(CTT- Đồng Nai) – Thời gian qua, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam năm 1999 (sửa đổi, bổ sung các năm 2008 và 2014)…cơ bản đáp ứng thực tiễn.
Song để xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và hiện đại từ năm 2030, Luật Sĩ quan cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số điều khoản cho sát thực tiễn; tạo động lực thu hút nhân lực đầu vào các học viện, nhà trường Quân đội, góp phần xây dựng QĐND Việt Nam tinh, gọn, mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Đại tá Vũ Văn Điền, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh khen thưởng lực lượng sĩ quan các đơn vị phối hợp hiệu quả trong đóng quân canh phòng
Đại tá Vũ Văn Điền, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh khen thưởng lực lượng sĩ quan các đơn vị phối hợp hiệu quả trong đóng quân canh phòng
*Cơ bản đáp ứng…
Tại khoản 2 Điều 35 Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam quy định có 4 hình thức thôi phục vụ tại ngũ đối với sĩ quan QĐND Việt Nam nhưng thực tế hiện nay, phần lớn họ đều nghỉ hưu. Ở một số đơn vị của Quân đoàn 4, qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam và thực tế ở các đơn vị cho thấy, đời sống của hầu hết cán bộ cấp trung tá trở xuống khi nghỉ hưu còn nhiều khó khăn vì lương hưu hạn chế, khó tìm việc làm thêm, trong khi vẫn phải lo toan nhiều bề…
Chính ủy Sư đoàn 309, Quân đoàn 4 (đóng tại TP.Biên Hòa), Đại tá Vũ Văn Tám cho rằng, khi được nghỉ hưu, sĩ quan cấp bậc trung tá, thiếu tá, đại úy thường có thời gian phục vụ trong Quân đội chưa đủ 35 năm, vì thế, lương hưu không được hưởng mức tối đa 75%, khiến cuộc sống của nhiều đồng chí rất khó khăn. Nếu chỉ dựa vào tiền lương hưu hằng tháng thì không thể bảo đảm nhu cầu cuộc sống bởi ở độ tuổi này, họ vẫn phải lo toan từ chi tiêu sinh hoạt, học tập của các con đến nuôi dưỡng cha mẹ già...
Đại tá Vũ Văn Tám nhấn mạnh “Sau khi xuất ngũ, nhiều đồng chí ở độ tuổi này thường đầu tư chăn nuôi, sản xuất, một số làm bảo vệ tại một số doanh nghiệp. Khi gặp gỡ, trao đổi và nghe ý kiến của cán bộ đã nghỉ hưu, đơn vị rất băn khoăn vì các ý kiến đều nêu lên những khó khăn, bất cập khi nghỉ hưu ở độ tuổi này”...
Thiếu tá Nguyễn Đăng Bình, ngụ xã Phước Khánh, H.Nhơn Trạch Sau 28 năm phục vụ trong quân đội, trải qua nhiều chức vụ khác nhau đã bộc bạch: “Chứng kiến nhiều đồng đội về hưu ở độ tuổi này rất khó tìm việc làm nên hơn 4 năm qua, tôi đã đầu tư kinh phí, thời gian xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi của gia đình. Thu nhập từ trang trại, sản xuất, chân nuôi không cao nhưng cùng với lương hưu cũng tạm đủ trang trải cuộc sống”…
Đại tá Trần Chí Tâm, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7 trong lần dự tổng kết Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam tại Đồng Nai đã đề nghị, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai tiếp tục nghiên cứu kỹ các điều khoản quy định tại Thông tư 08 - TT/BQP ngày 17-1-2020 của Bộ Quốc phòng “Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Điều 13, Điều 16 Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam về hạn tuổi của sĩ quan giữ chức vụ chỉ huy, quản lý; kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của sĩ quan; phong quân hàm học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan tại ngũ” (Thông tư 08) để kiến nghị, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi bổ sung sát thực tiễn hiện nay, nhất là về độ tuổi, trần quân hàm.
“Đối với cán bộ cấp trung tá, thiếu tá, đại úy lần lượt là 51, 48 và 46 tuổi. Sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ theo một trong các hình thức: Nghỉ hưu; chuyển ngành; phục viên; nghỉ theo chế độ bệnh binh. Ở độ tuổi này và với lĩnh vực đào tạo đặc thù, khi nghỉ hưu, họ rất khó tìm được việc làm thêm để cải thiện thu nhập, trong khi vẫn phải lo toan, gánh vác kinh tế gia đình...”, Đại tá Trần Chí Tâm nhấn mạnh…

Sĩ quan trẻ chuyên ngành đặc thù diễu hành trong lễ ra quân huấn luyện năm 2023
Sĩ quan trẻ chuyên ngành đặc thù diễu hành trong lễ ra quân huấn luyện năm 2023
*Tạo thuận lợi cho sĩ quan
Cũng theo Đại tá Trần Chí Tâm, để cán bộ, sĩ quan, nhất là sĩ quan trẻ yên tâm thực hiện nhiệm vụ, việc quan tâm làm tốt các chế độ, chính sách, trực tiếp là phải sửa đổi, bổ sung đưa vào Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam là rất cần thiết, nhất là cán bộ có cấp bậc hàm từ trung tá trở xuống...
“Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi bổ sung kịp thời Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam không chỉ giúp sĩ quan yên tâm công tác, cống hiến. Làm tốt nhiệm vụ này còn tạo thuận lợi để tạo nguồn tuyển sinh vào các học viện, nhà trường trong quân đội”, Đại tá Trần Chí Tâm khẳng định.
Cùng với đó, quy định tuổi phục vụ tại ngũ giữa Luật Sĩ quan, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, Luật Công an nhân dân chưa thống nhất. Quy định về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan; điều kiện phong, thăng quân hàm sĩ quan, thăng quân hàm sĩ quan trước niên hạn. Chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng lương trước niên hạn hệ số dưới 5,4 đối với quân nhân chuyên nghiệp và Sĩ quan còn bất cập.
Cùng với đó, quân nhân chuyên nghiệp với hệ số lương dưới 5,4 sau 2 năm được xét nâng bậc lương lên một bậc (2 bậc thì thăng quân hàm 1 cấp) nhưng sĩ quan có hệ số lương dưới 5,4 (trung uý, thượng uý, đại uý) là 3 năm; Hướng dẫn số 22/HD-CT ngày 5-1-2023 của Tổng Cục Chính trị về thăng quân hàm, nâng lương sĩ quan quy định: “Sĩ quan chỉ huy, quản lý đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được thăng quân hàm trước niên hạn (trong khi cấp đại đội, trung đội có trần quân hàm thiếu tá)...còn nhiều bất cập rất cần tập trung ý kiến để kiến nghị cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, giúp cán bộ, sĩ quan yên tâm làm nhiệm vụ.