Dấu xưa bên dòng Đồng Nai

Thứ hai - 17/09/2018 00:54
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai có quá trình hình thành và phát triển hơn 320 năm, gắn liền với lịch sử mở cõi của vùng đất Nam bộ. Từ buổi đầu khai hoang lập ấp, Đồng Nai đã nhanh chóng trở thành vùng đất trù phú, là trung tâm giao thương, buôn bán sầm uất của xứ Đàng trong. Bởi vậy, những công trình kiến trúc, nhà ở cũng phát triển ở mức tương xứng, phản ánh nét văn hóa đặc thù của cộng đồng cư dân sinh sống trên vùng đất này.​

Bên dòng Đồng Nai hiền hòa, dẫu trải qua bao thời cuộc, những ngôi nhà cổ, công trình cổ với kiến trúc độc đáo, tinh túy của người xưa vẫn trầm mặc in bóng thời gian, góp phần không nhỏ trong việc cân bằng nhịp sống và sự phát triển của đô thị ở Biên Hòa hôm nay.

Dấu xưa…

Giữa tháng 9, tiết trời thay đổi, nắng đổ lửa rồi mưa bất chợt. Chúng tôi có dịp đến thăm ngôi nhà cổ nổi tiếng Trần Ngọc Du (phường Tân Vạn, TP. Biên Hòa) do gia đình bà Trần Ngọc Kim Hòa (Cháu đời thứ 5 của cụ Trần Ngọc Du) trông coi và gìn giữ. Ngôi nhà cổ nằm bên dòng sông Đồng Nai hiền hòa. Đến đây, du khách được gặp lại những nét Việt xưa, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của ngôi nhà đã có hơn 100 năm tuổi này.

Vừa rót nước pha trà, bà Kim Hòa vừa giải thích cặn kẽ từng chi tiết về ngôi nhà cổ và các đời con, cháu từng “tiếp quản” nhà cổ. Bà kể, ngôi nhà cổ này do cụ cố của bà, vốn là tri huyện Phước Chánh, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa (cũ) xây dựng từ năm 1900 trên mảnh đất hương hỏa của dòng tộc họ Trần. Nhà có tổng diện tích khoảng 1.200m2, được thiết kế 3 gian, hai chái; mái lợp ngói âm dương, nền lót gạch tàu hướng quay mặt ra sông, có ruộng, vườn. Bên trong nhà, phòng khách và gian thờ ông bà tổ tiên, hai gian chái phần phía sau là buồng ngủ. Phần nhà dưới là nơi sinh hoạt hằng ngày của gia đình.

 
Bà Trần Ngọc Kim Hòa (cháu đời thứ 5 của cụ Trần Ngọc Du, thứ 2 từ trái qua) đang giới thiệu ngôi nhà cổ với du khách.

“Ngôi nhà là tài sản ông bà để lại, nên con cháu chúng tôi hết đời này đến đời khác thay nhau gìn giữ như một tài sản quý, góp phần làm giàu đẹp thêm cho vốn văn hóa của mảnh đất và con người Đồng Nai. Cứ thế, lớp trước đi qua, lớp sau kế tiếp. Hằng năm, con cháu dòng họ Trần đều tề tựu về đây thắp nén hương lên bàn thờ, tưởng nhớ công đức của tổ tiên, động viên nhau ra sức học hành, làm ăn xây dựng quê hương”, bà Kim Hòa tự hào nói.

Nằm trong hệ thống các điểm du lịch dọc tuyến sông Đồng Nai, Nhà lầu ông phủ Võ Hà Thanh (phường Bửu Long, TP. Biên Hòa) cũng được xem là ngôi nhà có kiến trúc độc đáo, xây dựng cách đây gần 100 năm. Theo các tài liệu, tòa nhà được xây dựng năm 1922 bằng gạch theo kiểu kiến trúc Pháp, tương tự tòa bố Biên Hòa, hướng mặt ra sông Đồng Nai. Đến năm 1947, quan đốc phủ sứ tỉnh Biên Hòa Võ Hà Thanh qua đời, con cháu lập khu lăng mộ với kiến trúc đá có tính nghệ thuật cao, nằm ngay trên đường vào khu Văn Miếu Trấn Biên. Bởi lối kiến trúc độc đáo, ngôi nhà này đã được tận dụng làm bối cảnh trong một số bộ phim như “Người đẹp Tây Đô”, “Bóng ma học đường”…

Bảo tồn và phát huy

Theo số liệu khảo sát của Ban quản lý di tích danh thắng Đồng Nai, hiện toàn tỉnh có khoảng 401 ngôi nhà ở truyền thống được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX và những năm đầu thế kỷ XX. Trong đó, có 76 nhà có niên đại xây dựng trước năm 1900, đa phần tập trung tại một số khu vực từng là thị tứ đông đúc xưa kia như: Bến Gỗ, Cù lao Phố hay Bến Cá… Đó là những “nhân chứng” của quá trình phát triển, là quá khứ của một làng, một đô thị và rộng hơn là một vùng, một dân tộc.

Tuy nhiên, trong xã hội đương đại, những mái nhà xưa thưa vắng dần. Một số gia đình kinh tế khó khăn, không có điều kiện để giữ gìn, tu bổ ngôi nhà cổ cha ông để lại, nên đành tháo dỡ đem bán cho những người săn lùng đồ cổ. Có người thấy nhà cổ xuống cấp, không muốn trùng tu, nên tháo dỡ, xây nhà mới hiện đại… Dấu xưa của những ngôi nhà cổ theo đó cũng đang dần mất đi. Vì thế, việc bảo tồn, phát huy giá trị nhà cổ, công trình kiến trúc cổ là hết sức cần thiết, thể hiện sự trân trọng những gì ông cha để lại, đồng thời lưu giữ vốn quý cho hôm nay và mai sau.

Với hệ thống nhà cổ, kiến trúc cổ trải dọc tuyến sông Đồng Nai, có thể thấy tiềm năng của các công trình này là rất lớn nếu được bảo tồn và phát huy. Theo TS. Nguyễn Văn Quyết (giảng viên Trường đại học Đồng Nai), trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nhà cổ, công trình kiến trúc cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ cho chủ nhân các ngôi nhà; đồng thời khảo sát chi tiết những ngôi nhà đang xuống cấp, đặc biệt là các nhà cổ đã được công nhận là di tích, trùng tu, tôn tạo sao cho phù hợp.

“Nhà cổ và những công trình kiến trúc bên bờ sông Đồng Nai không chỉ là dấu tích, là niềm tự hào của một gia đình, một dòng họ, mà còn lưu giữ nét văn hóa một thời. Do vậy, trong lộ trình bảo tồn và phát huy giá trị di tích không thể thiếu gắn kết với phát triển du lịch tạo thành điểm nhấn hấp dẫn thu hút du khách khi đến Đồng Nai. Thiết nghĩ, việc nghiên cứu, xây dựng các tour theo hướng du khách được trải nghiệm trong không gian xưa để hiểu hơn những giá trị văn hóa mà nó vốn có là điều hết sức cần thiết”, TS. Nguyễn Văn Quyết chia sẻ.

Ly Na

Tác giả: Phạm My Ny

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây