Cùng với sự phát triển của báo chí cả nước, trong những năm qua báo chí Ðồng Nai đã có những bước tiến đáng ghi nhận, đồng hành và góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Ðồng Nai Nguyễn Tôn Hoàn đã có những chia sẻ về kết quả hoạt động báo chí Ðồng Nai cũng như định hướng phát triển trong thời gian tới.
* P.V: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về hoạt động báo chí Ðồng Nai trong thời gian qua?
- Ông Nguyễn Tôn Hoàn: Năm 2017 là năm đời sống báo chí hết sức sôi động, hòa cùng dòng chảy của báo chí cả nước, báo chí Ðồng Nai tiếp tục thể hiện tốt vai trò là tiếng nói của Ðảng bộ, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Các cơ quan báo chí trong tỉnh đã bám sát tôn chỉ mục đích, các chủ trương, định hướng của Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh; tập trung tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị của địa phương; phản ánh trung thực, sinh động đời sống kinh tế - xã hội, động viên, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra.
Bên cạnh đó, báo chí tỉnh nhà đã tích cực cùng với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội; đấu tranh với những hành vi tham nhũng, tiêu cực, góp phần tạo sự đồng thuận, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng, sự điều hành của Nhà nước; tiếp tục là lực lượng đi đầu phản bác các quan điểm, thông tin sai trái của các thế lực thù địch và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên…
Trước xu hướng liên tục đổi mới và phát triển của báo chí hiện đại, các cơ quan báo chí trong tỉnh cũng đã chú trọng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ, nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí nhằm thu hút công chúng. Cùng với đó, đội ngũ những người làm báo tỉnh nhà không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Hầu hết đều được đào tạo cơ bản, có phẩm chất chính trị vững vàng, có ý thức rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Ðội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên ngày càng trẻ hóa, phát huy tính tích cực, sáng tạo trong tác nghiệp. Ðặc biệt trong năm qua đã có nhiều tác phẩm báo chí trong tỉnh đoạt giải Báo chí quốc gia, giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng Búa liềm vàng và nhiều cuộc thi của các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Ðiều này cho thấy chất lượng tác phẩm báo chí trong tỉnh đã có những tiến bộ đáng mừng.
* P.V: Bên cạnh những kết quả nổi bật mà báo chí tỉnh nhà đạt được trong năm qua, hoạt động báo chí của tỉnh có hạn chế nào không, thưa ông?
- Ông Nguyễn Tôn Hoàn: Mặc dù đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, bắt kịp với đà phát triển của báo chí khu vực Ðông Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung, thế nhưng báo chí Ðồng Nai vẫn còn nhiều hạn chế, thách thức. Có thể nói, hoạt động báo chí đã đáp ứng cơ bản nhu cầu thông tin của công chúng trong tỉnh, tuy nhiên, báo chí Ðồng Nai còn thiếu những tác phẩm lớn, thu hút sự quan tâm và có sức tác động mạnh mẽ trong xã hội.
Trước bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay thì việc thích ứng và đổi mới để bắt kịp với xu hướng làm báo hiện đại, việc ứng dụng công nghệ vào xuất bản báo chí tại các cơ quan báo chí trong tỉnh vẫn còn chậm. Cách chuyển tải thông tin của một số cơ quan báo chí vẫn còn nặng tính truyền thống, đôi lúc chưa kịp thời và thiếu hấp dẫn đối với bạn đọc. Ðối với đội ngũ người làm báo đã có sự trưởng thành về chuyên môn, nghiệp vụ song vẫn có những người làm báo còn hạn chế về kỹ năng và dễ dãi trong cách khai thác, thể hiện tác phẩm báo chí.
Ðặc biệt, cùng với báo chí cả nước, báo chí Ðồng Nai cũng phải đối mặt với những thách thức khi công nghệ truyền thông internet đang phát triển như vũ bão, tạo nên những “siêu lộ” thông tin lớn và tốc độ cao. Bên cạnh đó là sự phát triển của truyền thông xã hội, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới. Ðộc giả đang có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc tiếp nhận và phản hồi thông tin. Ðiều này đòi hỏi báo chí phải tích cực tận dụng những cơ hội cũng như khắc phục kịp thời những tồn tại để không bị mạng xã hội lấn át. Ðó còn là yêu cầu bức thiết về độ nhanh nhạy, chính xác và hấp dẫn để lôi kéo được bạn đọc và giữ được vai trò chủ đạo của báo chí trong định hướng dư luận xã hội nhằm thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ tuyên truyền chính trị được Ðảng và Nhà nước giao phó.
* P.V: Theo ông, việc thực hiện Ðề án quy hoạch phát triển quản lý báo chí đến 2025 của Bộ Thông tin - truyền thông cũng như Kế hoạch của Tỉnh ủy thực hiện nội dung các Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ có tác động như thế nào đến báo chí cũng như những người làm báo trong tỉnh?
- Ông Nguyễn Tôn Hoàn: Ðề án quy hoạch phát triển quản lý báo chí đến 2025 nhằm tạo điều kiện cho báo chí phát triển, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng hệ thống báo chí. Cụ thể là lành mạnh về nội dung, tinh gọn về đầu mối, số lượng, nâng cao chất lượng. Có thể nói, việc quy hoạch báo chí là khách quan và cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm để báo chí hoạt động hiệu quả hơn theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân. Không chỉ xem xét, giảm số lượng các tờ báo, tạp chí trùng lặp về tôn chỉ, mục đích và nội dung, mà quan trọng hơn là đưa ra hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách thuận lợi để phát triển các cơ quan báo chí cũng như đội ngũ người làm báo có đủ tiềm lực, bắt kịp với xu hướng báo chí trong kỷ nguyên công nghệ số; thực sự là lực lượng mũi nhọn trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Ðảng.
Thực tế cho thấy, việc quy hoạch sắp xếp báo chí ít nhiều ảnh hưởng đến các cơ quan báo chí và mỗi người làm báo. Ðối với cơ quan báo chí trong tỉnh thuộc diện sắp xếp, hợp nhất cũng là yêu cầu khách quan, đúng định hướng theo Kế hoạch của Tỉnh ủy thực hiện nội dung Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 19 -NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó quan tâm tới đội ngũ những người làm báo để họ tiếp tục có điều kiện, cơ hội để cống hiến, gắn bó với nghề. Bên cạnh vai trò của các cơ quan chủ quản, Hội Nhà báo sẽ quan tâm bảo vệ quyền lợi một cách hợp lý đối với các hội viên, nhà báo và cơ quan báo chí; quan tâm tuyên truyền, giáo dục, quản lý và động viên tinh thần hội viên, nhà báo có tâm thế chủ động, thích ứng để phát triển. Ðặc biệt, bản thân mỗi nhà báo cũng cần khẳng định được năng lực, bản lĩnh của mình, tích cực trau dồi chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp để có thể đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới…
* P.V: Trước những thách thức cũng như yêu cầu ngày càng cao của công chúng, báo chí trong tỉnh cần làm gì để theo kịp sự phát triển, thưa ông?
- Ông Nguyễn Tôn Hoàn: Có thể nói, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và xu hướng phát triển của báo chí hiện đại và đa phương tiện, yêu cầu tiếp cận thông tin của bạn đọc cũng ngày càng cao, đòi hỏi báo chí Ðồng Nai phải tiếp cận những bước tiến mới, ứng dụng công nghệ thông tin và cách thức làm báo hiện đại tránh bị tụt hậu, đứng vững trước dòng chảy hội nhập. Các cơ quan báo chí cũng cần phải tự “làm mới mình”, cùng với đổi mới về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính là tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức thể hiện, mô hình hoạt động, tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ nhằm bắt kịp xu thế hội nhập quốc tế trong công nghệ làm báo.
Ðối với mỗi nhà báo cần không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tiếp cận và ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong tác nghiệp. Ðặc biệt mỗi người làm báo phải luôn rèn giũa, giữ vững bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp để tránh được những cám dỗ của mặt trái nền kinh tế thị trường và để luôn giữ được “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.
Với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo, Hội Nhà báo tỉnh sẽ tiếp tục các giải pháp nâng cao chất lượng, nâng tầm hoạt động Hội, góp phần thúc đẩy đổi mới, sáng tạo của các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh. Tăng cường tập hợp, đoàn kết hội viên, nâng cao chất lượng hoạt động báo chí thông qua các hoạt động phối hợp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ…
* P.V: Xin cảm ơn ông!
Phương Uyên (thực hiện)
Tác giả: Lê Thị Phương Uyên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập