Để góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp ở nông thôn, Đồng Nai đã quy hoạch 27 cụm công nghiệp (CCN) chủ yếu trên địa bàn các huyện. Sau nhiều năm, đến nay, công tác xây dựng hạ tầng CCN vẫn tương đối chậm, trong đó có 3 CCN hiện đang vướng đất cao su. Vướng mắc chủ yếu là tỷ lệ góp vốn xây dựng hạ tầng giữa ngành Cao su với các chủ đầu tư, vị trí xây dựng cụm và giá bồi thường…
Ngày 14-6 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, địa phương nhằm bàn giải pháp tháo gỡ những vướng mắc của các CCN liên quan đến đất cao su.
3 cụm công nghiệp vướng đất cao su
Tại huyện Thống Nhất, CCN Quang Trung được quy hoạch rộng gần 80 ha ở xã Quang Trung, do Công ty TNHH cơ khí thương mại xây dựng Đại Dũng (TP. Hồ Chí Minh) đăng ký đầu tư. CCN này đã có văn bản thỏa thuận địa điểm của cơ quan chức năng từ năm 2007 và từ năm 2009 đã hoàn thiện thủ tục pháp lý về đầu tư.
Theo tiến độ đăng ký đầu tư, đến hết năm 2015 sẽ đền bù, giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án, thi công hạ tầng và hệ thống xử lý nước thải. Đến hết năm 2016 sẽ thi công hoàn tất các hạng mục công trình để thu hút các doanh nghiệp thuê đất sản xuất. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, CCN này vẫn chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân là do giữa Công ty Đại Dũng và Tổng công ty Cao su Đồng Nai (Donaruco) còn vướng mắc về tỷ lệ góp vốn.
Theo kế hoạch ban đầu, Công ty Đại Dũng làm chủ đầu tư 100%. Năm 2009, UBND huyện Thống Nhất đã phê duyệt phương án bồi thường, Công ty Đại Dũng cũng chuyển tiền để chi trả cho Donaruco nhưng đơn vị này không nhận mà đề nghị góp vốn liên doanh theo ý kiến của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam. Theo đó, tỷ lệ góp vốn là Donaruco 30% (góp vốn bằng đất) và Công ty Đại Dũng 70%.
Đến năm 2016, ngành Cao su lại tiếp tục đề nghị thay đổi tỷ lệ góp vốn với Donaruco 51% và Đại Dũng 49% nhưng Công ty Đại Dũng không đồng ý vì cho rằng, đây là dự án mà doanh nghiệp đề xuất đầu tư, theo đuổi nhiều năm và có đủ khả năng thực hiện nhưng cuối cùng chỉ là nhà đầu tư phụ là không hợp lý. Do đó, tháng 12-2017, Công ty Đại Dũng có văn bản đề nghị Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam để công ty tự đầu tư 100% bằng nguồn vốn tự có, điều này nhằm chủ động trong xây dựng hạ tầng cũng như thu hút đầu tư sau này. Hiện tại, các bên vẫn đang làm việc để có sự thống nhất và tiến hành kế hoạch chi trả bồi thường.
Sự “dùng dằng” nói trên giữa 2 bên đã làm kéo dài tiến trình thành lập CCN Quang Trung. Sau nhiều năm triển khai, đến nay nhà đầu tư mới chi trả bồi thường được 4.300m2 đất của các hộ dân, phần lớn diện tích còn lại thuộc ngành Cao cu quản lý vẫn “án binh bất động”.
Tương tự, dự án CCN Long Giao, huyện Cẩm Mỹ được quy hoạch từ năm 2007, đến nay, sau 11 năm vẫn chưa triển khai được. Nguyên nhân cũng do chưa thống nhất bàn giao diện tích đất cao su để đầu tư xây dựng hạ tầng.
Ngày 21-2-2018, Công ty TNHH Hoàng Hà đã được UBND tỉnh ghi nhận là doanh nghiệp lập hồ sơ đề xuất để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư CCN Long Giao. Đến ngày 24-5, Công ty Hồng Hà có văn bản trình UBND tỉnh đề xuất dự án xây dựng đường vào CCN Long Giao theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Phương thức thu hồi vốn bằng quỹ đất thuộc phạm vi dự án đầu tư hạ tầng CCN thực hiện theo nguyên tắc ngang giá. Hiện Sở Kế hoạch - đầu tư đang lấy ý kiến các sở, ngành về vấn đề này.
Một dự án khác là CCN An Viễn, huyện Trảng Bom đã được quy hoạch chi tiết từ năm 2005. Năm 2016, UBND tỉnh có văn bản thỏa thuận địa điểm cho Công ty cổ phần kiến trúc và nội thất Nano (Công ty Nano) tại xã An Viễng với diện tích 50 ha. Tuy nhiên, theo Công ty Nano, do giá đất tại vị trí quy hoạch CCN đang biến động theo giá thị trường, tăng rất cao nên doanh nghiệp không thỏa thuận được với người dân. “Hiện giá đền bù tiếp tục biến động theo hướng tăng cao, hơn 5 tỷ đồng/ha. Với mức giá đền bù này sẽ không hiệu quả để triển khai. Do đó, chúng tôi kiến nghị tỉnh chấp thuận thay đổi địa điểm của CCN từ xã An Viễng sang vị trí mới tại Ấp Tân Thịnh, xã đồi 61, huyện Trảng Bom để công ty có khả năng tiếp tục thực hiện dự án. Khu vực này cũng thuộc Donaruco quản lý nhưng giá đất thấp hơn”, ông Lê Xuân Quân, đại diện Công ty Nano kiến nghị.
Sớm làm việc với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, trong khi biên độ phát triển khu công nghiệp ở khu vực trung tâm tỉnh đang hẹp lại thì chủ trương xây dựng các CCN để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn là hết sức cần thiết trong thời điểm hiện nay. Đơn cử như huyện Thống Nhất, ngoài Khu công nghiệp Dầu Giây mới chỉ có CCN Hưng Lộc gần 42 ha. Việc sớm có CCN Quang Trung sẽ thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển ngành nghề và giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Tuy nhiên, sự “dùng dằng” giữa các bên khiến cho việc đầu tư hình thành mới các CCN kéo dài, vừa gây tốn kém cho doanh nghiệp vừa lãng phí thời gian phát triển.
Tuy nhiên, theo đại diện Donaruco, dù là đơn vị quản lý diện tích quy hoạch các CCN nói trên song thẩm quyền quyết định các vấn đề liên quan lại phụ thuộc vào Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam. Donaruco chỉ có thể thực hiện sau khi có ý kiến chỉ đạo của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam do đó các sở, ngành và UBND tỉnh cần làm việc lại với Tập đoàn để thống nhất các chi tiết liên quan.
Để sớm tháo gỡ những khó khăn trên, Giám đốc Sở Công Thương Dương Minh Dũng kiến nghị UBND tỉnh cần sớm chủ trì 1 buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và chủ đầu tư dự án các CCN có liên quan. Về CCN Quang Trung, cần thống nhất thỏa thuận tỷ lệ góp vốn xây dựng giữa tập đoàn với Công ty Đại Dũng và khả năng triển khai dự án vì quá trình thực hiện đã kéo dài quá lâu. Đối với CCN Long Giao, đề nghị Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam thống nhất bàn giao đất để đầu tư hạ tầng CCN và xây dựng đường giao thông kết nối vào diện tích đã quy hoạch. Với CCN An Viễn, cần sớm thống nhất vấn đề thay đổi địa điểm dự án để chủ đầu tư sớm triển khai các thủ tục thực hiện.
Tại buổi làm việc ngày 14-6 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh đã chỉ đạo Sở Công thương phối hợp Văn phòng UBND tỉnh và Donaruco sắp xếp để làm việc với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam về những vấn đề đang đặt đặt ra. “Quan điểm rõ ràng của tỉnh là ưu tiên phát triển các CCN nên cần được ngành Cao su ủng hộ và tiến hành giao đất cho tỉnh. Đề nghị trong tháng 7 tới phải sắp xếp thời gian làm việc của UBND tỉnh với tập đoàn. Những vấn đề liên quan sẽ được cho ý kiến giải quyết thống nhất trong buổi họp này”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh yêu cầu.
Vương Thế
Tác giả: Vương Văn Thế
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập