Tháo gỡ điểm nghẽn để phát triển

Thứ tư - 27/09/2023 09:49
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Đông Nam bộ tuy là khu vực kinh tế lớn nhất, tạo ra sự năng động cho cộng đồng DN song hiện nay đang có nhiều thử thách đặt ra. Các điểm nghẽn cản trở sự phát triển kinh tế, xã hội nếu không sớm có giải pháp để tháo gỡ sẽ khiến cho tốc độ tăng trưởng của khu vực chậm lại, mất lợi thế cạnh tranh so với những địa phương khác.

Tháo gỡ điểm nghẽn logistics là điều rất cần thiết hiện nay
Tháo gỡ điểm nghẽn logistics là điều rất cần thiết hiện nay

Vẫn còn nhiều trở ngại

Trở ngại đầu tiên có thể nói đến là quỹ đất phát triển công nghiệp đang bị thu hẹp đáng kể. TPHCM dự kiến chỉ có 46ha đất “sạch” để cho nhà đầu tư thuê trong năm 2023. Số đất này lại nằm rải rác ở nhiều quận, huyện, không thể đón được nhà đầu tư lớn. Một số khu công nghiệp (KCN) như Hiệp Phước, hay KCN Tây Bắc Củ Chi còn hàng trăm ha đất, song chưa ký được hợp đồng thuê đất với Nhà nước.

Đồng Nai cũng đang gặp khó khăn tương tự về quỹ đất. Các KCN của Đồng Nai hầu như đã được lấp đầy; trong khi đó các KCN mới với diện tích hơn 7,1 ngàn ha phần lớn vẫn chưa thể xây dựng. Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng trong tình trạng tương tự còn Tây Ninh, Bình Phước có lợi thế hơn về quỹ đất, nhưng các KCN lại nằm rất xa cảng biển, sân bay nên cũng phần nào hạn chế.
 
Thứ hai là vấn đề logistics, hạ tầng giao thông giữa các địa phương chưa phát triển đồng bộ, dẫn đến chuỗi cung ứng nội vùng và ngoại vùng bị quá tải, giảm tính kết nối. Bên cạnh đó, tỷ lệ đô thị hóa cao với phần lớn lao động nhập cư đang đặt ra rất nhiều thách thức về cơ sở hạ tầng trong bối cảnh thiếu hụt nguồn vốn đầu tư công.
 
Quy hoạch đến năm 2030, vùng Đông Nam bộ có 970 km cao tốc nhưng mới chỉ kết nối được qua TP. HCM đến Đồng Nai, Bình Thuận về phía Bắc và Long An phía Tây Nam. Các tuyến khác như Biên Hòa-Vũng Tàu, Bến Lức-Long Thành, vành đai 3 đang trong quá trình xây dựng; một số tuyến quốc lộ dự kiến đến năm 2025 mới hoàn thành đưa vào khai thác, mới hóa giải phần nào thách thức về kết nối hạ tầng vùng.

Cần giải pháp đồng bộ

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng bộ phận nghiên cứu Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam nhận định, để nâng cao khả năng phát triển đồng bộ, cần tăng cường hơn các hoạt động thu hút vốn đầu tư, nâng cao tính tự chủ của địa phương trong việc vận hành cơ sở hạ tầng.
​ 
Theo đánh giá của các chuyên gia, Đông Nam bộ phải đi cùng nhau, thì mới phát huy được hiệu quả. Đặc biệt, cần thay đổi về nhận thức, tư duy trong liên kết phát triển vùng bảo đảm mỗi quyết sách, chủ trương của mỗi tỉnh, thành phố phải tính đến lợi ích chung, hướng đến mục tiêu vừa thúc đẩy phát triển toàn vùng, vừa thu hẹp khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa các địa phương.
 
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) thì dòng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Ông Phil Kyun Choi, Giám đốc phụ trách mảng điều hành DN Hàn Quốc tại Việt Nam nhận định, 2-3 năm trở lại đây, nhiều nhà máy từ Trung Quốc đã dịch chuyển sang các nước như: Indonesia, Philippines, Việt Nam. Điều quan trọng là phải nâng được nội lực của các nhà cung ứng nội địa tại Việt Nam, điều này thì rõ ràng so với Trung Quốc hay một số nước khác Việt Nam chưa thể bằng.

Tương tự, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai thì cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử cũng đặt ra nhiều bài toán vận hành tối ưu hơn, hiện đại hơn để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. DN nào chủ động hơn trong đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng quản lý số và tự động hóa trong vận hành, mô hình quản trị ngày càng chuyên nghiệp thì cơ hội thành công càng lớn và từng bước chen chân vào chuỗi cung ứng hàng hóa, sản phẩm quốc tế.

Tác giả: Bảo Nguyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây