Khởi sắc “đầu vào” trường nghề

Thứ hai - 17/09/2018 00:42
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Trước đây, vào đại học là ước mơ số 1 của đa số học sinh và là mong muốn của nhiều phụ huynh sau khi con tốt nghiệp THPT; học nghề thường là lựa chọn cuối cùng. Thế nhưng, quan niệm này đã dần thay đổi khi nhiều học sinh chủ động chọn học nghề khi tốt nghiệp THPT hoặc vừa học nghề, vừa học văn hóa hệ phổ thông. Điều này đã tạo nên sự khởi sắc về “đầu vào” của các trường nghề.​

Tín hiệu tích cực từ “đầu vào”

Những năm trước, việc tuyển sinh đào nghề ở Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai (huyện Long Thành) phải kéo dài đến hết tháng 12, thậm chí tháng 2 của năm sau. Thế nhưng, năm nay, một điều khá bất ngờ là dù mới vào đầu kỳ tuyển sinh (sau kết thúc tuyển sinh đại học mới là mùa tuyển sinh của trường nghề) nhưng trường đã nhận được gần 2.000 hồ sơ đăng ký học nghề, cao hơn số lượng học viên đăng ký của năm 2016. Việc chủ động đổi mới chất lượng đào tạo, đào tạo theo nhu cầu thị trường, hỗ trợ người học tìm kiếm việc làm... là lý do tạo nên sự hấp dẫn của trường nghề với phụ huynh và học sinh.

Ông Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai cho biết, vài năm trở lại đây, số lượng tuyển mới các hệ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng đều tăng, mức tăng khoảng 10%. Cụ thể, năm học 2017 - 2018 tuyển mới gần 2.560 chỉ tiêu (tăng hơn 30% so với năm học trước), năm nay, trường đã tuyển được gần 2.000 học viên và sẽ tiếp tục tuyển sinh đến giữa tháng 11. Điều đáng nói là số lượng hồ sơ đăng ký hệ vừa học văn hóa, vừa học nghề tăng nhanh, năm học 2017 - 2018 tăng 38% so với năm học trước. Hiện có khoảng 200 học sinh vừa học văn hóa, vừa học nghề. Năm học này trường đang tiếp tục tuyển sinh nên chưa có con số đầy đủ nhưng dự báo rất tốt.


 Em Phạm Thanh Trung vừa học văn hóa vừa học trung cấp cơ khí tại Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai.

Cũng theo ông Lê Anh Đức, số lượng tuyển mới các trường nghề những năm gần đây đỡ “ảm đạm” hơn trước. Nguyên nhân ngoài công tác hướng nghiệp, các trường đã không ngừng đầu tư vào chất lượng đào tạo, hỗ trợ đầu ra cho các học viên. Về phía nhà trường đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp đào tạo theo nhu cầu, theo đơn đặt hàng để học viên, sinh viên ra trường có việc làm ngay. Bên cạnh đó, một bộ phận phụ huynh và học sinh đã “cởi bỏ” tâm lý bằng cấp, thay vì đặt áp lực lên việc phải kiên trì thi đậu đại học như trước đây, nhiều phụ huynh và học sinh đã chủ động chọn vừa học văn hóa vừa học nghề để giảm gánh nặng chi phí học tập, rút ngắn thời gian học. Điều thuận lợi là sau khi hoàn thành chương trình học ở trường nghề, nếu có nhu cầu học sinh vẫn có thể đăng ký thi cao đẳng, đại học như chương trình THPT chính thống.

Em Phạm Thanh Trung, 16 tuổi, xã Tam Phước, TP. Biên Hòa đang vừa học văn hóa vừa học trung cấp cơ khí tại Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai cho biết lý do chọn học văn hóa song song với học nghề: “Em thấy học như thế này vừa tiết kiệm thời gian, vừa tiết kiệm chi phí. Thay vì phải mất 3 năm học THPT, 2 năm học nghề, khoảng 2 năm nữa thôi em sẽ có cơ hội nhận cùng lúc bằng tốt nghiệp phổ thông, trung cấp nghề cơ khí. Việc học nghề sớm giúp em định hướng được nghề nghiệp cho tương lai. Được cùng các thầy cô, anh chị đi tham quan, thực hành tại các doanh nghiệp. Em nghĩ nghề này phù hợp với sở thích của bản thân và sẽ quyết tâm hoàn thành khóa học. Mong muốn của em là ra trường tìm một công việc, có thu nhập ổn định rồi sẽ học nâng cao hơn”.

Còn tại Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai (TP. Biên Hòa) số lượng hồ sơ đăng ký học nghề cũng tăng. Trung bình mỗi năm trường tuyển sinh hệ dài hạn từ 1.800 - 2.000 học sinh, sinh viên; hệ ngắn hạn và sơ cấp nghề từ 300 - 500 học viên. Hiện tại trường có khoảng 4.000 học viên (không tính sơ cấp nghề) đang theo học 14 nghề. Năm học 2018 - 2019 trường đã tuyển được khoảng 1.900 học viên và đang tiếp tục tuyển. Để đáp ứng số lượng học viên tăng thêm hàng năm và nâng cao chất lượng đào tạo, trường đã liên kết với Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học một số ngành theo nguyện vọng của sinh viên; liên kết với Công ty Esuhai đào tạo kỹ năng mềm và định hướng cho sinh viên đi Nhật Bản học tập và làm việc; năm 2017 tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí để trường đầu tư trang thiết bị dạy học.

Để trường nghề thu hút học viên

Thực tế cho thấy, nhờ sự nỗ lực của các trường, số lượng học viên theo học nghề đang tăng, tuy nhiên, con số vẫn còn khiêm tốn. Công tác tuyển sinh vào các trường nghề nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nổi bật là việc phân luồng chưa hiệu quả, còn nặng bằng cấp, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng đào tạo chưa cao, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ…

Tại buổi làm việc với Sở LĐ-TBXH về tình hình thực hiện các dự án chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn lao động cuối tuần qua, Phó trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Huỳnh Ngọc Kim Mai cho rằng, các trường nói rất nhiều về liên kết đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp, nhưng có một thực tế là cơ sở vật chất của nhiều trường nghề không theo kịp được công nghệ của doanh nghiệp. Như vậy thì không đảm bảo chất lượng cũng như chưa đáp ứng yêu cầu. Để doanh nghiệp có trách nhiệm, chủ động hợp tác và hỗ trợ nhà trường đào tạo nghề thì vấn đề cơ sở vật chất, trình độ đội ngũ giảng dạy phải được đặt lên hàng đầu. Nghịch lý là, có trường cơ sở vật chất nhiều nhưng số lượng học viên chưa đảm bảo.


Các học viên, sinh viên tại phòng thực hành ngành điện, Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai.

Cũng tại buổi làm việc này, nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông, Giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo Huỳnh Lệ Giang cho biết, Sở rất quan tâm, đẩy mạnh hướng nghiệp trong trường phổ thông để học sinh có định hướng chọn nghề sớm. Trong đó, tập trung tư vấn phân luồng giúp các em nhận thức được lợi ích của học nghề để chủ động chọn học nghề chứ không đợi đến lúc không vào được lớp 10 công lập hay đại học mới chọn học nghề. Tuy nhiên, chỉ Sở hướng nghiệp thôi thì chưa đủ mà cần có sự phối hợp với các ngành, các tổ chức đoàn thể trong tư vấn, hướng nghiệp và quảng bá đào tạo nghề.

Nhiều ý kiến cho rằng, để rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tế, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, từng bước khẳng định vai trò của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, một trong những giải pháp quan trọng là quy hoạch lại hệ thống trường nghề. Bên cạnh đó, các trường đào tạo nghề cũng phải tự khẳng định thương hiệu với xã hội bằng việc nâng cao chất lượng đào tạo, để người học ra trường có việc làm tốt, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.

Theo Phó trưởng phòng Đào tạo Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai Lê Đình Long, từ năm học 2017 - 2018 trường tập trung đầu tư hơn cho thiết bị dạy và học; trường cũng liên kết với Liên đoàn các doanh nghiệp Na Uy hỗ trợ đào tạo nghề; liên kết với khoảng 170 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ đưa sinh viên đến doanh nghiệp thực tập, mời doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo để sinh viên ra trường có thể đáp ứng tốt yêu cầu vị trí việc làm cho chính doanh nghiệp.

Điểm mới trong nâng cao chất lượng đào tạo năm học qua là trường làm khảo sát về chương trình đào tạo, về giảng viên và mức độ hài lòng của người học. Theo đó, trường sẽ mời những sinh viên, học viên đã tốt nghiệp đi làm đánh giá nội dung chương trình học, phần nào cần tập trung, bổ sung, phần nào phải thay đổi hoặc cắt bớt để các giáo viên phụ trách biết và điều chỉnh nội dung giảng dạy cho phù hợp. Các giáo viên được đánh giá chưa cao cũng phải tự thay đổi. Không chỉ là đào tạo nghề cho sinh viên, đội ngũ giáo viên, giảng viên phải truyền cảm hứng, đam mê nghề nghiệp giúp người học gắn bó, an tâm theo đuổi con đường nghề nghiệp.

Giám đốc Sở LĐ-TBXH Huỳnh Văn Tịnh cho rằng, để đứng vững và phát triển, các trường nghề cần đặc biệt chú trọng đến việc nâng chất lượng đào tạo. Ngoài cập nhật chương trình học, trang bị cơ sở vật chất phù hợp thực tế, các trường cần liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng đầu ra. Trong thời kỳ hội nhập, các trường chú trọng đào tạo ngoại ngữ và kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên. Trách nhiệm của Sở sẽ làm tốt hơn nữa việc dự báo thông tin thị trường lao động, nhu cầu nhân lực của tỉnh để các trường có căn cứ cân đối, phát triển ngành nghề đào tạo phù hợp.

Nhu cầu nhân lực có trình độ kỹ thuật tăng

Theo Sở LĐ-TBXH, Đồng Nai hiện có khoảng 50 trường cao đẳng, 65 trường trung cấp nghề (chưa tính các cơ sở đào tạo ngắn hạn), góp phần mở rộng quy mô, đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Thị trường lao động của tỉnh đang phát triển và nhu cầu nhân lực có trình độ kỹ thuật thuộc các ngành ô tô, điện, cơ khí, hàn... sẽ tăng mạnh trong một vài năm tới. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, người học phải có trình độ ngoại ngữ, tin học và một số kỹ năng mềm khác mới có thể đáp ứng yêu cầu công việc trong tương lai. 

B. Mai

Tác giả: Nguyễn Thị Lộc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây