(CTTĐT - Đồng Nai) - Trước các biến động chung của kinh tế toàn cầu, sản xuất gỗ của Việt Nam là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực đang bị ảnh hưởng mạnh.

Doanh nghiệp tham quan hội chợ máy móc và nguyên liệu gỗ quốc tế vừa tổ chức tại Bình Dương
Doanh nghiệp tham quan hội chợ máy móc và nguyên liệu gỗ quốc tế vừa tổ chức tại Bình Dương
Trong 7 tháng của năm 2023, ngành gỗ xuất khẩu gần 7,8 tỷ USD. Như vậy, mục tiêu năm 2023, xuất khẩu gỗ 18 tỷ USD rất khó hoàn thành.
Để khắc phục những hạn chế của ngành gỗ, tìm ra giải pháp để trụ lại ở thị trường chủ lực, đồng thời khai thác nhiều hơn những thị trường ngách, lách qua khe cửa hẹp đang là nhiệm vụ hết sức khó khăn của sản xuất, chế biến gỗ.
Vẫn cận kề những khó khăn
Mới đây, trong hội nghị giao ban ngành chế biến gỗ, xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2023 được tổ chức tại Bình Dương, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị nhận định, 7 tháng của năm 2023, do ảnh hưởng của xung đột thế giới, lạm phát toàn cầu tăng cao, các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam tiếp tục bị thu hẹp. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam 7 tháng của năm 2023 chỉ được gần 7,8 tỷ USD, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm trước và đạt 46% kế hoạch năm. Vì thế, các hiệp hội địa phương, doanh nghiệp (DN) ngành gỗ nghiên cứu phối hợp xây dựng các cửa hàng tại các nước xuất khẩu, chắt chiu từng đơn hàng nhỏ, từng mặt hàng sẵn có… nỗ lực vượt qua khó khăn để xuất khẩu đạt kế hoạch.
Tương tự, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết thêm, bên cạnh các khó khăn về sụt giảm nhu cầu thị trường thì ngành gỗ liên tục đối mặt với các vụ việc phòng vệ thương mại với tần suất ngày càng nhiều. Từ 2015 tới năm 2019, ngành gỗ đối diện với hai vụ việc sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc nhưng từ năm 2020 tới nay, ngành gỗ đã đối diện với 5 vụ việc, trong đó 4 xuất phát từ thị trường Hoa Kỳ và 1 từ thị trường Canada. Bên cạnh đó, các nước nhập khẩu đang đặt ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe hơn, đơn cử như Nhật Bản đã yêu cầu mọi sản phẩm gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này phải có chứng chỉ rừng bền vững, hoặc nước Đức áp dụng Luật Nghĩa vụ thẩm định DN trong chuỗi cung ứng. Những vấn đề này tiếp tục tác động gián tiếp đến các nhà xuất khẩu Việt Nam, nhất là trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về đơn hàng.
Tìm đường vượt qua thách thức
Theo các DN ngành gỗ, gần đây dấu hiệu bắt đầu lạc quan, khi có những đơn vị tiếp tục đặt hàng, hỏi hàng và công bố luôn số lượng sẽ dự định đặt trong tương lai. Tuy vậy, tình hình chung vẫn chưa trở lại được như cũ. Doanh số sụt giảm do nền kinh tế nói chung nên người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nếu tình hình kinh tế bình ổn trở lại thì nhu cầu rất lớn và sự phục hồi trở lại là điều đang được cộng đồng DN mong đợi.
Trong khi đó, các chuyên gia nhận định, để lấy lại tăng trưởng xuất khẩu cho ngành gỗ, các DN cần nhận được thêm sự hỗ trợ của Bộ Công thương, thương vụ tiếp thị sản phẩm gỗ của Việt Nam tìm kiếm thị trường, truyền tải thông điệp Việt Nam thực hiện mạnh mẽ cam kết cung cấp sản phẩm gỗ hợp pháp; chuẩn bị thực hiện nghiêm chỉnh quy định từ các nhà nhập khẩu… Bên cạnh đó, DN cần xác định lại chiến lược kế hoạch sản xuất kinh doanh trong nước, xác định rõ thị trường và sản phẩm, tìm hiểu quy định, rào cản xuất khẩu sang thị trường lớn, cải thiện chất lượng hàng hóa cũng như công nghệ sản xuất là yếu tố phát triển bền vững.
Một yếu tố nữa là ngoài tìm kênh phân phối lớn, DN cũng cần tìm đến các thị trường ngách, bởi các nhà phân phối lớn có trở ngại là khi giảm các nhu cầu thì họ sẽ ngắt kết nối khiến cho hoạt động xuất khẩu của DN bị đứt gãy. Đặc biệt, khi xúc tiến thương mại nên tìm đến các DN, người địa phương, ký kết hợp đồng tư vấn để tìm được thị trường ngách, giải quyết hàng tồn kho, hàng lẻ. Đây là giải pháp bổ trợ trong ngắn hạn khi các thị trường chủ lực có sự cố.
Theo ông Nguyễn Phương, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành (H.Vĩnh Cửu), đơn hàng xuất khẩu gỗ đang có trở lại, tuy nhiên số lượng đơn hàng không còn lớn như trước đây, thời gian giao hàng cũng bị đối tác yêu cầu rút ngắn lại. Điều này đòi hỏi DN phải thay đổi, đầu tư máy móc tinh gọn sản xuất, tiết kiệm chi phí nhằm có giá thành tốt nhằm đáp ứng được yêu cầu về chất lượng đơn hàng cũng như thời gian từ các đối tác.