(CTT-Đồng Nai) - UBND tỉnh vừa ban hành quyết định phê duyệt việc tiếp nhận khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài là dự án Nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng về sàng lọc, phát hiện sớm trẻ em có rối loạn phổ tự kỷ cho giáo viên mầm non và phụ huynh có con trong độ tuổi mầm non tại H.Cẩm Mỹ.

TS. Lê Minh Công, chuyên gia tâm lý lâm sàng đánh giá mức độ phát triển của trẻ tự kỷ tại Trung tâm trẻ tự kỷ Hoàng Đức (TP.Biên Hòa)
TS. Lê Minh Công, chuyên gia tâm lý lâm sàng đánh giá mức độ phát triển của trẻ tự kỷ tại Trung tâm trẻ tự kỷ Hoàng Đức (TP.Biên Hòa)
Cơ quan tài trợ là Tổ chức Saigon Children’s Charity CIO (SCC/Anh quốc). Tổng số vốn của dự án là gần 460 triệu đồng. Mục tiêu sẽ có 200 giáo viên mầm non, 200 phụ huynh được tập huấn về rối loạn phổ tự kỷ và biết cách sử dụng công cụ sàng lọc rối loạn phổ tự kỷ; 200 trẻ mầm non được sàng lọc rối loạn phổ tự kỷ.
Địa điểm thực hiện dự án tại các trường mầm non: Sông Ray, Xuân Đông, Xuân Tây, Hoa Sen thuộc H.Cẩm Mỹ. Thời gian thực hiện từ ngày 14-9-2023 đến ngày 31-12-2023.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức giao trách nhiệm cho Phòng GD-ĐT H.Cẩm Mỹ tiếp nhận khoản viện trợ là dự án nói trên, triển khai thực hiện theo đúng quy định.
Rối loạn phổ tự kỷ là căn bệnh có ảnh hưởng nghiêm trọng đến kỹ năng xã hội, hành vi và khả năng giao tiếp của một người. Nó thường xuất hiện khi trẻ dưới 2 tuổi và gây ra các trở ngại lớn cho sự phát triển của trẻ. Vì vậy, việc sàng lọc rối loạn phổ tự kỷ có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị căn bệnh này. Khi tự kỷ được phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp trẻ phát huy hết tiềm năng của mình.
Các dấu hiệu ban đầu của rối loạn phổ tự kỷ (ASD) thường bao gồm: Né tránh việc giao tiếp bằng mắt; ít quan tâm tới những người xung quanh, bao gồm cả bạn cùng trang lứa hoặc người chăm sóc; bị hạn chế khả năng sử dụng ngôn ngữ, chẳng hạn như khó sử dụng từ ngữ hoặc bí từ khi giao tiếp.
Ngoài ra, trẻ cảm thấy khó thích nghi hoặc khó chịu trước những thay đổi nhỏ trong thói quen hàng ngày.
Khi trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ trở thành thanh thiếu niên hoặc người lớn, chúng có thể gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển và duy trì mối quan hệ với người đồng trang lứa hay những người khác.
Ngoài ra, trẻ cũng có thể nhận được sự chăm sóc của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khi có các tình trạng xảy ra khác như rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn tăng động giảm chú ý, lo âu, rối loạn hành vi hoặc trầm cảm.
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cho biết, rối loạn phổ tự kỷ đôi khi có thể được phát hiện khi trẻ 18 tháng tuổi hoặc lớn hơn. Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo rằng tất cả trẻ em nên được sàng lọc tự kỷ và các trường hợp chậm phát triển hay khuyết tật khác khi được 9 tháng, 18 tháng và 30 tháng tuổi.
Có thể cần thực hiện sàng lọc bổ sung nếu trẻ có nguy cơ cao mắc các vấn đề về phát triển do nhẹ cân hoặc sinh non. Ngoài ra, trẻ em cũng nên được kiểm tra đặc biệt về rối loạn phổ tự kỵ trong các cuộc thăm khám sức khỏe định kỳ khi được 18 hoặc 24 tháng tuổi. Sàng lọc bổ sung nên được thực hiện khi trẻ có nguy cơ cao mắc rối loạn phổ tự kỷ, chẳng hạn như có anh/chị/em mắc rối loạn phổ tự kỷ hoặc khi trẻ có các triệu chứng của căn bệnh này.
Thông thường, các chuyên gia đều khuyến cáo rằng nên cho mọi trẻ em sàng lọc tự kỷ ở 18 và 24 tháng tuổi. Tuy nhiên, một số trẻ nên được sàng lọc rối loạn phổ tự kỷ ở độ tuổi sớm hơn nếu có các triệu chứng của ASD sau đây:
Không giao tiếp bằng mắt khi nói chuyện với người khác
Không đáp lại các cử chỉ hoặc nụ cười của người thân
Chậm nói hoặc lặp lại các từ mà không hiểu rõ nghĩa của chúng
Có các chuyển động cơ thể lặp đi lặp lại như xoay tròn hoặc vỗ tay
Có nỗi ám ảnh với một loại đồ vật hoặc đồ chơi cụ thể
Cảm thấy khó khăn khi thay đổi thói quen.

Giáo viên chăm sóc, dạy dỗ trẻ tự kỷ tại Trung tâm trẻ tự kỷ Hoàng Đức, TP.Biên Hòa
Giáo viên chăm sóc, dạy dỗ trẻ tự kỷ tại Trung tâm trẻ tự kỷ Hoàng Đức, TP.Biên Hòa
Ngoài ra, trẻ lớn hơn và người trưởng thành cũng có thể cần sàng lọc rối loạn phổ tự kỷ khi có các triệu chứng của rối loạn phổ tự kỷ và không được chẩn đoán khi còn bé, bao gồm:
Gặp sự cố khi giao tiếp
Cảm thấy choáng ngợp trong các tình huống xã hội
Cực kỳ quan tâm tới một chủ đề cụ thể nào đó
Có hành động hoặc chuyển động cơ thể lặp đi lặp lại.