Theo dự kiến, đến tháng 3 tới đây, Bộ GD-ÐT mới công bố chính thức Quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học (ÐH), cao đẳng (CÐ) năm 2019. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, “bức tranh” về kỳ thi THPT quốc gia 2019 đã được định hình khá rõ nét. Ðây là cơ sở quan trọng để học sinh khối 12 chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới.
Tập trung tối đa, tránh sao nhãng việc học
Theo công bố dự thảo quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2019 của Bộ GD-ÐT, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ không có nhiều thay đổi so với năm 2018. Việc thay đổi chủ yếu ở công tác tổ chức, khâu chấm thi. Thay đổi mà thí sinh quan tâm nhất là cách tính điểm xét tốt nghiệp. Theo đó, điểm thi sẽ chiếm 70%, còn điểm học bạ lớp 12 chỉ chiếm 30%. Ðây cũng là điều khiến nhiều thí sinh lo lắng nhất, đặc biệt là những thí sinh có học lực từ trung bình trở xuống. Vì với cách tính mới này, cùng một phổ điểm, năm ngoái thí sinh đậu nhưng năm nay có thể rớt.
Học sinh tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh do Sở GD-ĐT phối hợp với báo Giáo dục TP. Hồ Chí Minh tổ chức.
Theo TS. Nguyễn Ðức Nghĩa, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ÐH-CÐ Việt Nam, lo lắng của các em là có cơ sở. Tuy nhiên, cũng theo thông tin từ Bộ GD-ÐT và căn cứ trên đề thi mẫu đã được công bố, đề thi THPT quốc gia năm nay sẽ “dễ thở” hơn năm ngoái. Theo đó, kiến thức chủ yếu sẽ nằm trong chương trình lớp 12, chỉ một lượng nhỏ kiến thức thuộc chương trình lớp 11. Vì đề thi phục vụ chủ yếu để xét tốt nghiệp nên lượng câu hỏi ở mức dễ, trung bình sẽ nhiều hơn đề thi năm ngoái. Nhìn lại kỳ thi THPT năm 2018 và 2017 cũng có thể nhận thấy đề thi năm 2018 khó hơn nhiều so với năm 2017. Vì vậy, thí sinh có thể yên tâm về đề thi năm nay.
Theo thống kê dữ liệu năm 2018, tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT của học sinh Ðồng Nai đạt 99,39%; số học sinh rớt rất ít. “Vì vậy, các em học sinh lớp 12 có thể tin tưởng vào khả năng đậu tốt nghiệp của mình trong kỳ thi sắp tới. Tuy nhiên, để đạt được điều này, trong giai đoạn hiện nay, các em phải tập trung tối đa cho việc học. Các em nên cố gắng làm sao để học kỳ II lớp 12 đạt được kết quả tốt. 30% điểm của học bạ cũng đóng vai trò hết sức quan trọng, quyết định đến việc đậu hay rớt của các em”, TS. Nguyễn Ðức Nghĩa đưa ra lời khuyên.
Cũng theo dự thảo quy chế thi mới được Bộ GD-ÐT công bố, năm nay, thí sinh tự do và thí sinh hệ giáo dục thường xuyên sẽ ngồi chung phòng thi với thí sinh hệ THPT. Ðiều này có thể gây nên áp lực tâm lý nhất định đối với thí sinh nhưng sẽ đảm bảo được tính nghiêm túc của kỳ thi. Mặc dù có thay đổi nhưng kỳ thi vẫn được tổ chức trên cơ sở tạo thuận lợi nhất cho thí sinh. Theo đó, thí sinh khu vực địa phương nào sẽ thi ở những điểm lân cận nơi mình học mà không phải di chuyển xa.
Đa dạng các hình thức đào tạo
Ngoài chương trình đào tạo thông thường, nhiều trường ÐH, CÐ trong cả nước còn có các chương trình đào tạo khác như: chương trình đào tạo cử nhân tài năng, chương trình chuẩn quốc tế, chương trình chất lượng cao…Ðặc biệt, các chương trình đào tạo liên kết quốc tế, chương trình đào tạo song bằng đang ngày càng được nhiều trường triển khai. Ðây là cơ hội để các thí sinh có thêm sự lựa chọn, không chỉ cho ngành học mà còn cơ hội việc làm trong tương lai.
Ðặc điểm của các chương trình này là các chương trình chính quy, đào tạo các môn ngành và chuyên ngành bằng tiếng Anh trên cơ sở chuyển giao công nghệ của các trường đối tác trên thế giới, bằng do các trường ÐH Việt Nam cấp. Ðối với chương trình đào tạo song bằng, ngoài bằng Việt Nam, sinh viên còn được nhận thêm bằng của trường ÐH đối tác cấp.
Sinh viên tốt nghiệp những chương trình này sẽ đáp ứng các yêu cầu: Có kiến thức cơ bản vững vàng, trình độ chuyên môn giỏi và năng lực sáng tạo cao. Khóa luận tốt nghiệp có giá trị khoa học, có thể được công bố trên tạp chí khoa học, báo cáo tại hội nghị khoa học quốc tế chuyên ngành; có trình độ tiếng Anh (hoặc một ngoại ngữ khác) tốt về cả bốn kỹ năng: đọc, viết, nghe, nói; có thể giao tiếp, trao đổi với các đồng nghiệp nước ngoài về chuyên môn và những vấn đề xã hội thông thường.
Hiện nay, nhiều trường ÐH trong nước đã ký kết trao đổi sinh viên với các trường ÐH trên thế giới. Ðối với chương trình liên kết quốc tế tại những trường này, sinh viên sẽ học 1/2 thời gian tại Việt Nam trước khi chuyển tiếp đến học tập tại một quốc gia khác. Sinh viên cũng có thể tham gia các chương trình trao đổi ngắn hạn và dài hạn ở nước ngoài. Các chương trình này sẽ giúp sinh viên nâng cao khả năng ngoại ngữ (tiếng Anh và tiếng bản địa), giao lưu học hỏi… Chỉ tính riêng Trường ÐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) hiện có đến 24 chương trình đào tạo liên kết nước ngoài.
Bên cạnh hợp tác đào tạo với nước ngoài, rất nhiều trường ÐH, CÐ trong cả nước đã tổ chức chương trình thực tập sinh. Theo đó, sau một thời gian học tập tại Việt Nam và đạt trình độ ngoại ngữ theo yêu cầu, các sinh viên sẽ được đưa đi nước ngoài đào tạo theo phương thức vừa học vừa làm, có trả lương. Hiện nay, sinh viên Việt Nam đã làm thực tập sinh tại nhiều nước như: Hà Lan, Nhật Bản, Mỹ, Úc…
Với khoảng thời gian làm thực tập sinh lên tới 1 năm, thu nhập của thực tập sinh có thể đủ để “hoàn vốn” trong suốt thời gian học tập tại Việt Nam. Chẳng hạn, tính trung bình, một thực tập sinh làm việc tại Nhật Bản có thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng. Không những thế, những sinh viên làm việc tốt còn có cơ hội được ở lại làm việc thêm 5 năm. Nếu về nước, với khả năng ngoại ngữ và trải nghiệm cuộc sống tại nước sở tại, sinh viên có nhiều cơ hội làm việc trong các công ty nước ngoài với mức lương cao.
Không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng
Từ ngày 1 đến 20-4, học sinh lớp 12 sẽ đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Theo thống kê từ ngành Giáo dục, khi làm hồ sơ đăng ký thi và xét tuyển, thông thường chỉ có khoảng 25% thí sinh cả nước không đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ, chỉ đăng ký thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp. Riêng Đồng Nai năm trước có 78% thí sinh đăng ký thi phục vụ xét tuyển ĐH-CĐ.
Theo lời khuyên của các chuyên gia tư vấn tuyển sinh, thí sinh chỉ nên đăng ký tối đa 5-6 nguyện vọng liên quan đến ngành mình thích, đến thế mạnh của bản thân. Tránh sử dụng quá nhiều nguyện vọng, dàn trải ở nhiều ngành nghề khác nhau, nhiều trường khác nhau. Bởi điều này không chỉ gây tốn kém mà còn làm cho chính các thí sinh thêm “rối”.
H. Yến
Tác giả: Lê Hải Yến
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập