Hút thuốc lá nơi quy định: Bao giờ mới “cấm” được?

Thứ năm - 31/08/2023 14:24
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) Nhằm hạn chế tác hại của thuốc lá đến sức khỏe cộng đồng, Bộ Y tế vừa ban hành quy định những địa điểm cấm hút thuốc lá.

Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe người hút và những người xung quanh
Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe người hút và những người xung quanh

Quy định nhiều địa điểm cấm hút thuốc lá

Thông tư 11/2023/TT-BYT ngày 11-5-2023 của Bộ Y tế quy định về việc thực hiện địa điểm cấm hút thuốc lá và xét tặng giải thưởng môi trường không thuốc lá, có hiệu lực từ ngày 1-8-2023 (gọi tắt là Thông tư 11), đã quy định các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và cả trong phạm vi khuôn viên bao gồm: cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.

Ngoài ra, Thông tư 11 còn cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà tại các địa điểm là nơi làm việc trong nhà của các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nơi làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác.

Khu vực trong nhà của các địa điểm công cộng sau cũng cấm hút thuốc: cơ sở dịch vụ ăn uống; cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí; nhà ga, bến tàu, bến xe; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; trung tâm hội nghị; trung tâm thương mại, chợ; nhà hát, nhà văn hóa, rạp chiếu phim, rạp xiếc, CLB, nhà thi đấu thể thao, sân vận động; nhà sinh hoạt cộng đồng và các khu vực sinh hoạt chung của khu chung cư và các địa điểm công cộng khác.

Cấm hút thuốc hoàn toàn trong ô tô, máy bay, tàu điện... tại các khu vực cách ly của sân bay; quán bar, quán karaoke, vũ trường; khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách, khu nghỉ dưỡng (resort) và cơ sở lưu trú du lịch khác...

Đáng chú ý, Thông tư 11 quy định rõ, tại các địa điểm cấm hút thuốc là đều bắt buộc phải đặt, in, bố trí các bảng, biển bằng chữ hoặc biểu tượng cấm hút thuốc lá với những nội dung thông điệp rõ ràng, dễ hiểu, ngắn gọn; đặt ở nơi dễ quan sát, nơi có nhiều người qua lại...

Cần tăng chế tài xử lý

Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012 có hiệu lực từ ngày 1-5-2013, đi vào đời sống đã hơn 10 năm, các quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá, mức xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng cũng đã có, thế nhưng việc xử lý người hút thuốc lá vẫn rất khó khăn.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng cho biết, bệnh viện là nơi được quy định cấm hút thuốc lá cả trong nhà lẫn khuôn viên bệnh viện. Theo quy định, bệnh viện đã cho đặt bảng, biểu, logo cấm hút thuốc lá mọi nơi, kể cả trong nhà vệ sinh; đồng thời cho bảo vệ kiểm tra để kịp thời phát hiện và nhắc nhở. Tuy nhiên, vẫn có những lúc, những nơi người đi khám bệnh, chăm sóc bệnh nhân lén hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện.

“Bệnh viện rộng, bệnh nhân đông, đội ngũ bảo vệ chỉ đủ để phục vụ các hoạt động chính của bệnh viện, chỉ mong những người đến bệnh viện ý thức không hút thuốc lá để bệnh viện có được không khí trong lành” - BS Dũng bày tỏ.

Theo lãnh đạo một số phường, tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng và những địa điểm cấm hút thuốc vẫn diễn ra tràn lan khắp nơi. Không khó để bắt gặp những người hút thuốc lá phì phèo nhả khói tại những nơi cấm hút thuốc lá. Việc xử lý những trường hợp hút thuốc lá nơi bị cấm rất khó khăn.

Một thực tế, một số người đã quen hút và quen thấy người khác hút thuốc lá nên ít ai báo về phường. Hoặc có báo thì khi đội xử lý đến nơi, người hút thuốc đã không còn ở đó hoặc đã hút xong điếu thuốc nên rất khó để lập biên bản xử lý. “Để hạn chế tình trạng hút thuốc nơi công cộng và những địa điểm cấm hút thuốc lá, phường cũng chỉ tăng cường công tác tuyên truyền người dân về tác hại của thuốc lá cũng như sự tốn kém về tiền bạc” - Phó Chủ tịch UBND P. Long Bình Trần Văn Thắng cho hay.

Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn trong công tác xử lý vi phạm quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012, Quyền Trưởng Phòng Y tế TP.Biên Hòa Trần Hùng cho rằng: “Có 2 giải pháp, thứ nhất là tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá và lợi ích của môi trường không khói thuốc lá tại các cơ quan, hộ gia đình; thứ hai là tăng giá bán mỗi bao thuốc đắt lên 3-4 lần, việc này sẽ khiến người hút cân nhắc, từ đó có thể giảm dần và tiến tới bỏ hút vì quá tốn kém. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức của những người hút thuốc lá đối với sức khỏe của chính mình, gia đình và cộng đồng”.

Được biết, để nâng cao hiệu quả cũng như tăng cường sự giám sát của người dân, kịp thời tiếp nhận, xử lý thông tin phản ảnh về các hành vi vi phạm Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012, Qũy Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) đã xây dựng và thí điểm ứng dụng Vn0khoithuoc (app trên điện thoại di động), giúp người dân phản ảnh các vi phạm liên quan đến thuốc lá tới cơ quan chức năng.

Ứng dụng này cho phép người dân chụp và gửi hình ảnh vi phạm Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012 tới các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời. Tuy nhiên, giải pháp này chưa đem lại hiệu quả, bởi không phải ai cũng có điện thoại thông minh, có kết nối internet để chụp, gửi hình ảnh. Chưa kể, việc chụp ảnh người khác khi không có sự đồng ý của người đó còn là vi phạm pháp luật.

Tác giả: Lam Khuê

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây