Khắc phục tình trạng khan hiếm nhóm máu O

Thứ tư - 10/01/2018 00:54
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Thời gian gần đây, tình trạng thiếu nhóm máu O đang xảy ra nhiều nơi trên cả nước. Tại các bệnh viện (BV) ở Đồng Nai cũng đang đối mặt với tình trạng này.​

Lấy máu “nhỏ giọt”

BVĐK Đồng Nai lấy máu từ Trung tâm Truyền máu thuộc BV Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh). Sau đó, BVĐK Đồng Nai sẽ phân phối lại cho một số BV khác như: BVĐK khu vực Long Khánh, Long Thành, Trung tâm y tế Biên Hòa, Xuân Lộc, BV Quân y 7B, các BV tư nhân… Nhưng với tình trạng khan hiếm nhóm máu O hiện nay, việc cung cấp máu cho tuyến dưới cũng khá hạn chế.

Kỹ thuật viên trưởng Chu Thị Bích Thủy, Khoa Huyết học BVĐK Đồng Nai cho biết, trước đây mỗi tuần BV chỉ lên BV Chợ Rẫy lấy máu 1 lần, khoảng 400 đơn vị (tất cả các nhóm máu). Thế nhưng gần đây, mỗi tuần BV phải đi mua máu 3 - 4 lần mới đủ nguồn cung cấp máu cho bệnh nhân. “Tuần trước, BV phải lên BV Chợ Rẫy liên tục 5 ngày/tuần để mua máu nhưng chỉ mua được 100 đơn vị máu O, chỉ bằng 2/3 so với nhu cầu thực tế. Vì vậy, những bệnh nhân phải truyền khoảng 2 đơn vị (0,7 lít) máu, chúng tôi phải hội chẩn với bác sĩ để chỉ truyền trước 1 đơn vị, rồi bổ sung từ từ nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho bệnh nhân”, chị Thủy cho hay.

Tương tự, BVĐK Thống Nhất Đồng Nai cũng phải đối mặt với tình trạng mua máu theo kiểu nhỏ giọt. BS.CKI. Hồ Thị Phương Anh, Trưởng khoa Huyết học - truyền máu cho biết thêm: Trung tâm truyền máu của BV Chợ Rẫy vẫn cung cấp đủ máu cho BV nhưng theo kiểu nhỏ giọt. Trước đây, mỗi tuần BV chỉ phải mua máu 1 lần với 80 đơn vị máu O. Nhưng thời điểm gần đây, BV phải lên BV Chợ Rẫy đến 3 lần/tuần mới mua đủ lượng máu trên.

Đề nghị lập điểm thu gom máu cố định

BS. Lê Văn Thống Nhất, Trưởng khoa Huyết học BVĐK Đồng Nai chia sẻ, tỷ lệ người có nhóm máu O tại Việt Nam chiếm khoảng 42 - 45% dân số. Người có nhóm máu O cũng chỉ nhận chế phẩm hồng cầu của nhóm máu O. Những nhóm máu khác cũng có thể dùng nhóm máu O. Hầu như năm nào, tình trạng thiếu máu cũng rơi vào dịp hè và kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đến thời điểm hè, nông dân vào vụ mùa và sinh viên vào kỳ nghỉ hè. Đây lại là hai nhóm người hiến máu nhiều nhất nên cứ vào các thời điểm trên, nguồn máu sẽ thiếu hụt. “Đồng Nai có lượng lớn công nhân tại các khu công nghiệp, nhưng số người hiến máu ở khu vực này cũng chưa nhiều bằng các phường, xã”, BS. Nhất nói.


 Nhóm máu O đang trong tình trạng khan hiếm trên diện rộng. Trong ảnh: Tủ dự trữ máu của BVĐK Đồng Nai còn trống nhiều nhóm máu O.

Năm nay, từ trước Tết dương lịch, tình trạng thiếu máu đã diễn ra, đặc biệt là nhóm máu O. Trung tâm truyền máu của BV Chợ Rẫy cũng đã tiến hành thu gom máu tại nhiều tỉnh phía Nam để cung cấp cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khác. “BV Chợ Rẫy cũng phản ánh việc thu gom máu thời gian gần đây không được như mong đợi. Khác với mọi năm, việc thiếu nhóm máu O hiện nay trong tình trạng “báo động đỏ” trên diện rộng cả nước. Trước đây, BV có đủ lượng máu dự trữ từ 7 - 10 ngày nhưng hiện nay chỉ còn 1/3 so với trước”, BS. Thống Nhất nói.

Đối mặt với tình trạng này, nếu có ca bệnh cần dùng nhiều máu, các bác sĩ phải huy động máu từ người thân của người bị bệnh. Việc huy động máu từ các câu lạc bộ hiến máu cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Bởi hiện nay việc hiến máu chỉ mang tính chất phong trào, chứ chưa mang tính trách nhiệm xã hội. Hơn nữa, việc hiến máu này chỉ mang tính chiến dịch, chưa thường xuyên và chưa có điểm hiến máu cố định. “Các nước khác luôn có các điểm hiến máu cố định, được đặt ở gần những nơi đông người qua lại như gần bến tàu điện ngầm, bến xe… để người dân đến hiến máu thường xuyên”, BS. Thống Nhất cho hay.

Nhiều người thường thắc mắc, người dân hiến máu miễn phí, nhưng khi mua máu để truyền lại rất đắt. Theo BS. Thống Nhất, nguồn máu hiến chưa chắc 100% đều đạt kết quả tốt. Số tiền bệnh nhân đóng khi truyền máu là tiền để làm các xét nghiệm sàng lọc bệnh: HIV, giang mai, sốt rét… Vì vậy, 1 bịch máu có giá khoảng hơn 1 triệu đồng (chưa có BHYT). Số tiền này chỉ là tiền thực hiện các xét nghiệm sàng lọc để có máu đủ chuẩn truyền cho bệnh nhân. Ngoài ra, từ nguồn máu hiến của người dân, các bác sĩ sẽ điều chế, tách ra thành các thành phẩm máu.

Để có 1 đơn vị chế phẩm từ máu phải trải qua rất nhiều khâu, Nhà nước cũng tốn nhiều chi phí. Cụ thể, máu sau khi nhận từ người hiến sẽ được sàng lọc các loại bệnh lây từ đường máu: viên gan, HIV… Chi phí sàng lọc rất cao, các đơn vị phải bù lỗ khoảng 300.000 - 400.000 đồng/ đơn vị máu. Hiện nay, tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, Nhà nước phải bù lỗ cho các đơn vị thu gom và xử lý máu. Hơn nữa, tỷ lệ máu không đáp ứng nhu cầu, phải hủy chiếm tỷ lệ khoảng 2%.

Để tránh tình trạng khan hiếm máu vào một thời điểm như nhiều năm nay, BS. Thống Nhất đã đề nghị lập điểm thu gom máu cố định, thường xuyên tại BVĐK Đồng Nai. Cụ thể, Khoa Huyết học của BVĐK Đồng Nai sẽ là đơn vị thu gom máu cố định ngoài Trung tâm truyền máu của BV Chợ Rẫy. BVĐK Đồng Nai sẽ sử dụng nhân lực của mình để thu gom máu cho BV Chợ Rẫy. Nếu mô hình này thành công, cần được áp dụng tại các BV tuyến tỉnh trên cả nước. Từ đó, người dân sẽ có điểm hiến máu cố định, thường xuyên và giảm áp lực thiếu máu cho các Trung tâm truyền máu trên cả nước.

Khánh Ngọc

Tác giả: Phạm Thị Bích Nhàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây