Tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết

Thứ ba - 30/07/2019 22:03
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

​Chỉ trong 2 tuần gần đây, toàn tỉnh đã có 1.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH). Trước tình hình số ca mắc tăng nhanh, vừa qua, Sở Y tế đã tổ chức cuộc họp khẩn nhằm tăng cường công tác phòng, chống SXH, giảm tỷ lệ mắc bệnh. Dự kiến, trong năm 2019, toàn tỉnh chi hơn 20 tỷ đồng để phòng, chống dịch SXH.

Số ca mắc SXH tăng “phi mã”

BS. Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho hay, tính từ đầu năm đến ngày 29-7, toàn tỉnh có hơn 8.100 ca mắc SXH, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Số ca mắc tăng cao nhất ở TP. Biên Hòa, các huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, nơi có mật độ khu công nghiệp và công nhân sinh sống cao. May mắn là đến nay, toàn tỉnh không có ca tử vong. Điều này cho thấy, công tác dự phòng và điều trị SXH trên toàn tỉnh rất tích cực.

Qua giám sát theo dõi, chỉ số mật độ côn trùng cao, đầy đủ 4 tuýp D1, 2, 3, 4. Dự kiến, tốc độ này sẽ tăng đến 10.000 ca bệnh SXH trong tháng 8. Một số huyện có tỷ lệ mắc tăng cao như Trảng Bom tăng 5 lần, Cẩm Mỹ tăng gần 4 lần. “Trong khoảng 5 tuần gần đây, số ca mắc SXH tăng “phi mã”, cao nhất trong 5 năm qua. Với mức độ tăng như hiện nay, Đồng Nai có thể sẽ vào tốp 3 những tỉnh có số ca mắc SXH cao so với cả nước. Trong một vài tuần tới, chúng ta chưa có cách nào để “hạ nhiệt” tình trạng này”, BS. Bình nhận định.


 Phun hóa chất diệt muỗi ở nhà dân vào sáng sớm tại huyện Trảng Bom.

BS. Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, bệnh viện đã khám hơn 4.200 trường hợp SXH, chiếm 50% số ca bệnh trên toàn tỉnh trong 7 tháng, trong đó có nhiều ca bệnh nặng. Nhờ triển khai các kỹ thuật mới, đầy đủ thiết bị (đáp ứng được 90% so với nhu cầu), bệnh viện đã cứu được nhiều bệnh nhi nặng, phải lọc máu. “Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận 130 - 150 bệnh nhân SXH khiến Khoa Bệnh nhiệt đới bị quá tải. Bệnh nhân phải chuyển sang các khoa khác khiến nhiều bệnh nhân phàn nàn nhưng bệnh viện không còn cách nào khác”, BS. Đa Hà nói.

Ở người lớn, bệnh SXH cũng tăng nhanh. Từ đầu tháng 7, mỗi ngày, Khoa Nhiễm của BVĐK Đồng Nai tiếp nhận khoảng 50 ca bệnh SXH. BS. Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm, BVĐK Đồng Nai cho biết, tháng 5 chỉ có 154 ca nhưng đến tháng 7 đã tăng lên 680 ca. Trong mùa dịch năm nay, nhiều ca nhập viện khi tiểu cầu rất thấp, nhất là sản phụ. “Chúng tôi chịu nhiều áp lực trong mùa dịch này vì khoa lúc nào cũng trong tình trạng quá tải, nhưng cả khoa chỉ có 5 bác sĩ”, BS. Hùng chia sẻ.

Chủ động dập dịch kịp thời

Theo lý thuyết, không có lăng quăng sẽ không có muỗi truyền bệnh SXH và bệnh sẽ không thể bùng phát. Hiện nay, Đồng Nai đã triển khai diệt loăng quăng trên 170 xã, phường. Ngành Y tế đã huy động gần 5.000 cộng tác viên tham gia diệt loăng quăng. Từ đầu năm đến nay, ngành Y tế đã phát hiện 1.324 ổ dịch, đã xử lý 1.297 ổ dịch, tiến hành phun hóa chất ở 29 xã có ổ dịch cao. Khi chưa có dịch xảy ra trên diện rộng, hầu như chỉ có ngành Y tế và đội ngũ cộng tác viên tham gia phòng, chống dịch. “Chúng ta chưa huy động đúng nghĩa toàn hệ thống chính trị vào cuộc phòng, chống dịch”, BS. Bình chia sẻ.

Mục tiêu của ngành Y tế là diệt hết lăng quăng, ít nhất phải đạt được 80%. Thời gian tới, các huyện phải có sự tham gia của hệ thống chính quyền, trong đó, chủ tịch UBND xã, phường, huyện phải trực tiếp chỉ đạo điều hành, có kế hoạch triển khai diệt lăng quăng. Qua đó, các địa phương huy động lực lượng diệt lăng quăng, tuyên truyền về SXH. Biện pháp phun hóa chất rất quan trọng nhưng không thể phun toàn tỉnh bởi tiền mua hóa chất lên đến cả trăm tỷ đồng.

Theo BS. Bình, việc truyền thông từ trực tiếp đến gián tiếp phải được thực hiện đồng bộ để người dân nhận thức và chủ động thay đổi hành vi, chung tay chống dịch SXH. Trong 3 tháng tới, ngành Y tế sẽ thực hiện chiến dịch diệt loăng quăng trên 170 xã, phường. Trong đó, các xã, phường đang hoặc có nguy cơ bùng phát dịch, ngành Y tế sẽ triển khai cộng tác viên đến từng nhà người dân tuyên truyền, hướng dẫn phòng dịch. Còn các xã có ít số ca mắc SXH, ngành Y tế chỉ tiến hành tuyên truyền để người dân tự vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, không sử dụng cộng tác viên. Trong 10 ngày đầu tháng 8, ngành Y tế sẽ triển khai chiến dịch này trên toàn tỉnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ điều phối máy phun hóa chất để tăng cường chống dịch cho các huyện.

Bệnh viện cũng có thể là một ổ dịch nên các bệnh viện trong tỉnh phải tổ chức diệt loăng quăng ngay tại bệnh viện. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ hỗ trợ phun hóa chất. Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom đã tiến hành phun hóa chất diệt loăng quăng, muỗi SXH. Đại diện Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom cho hay, trước thực trạng số ca mắc SXH tăng cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, hơn 1.000 ca trong 7 tháng qua, trung tâm phải kê thêm giường để điều trị bệnh nhân SXH.

BS. Nguyễn Văn Trai, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Biên Hòa cho biết thêm, TP. Biên Hòa có nhiều khu công nghiệp, nhà trọ và có số ca mắc luôn ở mức cao. Chỉ trong tháng 7, TP. Biên Hòa đã có gần 1.000 ca mắc SXH. “Chúng tôi đi khảo sát các phường như Trảng Dài, Long Bình, Phước Tân, nhà dân có rất nhiều loăng quăng. Chúng tôi luôn giám sát để chủ động dập dịch kịp thời”, BS. Trai nói.

BS. Võ Phi Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nhơn Trạch chia sẻ, tình trạng quy hoạch không rõ ràng, hệ thống thoát nước kém khiến Nhơn Trạch gặp khó trong phòng chống dịch SXH. Hơn nữa, công nhân ở không ổn định, nhất là những người mang mầm bệnh dễ lây lan khi họ chuyển chỗ ở. Nguồn nhân lực phòng, chống dịch ở các xã cũng thay đổi liên tục. Trong đó, nhiều người nắm rõ ổ dịch, chuyên môn lại xin nghỉ việc. Đây chính là những thách thức trong công tác phòng, chống dịch SXH. 

Cấp bách phòng, chống dịch SXH

Tính đến ngày 29-7, cả nước có 105.000 ca mắc SXH, 10 trường hợp tử vong. BS. Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở Y tế cho rằng, Đồng Nai cần phải tiến hành xử phạt các cá nhân, gia đình, tổ chức không thực hiện phòng, chống dịch SXH, đặc biệt các cơ sở ve chai, thay vỏ xe, lốp xe. Một mình ngành Y tế không thể phòng chống dịch SXH, trong khi công tác chống dịch SXH là rất cấp bách.

BS. Hải nhấn mạnh, người dân cần úp các lu, vại, lọ không để chứa nước, vệ sinh môi trường xung quanh; ngủ mùng, mặc quần áo dài tay để tránh bị muỗi đốt.

Khánh Ngọc

Tác giả: Phạm Thị Bích Nhàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây