Ghi nhận tại các cơ sở y tế trong tỉnh cho thấy, thời gian gần đây số ca mắc các bệnh SXH, sởi, tay - chân - miệng đều tăng. Ðặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã có 2 trường hợp tử vong do SXH. Trước tình hình trên, ngành Y tế đã có kế hoạch khẩn để kịp thời dập dịch, tránh để dịch bệnh bùng phát.
Nhiều ca bệnh nặng
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 2 ca tử vong do bệnh SXH. Gần đây nhất, bệnh nhân T.P.B.N. (22 tuổi, ngụ tại phường Tam Hiệp, TP. Biên Hòa) đã tử vong do SXH. Theo đó, sau 3 ngày bị bệnh và điều trị tại nhà, 5 giờ sáng ngày 28-8, bệnh nhân N. mới nhập viện Bệnh viện đa khoa (BVÐK) Ðồng Nai. Lúc này, bệnh nhân N. đã trong tình trạng hôn mê sâu, mạch, huyết áp đều bằng 0, tràn dịch màng phổi. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc SXH Dengue nặng thể xuất huyết và tiến hành cấp cứu: ép tim ngoài lồng ngực, đặt nội khí quản, truyền dịch NaCl 0,9%, xét nghiệm máu, huyết thanh…
Nhiều ca bệnh tay - chân - miệng, sởi nặng đang điều trị thở máy tại BV Nhi đồng Đồng Nai.
Tuy nhiên, đến 10 giờ sáng cùng ngày, bệnh nhân N. tiếp tục rơi vào hôn mê sâu, ngoại biên khó bắt, huyết áp không đo được, chảy máu rỉ rả nhiều nơi vùng bẹn, đùi 2 bên. Sau đó, bệnh nhân bị ngưng tim, các bác sĩ đã tiến hành hồi sinh tim phổi nhưng vô hiệu. Ðến gần 12 giờ ngày 28-8, bệnh nhân được người nhà xin đưa về và tử vong cùng ngày.
Ngoài bệnh SXH, những tuần gần đây, bệnh sởi, tay - chân - miệng cũng tăng nhanh chóng. Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tính từ đầu năm đến ngày 13-9, toàn tỉnh ghi nhận 64 ca bệnh sởi, sốt phát ban nghi sởi/rubella. Ðáng chú ý, từ tháng 7 đến nay, số ca bệnh sởi bắt đầu tăng mạnh. Trong đó, tháng 7 là 9 ca; tháng 8 là 23 ca và 13 ngày đầu tháng 9 là 24 ca. Những tháng trước đó chỉ có 1 - 2 ca, riêng tháng 6 không ghi nhận ca sởi nào. Các ca bệnh sởi tập trung nhiều tại các địa phương như: huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Xuân Lộc, và TP. Biên Hòa.
Bên cạnh đó, số ca bệnh sởi tăng liên tục, có 2 trường hợp bệnh chuyển nặng, phải thở máy. Ðó là bệnh nhi N.T.A.K., tạm trú tại xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch nhập viện do bệnh viêm phổi và sởi ngày 6-9. Tình trạng bệnh của bé K. ngày càng diễn tiến nặng nên 2 ngày sau nhập viện, bác sĩ đã phải đặt máy thở cho bé. Hiện nay, các bác sĩ của Bệnh viện (BV) Nhi đồng Ðồng Nai vẫn đang tích cực điều trị cho bé K.
Tính từ đầu năm đến ngày 13-9, toàn tỉnh ghi nhận 5.330 ca bệnh tay - chân - miệng. Ðặc biệt, chỉ trong 2 tuần đầu tháng 9 đã có hơn 1.000 ca mắc bệnh. Khác với các năm trước, năm nay, bệnh tay - chân - miệng có những diễn tiến bất thường. Trong những tuần gần đây, có những ca bệnh nặng liên tục phải nhập viện. BS. Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, BV Nhi đồng Ðồng Nai đánh giá, trong 3 năm gần đây, năm nay, bệnh tay - chân - miệng tăng đột biến và có nhiều ca bệnh nặng. Nhiều ca diễn tiến nặng rất nhanh. Ðiều này có thể do độc lực của vi rút gây bệnh mạnh hơn. Mỗi ngày, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc của BV tiếp nhận đến vài ca bệnh nặng.
Xử lý nhanh các ổ dịch
Ngay khi có bệnh nhân SXH tử vong, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế TP. Biên Hòa làm việc với UBND phường Thống Nhất (nơi bệnh nhân sinh sống) xác định ổ dịch, lập kế hoạch xử lý ổ dịch, gồm: tổ chức diệt lăng quăng kết hợp phun hóa chất diệt muỗi chống dịch xung quanh nhà bệnh nhân với bán kính 200m. Ngoài ra, ngành Y tế cũng theo dõi tình hình ca bệnh SXH và các chỉ số côn trùng tại khu vực xử lý ổ dịch và các khu phố khác của phường trong vòng 14 ngày sau khi phun hóa chất diệt muỗi… Bệnh SXH không phân biệt lứa tuổi, ai cũng có khả năng mắc phải, trong đó 2 ca tử vong do SXH đều là người lớn.
Ðối với bệnh sởi, theo BS. Trần Minh Hòa, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, mỗi ca bệnh là một ổ dịch. Từ tháng 8 đến nay, các ca bệnh có xu hướng tăng liên tục và trải đều tại tất cả các huyện trong toàn tỉnh. Trong số các ca mắc bệnh sởi năm nay, có đến 1/3 số trẻ chưa đến lịch tiêm chủng (dưới 9 tháng tuổi) đã mắc bệnh. Trong khoảng 30 năm nay, bệnh sởi giảm rõ rệt nhờ có vắc xin phòng bệnh. Việt Nam đã dự định loại trừ bệnh sởi từ năm 2010 nhưng những năm gần đây, bệnh quay trở lại. “Sởi có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp. Ai chưa có miễn dịch sởi đều có khả năng bị bệnh. Hơn nữa, hiện nay học sinh đã vào năm học nên việc phòng tránh bệnh rất khó khăn”, BS.Hòa nói.
Trước nhiều dịch bệnh liên tục xảy ra trong thời gian qua, ngành Y tế dự phòng đã có kế hoạch khẩn để dập dịch. Trong đó, dịch sởi, tay - chân - miệng khi còn ở quy mô nhỏ, ngành Y tế phải tiến hành kiểm soát. “Chỉ trong 3 ngày, chúng tôi phải lập xong kế hoạch dập dịch sởi, tay - chân - miệng cho toàn tỉnh. Ðiều này không hề dễ dàng. Kế hoạch này phải dựa vào nguồn lực của địa phương, thực hiện đúng chuyên môn theo Bộ Y tế, đảm bảo đủ vắc xin, hóa chất…”, BS. Hòa nói.
Ðể dập dịch, hệ dự phòng sẽ tiến hành chiến dịch khử trùng tại trường học và hộ gia đình ở các huyện “nóng” về sởi, tay - chân - miệng như TP. Biên Hòa, huyện Long Thành, Nhơn Trạch. Nhân viên y tế sẽ đến tận các trường học, hộ gia đình để xử lý ổ dịch, truyền thông, phun hóa chất, lau rửa dụng cụ đồ chơi…
Trung tâm Y tế dự phòng cũng đề xuất tiêm vắc xin sởi, rubella cho khoảng trên 350.000 trẻ từ 1 đến 15 tuổi trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, toàn tỉnh cũng phải mua vài chục tấn bột Cloramin B để tẩy trùng tất cả các trường học mẫu giáo, tiểu học trên toàn tỉnh. Trước đây, ngành Y tế cũng tiến hành những chiến dịch dập dịch tương tự nên có nhiều kinh nghiệm. Cụ thể, năm 2014, ngành Y tế tiến hành khử trùng tại các trường mẫu giáo và 150.000 hộ gia đình để dập dịch tay - chân - miệng. Năm 2015, Trung tâm Y tế dự phòng đã tiêm vắc xin sởi, rubella cho 600.000 trẻ. “Dập dịch trên quy mô lớn, nhanh và mạnh, ở đúng đối tượng đều mang lại hiệu quả tốt”, BS. Hòa nhấn mạnh.
Cần tiêm vắc xin phòng bệnh
Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, các ổ dịch tay - chân - miệng, sởi và SXH tập trung đông tại các khu nhà trọ, đông công nhân ở những địa phương có nhiều khu công nghiệp như: TP. Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch... Khi trẻ mới bị bệnh những ngày đầu, bố mẹ không thể nghỉ làm trông con mà vẫn gửi vào các nhà trẻ. Từ đây, mầm bệnh bắt đầu lây lan. Vì vậy, ngoài xử lý ổ dịch, việc tiêm vắc xin đóng vai trò rất quan trọng.
Khánh Ngọc
Tác giả: Phạm Thị Bích Nhàn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập