh ASF, tuy nhiên thực tế gia đình ông cũng như nhiều hộ chăn nuôi khác không nắm chắc về cách thức phòng bệnh cũng như triệu chứng bệnh. “Đọc báo, xem truyền hình thấy cơ quan chuyên môn khuyến cáo hạn chế người lạ, phương tiện vào trại nuôi; vệ sinh, khử trùng trại nuôi và kiểm tra kỹ nguồn thức ăn thì mình làm theo chứ cách thức cụ thể như thế nào không ai biết. Heo nhiễm bệnh có những triệu chứng như thế nào tôi cũng không rõ”, ông Quang chia sẻ.
Lo lắng, hoang mang. Đây không chỉ là tâm trạng của riêng ông Quang mà cũng là tâm lý chung của hàng ngàn hộ chăn nuôi heo trong tỉnh hiện tại. Theo người chăn nuôi, ASF mới xuất hiện lần đầu nên kinh nghiệm phòng, chống, đối phó với dịch bệnh gần như không có.
Bà Bùi Thị Nhị, hộ chăn nuôi heo ở ấp Lạc Sơn, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất cho hay, toàn xã có hàng trăm hộ nuôi heo, do đó nếu như ASF xuất hiện, thiệt hại sẽ rất lớn, người chăn nuôi có nguy cơ trắng tay. Bởi, theo thông tin bà được biết, bệnh này lây lan khá nhanh. “Hiện giờ, người chăn nuôi ai cũng mất ngủ vì lo cả. Đợt rồi giá heo tốt nên tôi cũng như nhiều người chăn nuôi trong xã tính chuyện tăng đàn trở lại. Nhưng giờ dịch bệnh thế này không ai dám tăng nữa”, bà Nhị cho hay.
Bình tĩnh ứng phó
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Trần Văn Quang cho hay, dịch bệnh ASF nếu xuất hiện sẽ gây thiệt hại rất lớn cho ngành chăn nuôi heo của tỉnh. Bởi, hiện Đồng Nai đang là địa phương có đàn heo lớn nhất cả nước. Chính vì vậy, ông Quang cũng thừa nhận, tỉnh đang đối mặt với áp lực phòng, chống dịch bệnh rất lớn. “Đây là dịch bệnh chưa có vắc xin đặc trị, tỷ lệ heo nhiễm bệnh bị chết là tuyệt đối nên rất nguy hiểm. Do chưa thể chữa trị nên hiện chỉ có thể thực hiện các biện pháp ứng phó, tránh bệnh xâm nhiễm và lây lan”, ông Quang cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Quang, thực tế nhiều năm qua cho thấy, địa phương đã ngăn chặn, khống chế thành công nhiều loại dịch bệnh trên vật nuôi. Do đó hiện nay, người dân cần bình tĩnh, không hoang mang. “Người chăn nuôi cần theo dõi chặt chẽ những thông tin chính thống về ASF, tuyệt đối không nghe lời đồn thổi và những thông tin chưa được kiểm chứng; thực hành nghiêm các biện pháp phòng bệnh đã được khuyến cáo như: hạn chế người lạ, phương tiện ra vào khu vực nuôi heo, sử dụng thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, tiêu độc khử trùng chuồng trại…”, ông Quang khuyến cáo.
Sắp tới, Đồng Nai sẽ tổ chức hội nghị cung cấp thông tin, cách phòng chống dịch cho doanh nghiệp, người chăn nuôi, đặc biệt là người chăn nuôi nhỏ lẻ. Bởi, hiện nay dù hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ còn chiếm khoảng 6% tổng đàn nhưng nguy cơ xuất hiện dịch bệnh tại các hộ này là rất lớn. Nguyên nhân là do người chăn nuôi nhỏ lẻ thiếu thông tin, hoặc lơ là, không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo.
Cũng theo ông Quang, trước diễn biến của dịch bệnh, người chăn nuôi cần bình tĩnh, không bán tháo đàn heo mà cần tập trung chăm sóc để vật nuôi tăng sức đề kháng bệnh. “Hiện giá heo đang ở mức cao nhưng người chăn nuôi cũng cần thận trọng trong việc tăng đàn, tái đàn, tránh nguy cơ thiệt hại do dịch bệnh”, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi - thú y nói.
Về công tác phòng, chống dịch bệnh, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công cho rằng, do chưa có cách trị bệnh nên cách duy nhất để ứng phó hiệu quả với ASF là tránh mầm bệnh xâm nhiễm và lây lan tại các trại nuôi. Đáng lo ngại, do tình trạng chênh lệch giá heo giữa 2 miền nên heo từ miền Bắc, miền Trung sẽ được đưa vào miền Nam để tiêu thụ, trong đó có heo từ những vùng đã xuất hiện dịch. Do đó, để tránh dịch bệnh xâm nhiễm cần kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo.
Trong trường hợp xấu nhất là khi dịch bệnh xuất hiện, người chăn nuôi cũng cần tự nguyện khai báo với cơ quan chức năng để tiêu hủy, tránh nguy cơ lây lan trên diện rộng. “Nếu xảy ra dịch bệnh mà người dân tự nguyện giao nộp để tiêu hủy thì việc phòng, chống lây lan sẽ thành công. Do đó, ngay từ bây giờ cần chuẩn bị sẵn cách thức, quy trình hỗ trợ đối với heo nhiễm bệnh bị tiêu hủy để người dân tiếp cận”, ông Công đề nghị.
ASF đã xuất hiện tại 4 tỉnh
Theo Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, tính đến ngày 25-2, dịch bệnh ASF đã xuất hiện tại 4 tỉnh. Theo đó, địa phương mới nhất vừa phát hiện ổ bệnh ASF là tỉnh Thanh Hóa. Trước đó, 3 tỉnh khác gồm:Thái Bình, Hưng Yên, Hải Phòng cũng đã xuất hiện các ổ bệnh ASF.
Lê Văn
Tác giả: Phạm Văn Tùng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập