Bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống Đồng Nai

Thứ tư - 10/01/2018 00:56
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Trong dòng chảy truyền thống của gốm Việt, gốm Biên Hòa là “đứa con” được sinh ra nhờ sự kết hợp hài hòa từ kỹ thuật chế tác của gốm bản địa, tiếp thu kỹ thuật tạo tác của gốm Cây Mai (Sài Gòn - Chợ Lớn) và kỹ thuật làm gốm cổ của người Hoa. Khác với sự ra đời sớm của các loại gốm vùng đồng bằng Bắc bộ, mãi đến đầu thế kỷ XX, các làng gốm truyền thống ở Biên Hòa ra đời trải dọc theo hai bên bờ sông Đồng Nai trù phú.​

Năm 1903, người Pháp cho xây dựng trường dạy nghề tại Việt Nam, với tên gọi quen thuộc là Trường Bá nghệ Biên Hòa (nay là Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai). Từ cái nôi này, gốm Biên Hòa bắt đầu có bước chuyển mình mạnh mẽ, nhanh chóng nổi tiếng và được vinh danh trên trường quốc tế. Và cho đến hôm nay, các loại gốm Biên Hòa xưa vẫn được xem là “hàng hiếm” và luôn hấp dẫn đối với những người chơi gốm cổ, những nhà sưu tập trong và ngoài nước.

Gốm Biên Hòa - một dòng riêng

Nghề gốm được xem là một trong những nghề truyền thống của Biên Hòa. Nói đến gốm Biên Hòa là nói về gốm mỹ nghệ. Gốm mỹ nghệ Biên Hòa phát triển mạnh từ đầu thế kỷ XX. Trước đó, sản phẩm gốm Biên Hòa đã phát triển khá mạnh nhưng chủ yếu là sản phẩm gốm gia dụng như: nồi, ơ, trả, trách, lu, hũ, chậu, ghè, ấm, chén, đĩa… để sử dụng chứ chưa mang yếu tố trang trí mỹ thuật và chịu ảnh hưởng của nhiều nguồn. Từ khi Trường Bá nghệ Biên Hòa được thành lập dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia người Pháp, gốm mỹ nghệ Biên Hòa trở thành thương hiệu nổi tiếng. Sau thành công tại cuộc triển lãm gốm quốc tế Paris năm 1922, gốm mỹ nghệ Biên Hòa đã được nhiều nước trên thế giới biết đến.

Sản phẩm gốm mỹ nghệ Biên Hòa có sự kết hợp mạnh mẽ về mẫu tạo hình phương Tây với các đề tài trang trí truyền thống phương Đông, đặc trưng màu men “xanh đồng trổ bông” (Vert de Bienhoa), thuộc nhóm men “tro, đá” truyền thống bản địa, tạo ra các sản phẩm độc đáo được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng. Dù là sản phẩm giao thoa của nhiều phong cách gốm khác nhau nhưng hiếm có dòng gốm nào ẩn chứa trong mình sự đa dạng, phong phú, linh hoạt về kỹ thuật, màu men, chủng loại và hoa văn. Không phải ngẫu nhiên, những sản phẩm gốm Biên Hòa vừa có vẻ cao sa, lộng lẫy vừa tạo được cảm tình gần gũi, bình dị, đơn sơ của dòng gốm Nam bộ mà bởi, ngoài giá trị nghệ thuật thì giá trị văn hóa là yếu tố nổi bật và quan trọng như một lời khẳng định mạnh mẽ của văn hóa Việt Nam.


 Du khách tham quan triển lãm tranh gốm tại Văn miếu Trấn Biên.

Theo Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Lưu Văn Du, nhắc đến gốm Biên Hòa, điều trước tiên phải khẳng định nghề gốm Biên Hòa, Đồng Nai là một ngành nghề truyền thống có mặt lâu đời từ hàng ngàn năm trước. Trong quá trình phát triển, kết hợp Đông - Tây và giao thoa các dòng gốm khác, gốm Biên Hòa thực sự tạo nên đặc sắc, nét đẹp riêng biệt cho đến ngày hôm nay… “Mặc dù nhiều công nghệ hiện đại đã ra đời nhưng với những nghệ nhân gốm, họ vẫn luôn giữ lại cách làm gốm thủ công, truyền thống, sáng tạo ra những tác phẩm mang hồn cốt của gốm Biên Hòa xưa. Đặc biệt, mới đây nhất, họa sĩ  Mai Văn Nhơn đã sử dụng gốm để sáng tạo ra bộ tranh chân dung ghép gốm của 21 nguyên thủ quốc gia mang đến Hội nghị APEC (tại Đà Nẵng). Bộ tranh ghép gốm vinh dự được Chính phủ chọn làm quà tặng chính thức cho các nhà lãnh đạo trên thế giới”, ông Lưu Văn Du chia sẻ.

Kết nối để bảo tồn và phát huy

Trải qua thời kỳ hoàng kim, gốm Biên Hòa dần đánh mất đi vị thế của mình bởi sự đổi thay của xã hội hay bởi sự phát triển mạnh mẽ của những nền văn minh mới... Hiện nay, làng gốm Biên Hòa tập trung ở phường Bửu Hòa, Tân Vạn, xã Tân Hạnh và Hóa An. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân như: sự cạnh tranh khốc liệt của hàng gốm Trung Quốc đến việc ít thu hút được thế hệ trẻ theo nghề và cả chính sách quy hoạch làng nghề đã khiến cho làng gốm dần dần mai một. Theo Tổng thư ký Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai Vòng Khiềng, năm 2000, làng gốm mỹ nghệ Biên Hòa có hơn 300 cơ sở làm nghề, xuất khẩu đạt 5 triệu USD/năm. Nhưng giờ chỉ còn chưa đầy 40 cơ sở, doanh thu xuất khẩu mỗi năm chưa đến 1 triệu USD.

Gốm mỹ nghệ là ngành nghề truyền thống lâu đời, thể hiện lịch sử, văn hóa và con người Đồng Nai. Do đó, để bảo tồn và phát triển nghề gốm theo ông Vòng Khiềng cần phải xác định gốm mỹ nghệ là ngành nghề được ưu tiên, khuyến khích đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, việc thực hiện mô hình kết hợp làng nghề với văn hóa, du lịch là một trong những cách giúp làng nghề gốm truyền thống Biên Hòa phát triển bền vững.

Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Mạnh Dũng (Hội KTS Đồng Nai) cho rằng, trong quy hoạch phát triển đô thị Biên Hòa gắn với quy hoạch làng gốm, bên cạnh tạo không gian mới mẻ, văn minh cần trân trọng gìn giữ được những giá trị độc đáo đặc trưng của một nền văn hóa gốm với bề dày 320 năm từ ngày mở đất tại Cù lao Phố. “Với quá trình phát triển huy hoàng của một thương hiệu gốm Biên Hòa cho đến ngày nay, việc thành lập Nhà bảo tàng gốm, trưng bày giới thiệu quá trình hình thành và phát triển những dòng sản phẩm gốm tiêu biểu; thành lập Trung tâm đào tạo nghiên cứu và ứng dụng phục vụ ngành gốm sứ Đồng Nai là những việc vô cùng ý nghĩa và cần thiết để thông tin và quảng bá làng nghề với đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước”, KTS Nguyễn Mạnh Dũng nói.TS. Lê Quang Cần (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) cho biết, trong xu thế phát triển nghề thủ công làm gốm của Đồng Nai hiện nay, cầu nối tiêu thụ sản phẩm trở nên rất quan trọng. Do đó, doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh nghề thủ công làm gốm cần có sự liên kết, phối hợp Ban quản lý hệ thống chợ truyền thống cùng giới tiểu thương đồng hành cùng người sản xuất, mua bán, trao đổi sản phẩm hàng hóa gốm, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Ngoài ra, Hiệp hội gốm mỹ nghệ Đồng Nai cùng các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong ngành nghề gốm mỹ nghệ phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát triển bản sắc nghề gốm truyền thống.

Biết giá trị và phát huy được giá trị nghề gốm truyền thống sẽ góp phần mang sức sống mới cho làng nghề gốm. Tin tưởng rằng, với sự quan tâm các cấp, các ngành và sự nỗ lực gìn giữ nghề của nghệ nhân, người yêu gốm… gốm Biên Hòa - Đồng Nai sẽ chảy mãi, trường tồn cùng với các dòng gốm của dân tộc.

Sáng 10-1, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Công thương và UBND TP. Biên Hòa tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn phát triển nghề gốm truyền thống Đồng Nai” tại Trung tâm Văn miếu Trấn Biên. Hội thảo nhận được 14 tham luận của các nhà quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ các sở, ngành, trường đại học trong và ngoài tỉnh. Hội thảo nhằm đánh giá lại thực trạng nghề gốm ở địa phương, đề xuất những giải pháp để bảo tồn và phát triển nghề gốm sao cho phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai.

Ly Na

Tác giả: Phạm My Ny

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây