Hướng tới nền y tế thông minh

Thứ ba - 26/02/2019 21:16
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Thực tế cho thấy việc theo dõi, ghi chép bệnh án bằng giấy như hiện nay đang chiếm đến 2/3 tổng thời gian làm việc của các bác sĩ. Nhận thức rõ điều này, nhiều bệnh viện trên địa bàn tỉnh đang “rục rịch” chuyển sang áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.​

Mất thời gian vì… hồ sơ giấy

Khi còn là bác sĩ điều trị, mỗi ngày BS. Nguyễn Quốc Thành, Trưởng khoa Thần kinh-cơ xương khớp, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) khu vực Long Khánh phải phụ trách 30 bệnh nhân nội trú, cao điểm lên tới 60 bệnh nhân. Tương đương với số lượng bệnh nhân trên, BS. Thành cũng phải làm 30-60 hồ sơ bệnh án. Mỗi ngày, sau khi giao ban, bắt đầu từ 7giờ 20, BS. Thành bắt đầu khám bệnh. Trong khi khám, bác sĩ sẽ ghi nhận những tiến triển hoặc dấu hiệu bất thường của bệnh nhân so với lần khám trước vào sổ tay. Sau đó, anh phải cập nhật bằng cách ghi lại vào hàng chục bộ hồ sơ để có thể theo dõi diễn biến của bệnh. Trước khi chẩn đoán và cho thuốc, bác sĩ còn phải truy cứu lại bệnh sử, đọc các kết quả cận lâm sàng... Điều này làm mất khá nhiều thời gian của bác sĩ. “Thời gian làm hồ sơ chiếm 2/3 tổng thời gian làm việc. Trong khi có nhiều bệnh nhân do cùng một mặt bệnh sẽ có một số triệu chứng giống nhau, bác sĩ phải viết đi viết lại nhiều lần, rất mất thời gian”, BS. Thành chia sẻ.

Hơn nữa, theo BS. Thành, hồ sơ bệnh án của bệnh nhân đều khá dày, nhiều trang. Lượng bệnh đông, hồ sơ phải chép theo hình thức thủ công dẫn tới việc nhầm lẫn rất dễ xảy ra. Hơn nữa, khi bác sĩ ra chỉ định không sát sẽ bị Bảo hiểm y tế xuất toán.


BVĐK khu vực Long Khánh ứng dụng hệ thống PACS vào khám, chữa bệnh.

Hiện tại, BVĐK khu vực Long Khánh phải dành riêng lầu 7 của bệnh viện với khoảng 6.000m2để hồ sơ bệnh án giấy, vật tư y tế nhưng vẫn chưa đủ. Khoảng 2 năm nay, BVĐK khu vực Long Khánh đã thu hút được 80 bác sĩ, trải đều ở các khoa. Các bác sĩ mất nhiều thời gian ghi hồ sơ giấy, kể cả điều dưỡng bởi họ cũng phải chép thông tin về công khai thuốc, súc thuốc, quá trình chăm sóc, thủ thuật… “Việc này khiến khối lượng công việc bị đẩy lên quá tải. Tôi rất mong bệnh viện áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử để bác sĩ đỡ mất thời gian, giành nhiều thời gian khám, chẩn đoán và chăm sóc sức khỏe bệnh nhân hơn. Ngoài ra, bệnh nhân cũng đỡ mất thời gian chờ đợi, phiền lòng”, BS. Thành nói.

Đồng quan điểm với BS. Thành, BS. Bùi Văn Linh, Phó khoa Ngoại lồng ngực, BVĐK Thống Nhất cho hay: Thời đại 4.0 phải làm sao mọi việc đều nhanh chóng, thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin. Bệnh án giấy đã không còn phù hợp. Theo đó, các y, bác sĩ phải mất quá nhiều thời gian để ghi chép. Ví dụ, những bệnh nhân nằm ở Khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện cứ 15 phút phải ghi bệnh án một lần. Ngoài ra, bác sĩ muốn tìm thông tin của bệnh nhân rất mất thời gian. Đối với bệnh án điện tử, BS. Linh mong muốn phải có sự kết nối giữa tất cả các cận lâm sàng (sinh hóa, X-quang, xét nghiệm…) để không phải in film ảnh, từ đó có thể giảm chi phí, công sức. “Sau mỗi ca mổ, thay vì được nghỉ ngơi hoặc thăm khám bệnh, chúng tôi lại phải ngồi ghi chép hồ sơ bệnh án. Nó chiếm khá nhiều thời gian”, BS. Linh nói.

Hướng đến bệnh viện thông minh

Khi có bệnh án điện tử, tất cả các thông tin của bệnh nhân sẽ đi qua “một cửa”, không phải qua “nhiều cửa” như hiện nay. Các bác sĩ đều mong muốn hồ sơ bệnh án điện tử có tính năng nhanh, gọn và chính xác, từ thông tin bệnh sử của bệnh nhân đến thuốc… Hiện tại, BVĐK khu vực Long Khánh đã có hệ thống kết nối giữa khoa cận lâm sàng với việc điều trị. Cụ thể, các kết quả xét nghiệm máu sẽ được hiển thị trên máy tính, bác sĩ chỉ cần đánh mã số bệnh nhân có thể biết được kết quả. Hoặc các kết quả chẩn đoán hình ảnh về chụp CT, MRI… sẽ đi qua hệ thống PACS, kết nối với các bác sĩ qua điện thoại smartphone. Từ đó, giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán nhanh. Hơn nữa, khi có  bệnh án điện tử cũng tiết kiệm đáng kể chi phí hành chính. Mỗi tháng, BVĐK khu vực Long Khánh mất khoảng hơn 200 triệu đồng cho việc mua giấy mực để ghi hồ sơ bệnh án.

BS. Phan Văn Huyên, Giám đốc BVĐK khu vực Long Khánh cho hay, 2 năm nay bệnh viện đã tiến hành đầu tư hệ thống công nghệ thông tin trong toàn bộ hoạt động của bệnh viện, trong đó có hồ sơ bệnh án điện tử. Các đường truyền, phần mềm cơ bản, server đã chuẩn bị xong. Cụ thể, bệnh viện đã hoàn thành và nâng cấp các phần mềm: quản lý thông tin bệnh viện - HIS, phần mềm quản lý xét nghiệm - LIS, phần mềm lưu trữ và truyền tải hình ảnh - PACS. “Chúng tôi đang xây dựng hệ thống phần mềm bệnh án điện tử - EMR. Sau khi các hệ thống kết nối với nhau sẽ hình thành nên bệnh viện thông minh. Các phần mềm trên do Sở Y tế đầu tư, bệnh viện chỉ đầu tư hệ thống PACS khoảng 2-3 tỷ đồng”, BS. Huyên nói.

Trước đây, khi chưa ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin tại BVĐK Đồng Nai, bác sĩ của khoa nào chỉ biết bệnh nhân của khoa đó. Còn các trường hợp sử dụng dịch vụ chụp X-quang, MRI, bác sĩ phải chờ Khoa Chẩn đoán hình ảnh in phim để bác sĩ đọc. Tuy nhiên, khoảng 3 năm nay, các bác sĩ của bệnh viện sẽ được cấp tài khoản để truy cập thông tin của bệnh nhân. Bệnh nhân chụp X-quang, CT, MRI… chỉ sau vài phút các bác sĩ của bệnh viện ở bất cứ khoa nào cũng có thể xem phim chụp của bệnh nhân. Điều này đặc biệt hữu ích với các trường hợp bệnh nặng, cấp cứu bởi khi xem kết quả nhanh trên phần mềm, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán sớm hơn. Trong tương lai, bệnh viện sẽ kết nối các thông tin của bệnh nhân và điện thoại để bác sĩ có thể xem ở bất cứ đâu.

BS. Lê Thị Phương Trâm, Phó Giám đốc BVĐK Đồng Nai cho hay, cả bệnh nhân và bác sĩ đều truy cập được thông tin của người bệnh qua bệnh án điện tử. Hơn nữa, bệnh án điện tử còn tránh trùng lặp, sai sót thông tin. “Các kết quả cận lâm sàng, bác sĩ chỉ cần mở máy tính hoặc smartphone là có thể đọc, đưa ra chẩn đoán. Họ không cần di chuyển qua nhiều nơi”, BS. Trâm nói.

Nền móng của y tế thông minh

TS.BS. Phan Huy Anh Vũ khẳng định: Hiện nay các y, bác sĩ mất quá nhiều thời gian vào việc ghi chép hồ sơ bệnh án. Chính vì vậy, họ không có thời gian để gần gũi, chia sẻ với bệnh nhân. Hơn nữa, một bác sĩ không thể nhớ hết tất cả bệnh sử của hàng trăm bệnh nhân của mình. “Sử dụng bệnh án điện tử cũng là một cách sử dụng trí tuệ nhân tạo trong khám, chữa bệnh. Nó cũng chính là nền móng của y tế thông minh và phải được xây dựng từ trạm y tế”.

Phấn đấu là  địa phương đi đầu 

Tuy nhiên, BS. Trâm cho rằng, hiện nay, hệ thống PACS của bệnh viện mới chỉ kết nối hình ảnh với máy CT, MRI với số lượng 150 quy trình/ ngày; chưa kết nối được với các hình ảnh siêu âm, nội soi, kết quả xét nghiệm.  Hệ thống này chưa thể hỗ trợ bác sĩ đọc kết quả từ xa, chẳng hạn như đang ở nhà. Hệ thống hạ tầng chưa có tính sẵn sàng cao để lấy lại dữ liệu trong trường hợp máy chủ hư hoặc gặp sự cố. “Chúng tôi đang phải nâng cấp hệ thống này. Nó sẽ mang lại nhiều hiệu quả như giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân, tiết kiệm thời gian của bác sĩ và chi phí cho bệnh viện”, BS. Trâm đánh giá.

TS. BS. Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện tại Sở Y tế đã phối hợp với Viettel triển khai phần mềm bệnh án điện tử. Trước mắt, ngành Y tế đã khảo sát thực tế tại BVĐK Đồng Nai và BVĐK khu vực Long Khánh về cơ sở hạ tầng khi tiến hành ứng dụng hồ sơ bệnh án điện tử. “Nếu chỉ một bệnh viện làm hồ sơ bệnh án điện từ thì rất dễ dàng. Nhưng để kết nối các cơ sở y tế trên toàn tỉnh là điều khó khăn. Chúng tôi sẽ phấn đấu để Đồng Nai đi đầu trong việc sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử”, BS. Vũ nhấn mạnh.

Thực tế, các bệnh viện đều sử dụng phần mềm trong quản lý khám, chữa bệnh riêng do FPT và Viettel thực hiện. Vì vậy, việc kết nối giữa các phần mềm ở các bệnh viện tốn khá nhiều thời gian. Sau khi khảo sát 2 bệnh viện trên cho thấy, cơ sở hạ tầng khá tốt để triển khai bệnh án điện tử. Trên cơ sở đó, Sở Y tế sẽ cân nhắc áp dụng tại các đơn vị khác.

Các bệnh viện cần chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin

Thông tư 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-3-2019. Thông tư này quy định lộ trình, từ năm 2019 - 2023, các bệnh viện hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Từ năm 2024 - 2028, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.

Bích Nhàn

Tác giả: Phạm Thị Bích Nhàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây