Ấn tượng ngành Thủy sản

Thứ tư - 10/01/2018 00:57
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Năm 2017, khi mà các lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi có mức tăng trưởng thấp do ảnh hưởng của tình trạng thời tiết bất lợi và “rớt giá” thì lĩnh vực thủy sản lại có mức tăng trưởng mạnh mẽ. Với giá trị sản xuất đạt gần 1.900 tỷ đồng, thủy sản trở thành lĩnh vực có mức tăng trưởng cao nhất trong ngành Nông nghiệp Đồng Nai, tăng hơn 6,4% so với năm trước.​

Dẫn đầu ngành Nông nghiệp

Theo Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT), giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản của tỉnh trong năm 2017 đạt hơn 37.000 tỷ đồng, tăng hơn 3,1% so với năm 2016. Tuy nhiên, trong năm qua do ảnh hưởng của tình trạng thời tiết bất lợi và “rớt giá” do thiếu thị trường tiêu thụ khiến các lĩnh vực thế mạnh của Nông nghiệp Đồng Nai đạt mức tăng trưởng thấp. Theo đó, 2 lĩnh vực thế mạnh là trồng trọt và chăn nuôi chỉ đạt mức tăng trưởng trên 2%. Trong bối cảnh đó, sản xuất thủy sản đã vươn lên dẫn đầu ngành Nông nghiệp với mức tăng trưởng đạt hơn 6,4%.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đỗ Thị Thu Thủy, để có được mức tăng trưởng ấn tượng đó, trong năm 2017, ngành Thủy sản đã tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, hiệu quả, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường và giá trị gia tăng cao. Đồng thời, ngành luôn chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường. Do đó, tổng sản lượng thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2017 đạt mức cao trên 56.000 tấn, tăng hơn 5,4% so với cùng kỳ. Trong đó, 2 sản phẩm chủ lực là cá và tôm đều có mức tăng cao, lần lượt trên 5% và 8%. 


Thu hoạch tôm càng xanh tại vùng nuôi tôm càng xanh đạt chuẩn VietGAP xã Trà Cổ, huyện Tân Phú.

Đặc biệt, phát triển ngành Thủy sản theo hướng bền vững, an toàn đang được ngành Nông nghiệp tập trung thực hiện. Trong năm 2017, tỉnh đã triển khai hàng loạt các hoạt động, như: khảo sát, đánh giá chất lượng, khả năng sinh trưởng và giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình nuôi hàu tại huyện Nhơn Trạch. Đáng chú ý, Sở NN-PTNT đã phối hợp với UBND các huyện triển khai xây dựng 4 vùng nuôi thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP đối với các sản phẩm: tôm càng xanh, tôm thẻ, cá tra và cá lóc, cá rô đồng tại các xã Trà Cổ (huyện Tân Phú); Phú Ngọc (huyện Định Quán); Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) và Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch).

Riêng đối với con tôm nước lợ, một thế mạnh trong phát triển thủy sản của Đồng Nai với hàng ngàn ha mặt nước nuôi trồng tại các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, cũng đã xuất hiện những tín hiệu tích cực không chỉ ở mức tăng sản lượng mà còn ở cách thức phát triển. Để giảm rủi ro với cách nuôi phụ thuộc tự nhiên, nâng cao sản lượng và giá trị sản phẩm, người dân đã dần chuyển đổi từ cách nuôi truyền thống sang việc ứng dụng công nghệ cao để phát triển bền vững.

Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch Nguyễn Văn Nhân cho hay, đến nay, mô hình nuôi tôm công nghệ cao sử dụng bạt nylon lót đáy và lưới lan che ao đã được người dân trên địa bàn ứng dụng rộng rãi. “Năm 2015 mới chỉ có vài hộ áp dụng với diện tích chỉ hơn 10 ha thì đến nay diện tích nuôi tôm công nghệ cao đã tăng lên 56ha”, ông Nhân cho biết.

Khai thác thế mạnh vùng nước lợ

Đồng Nai hiện có hơn 32.000 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có gần 2.000 ha mặt nước lợ tập trung ở 2 huyện Nhơn Trạch và Long Thành. Đây là lợi thế để ngành Thủy sản Đồng Nai có thể khai thác trong thời gian tới với sản phẩm chủ lực là con tôm xuất khẩu.

Từ thế mạnh này, hiện UBND tỉnh đã phê duyệt đề cương, nhiệm vụ quy hoạch và dự toán kinh phí quy hoạch chi tiết khu nuôi thủy sản tập trung tại huyện Nhơn Trạch giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 với tổng kinh phí trên 1,2 tỷ đồng với 2 đối tượng nuôi chính là con tôm và con hàu. Trong đó, trọng tâm của quy hoạch sẽ là việc phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao nuôi tôm siêu thâm canh tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch.

Theo Sở NN-PTNT, hiện nay UBND huyện Nhơn Trạch đã thỏa thuận giới thiệu địa điểm cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) diện tích 50 ha để triển khai dự án nuôi tôm siêu thâm canh.

Mục tiêu lớn nhất của dự án là xây dựng khu thực nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng tập trung với công nghệ cao trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trong sản xuất. Trên cơ sở đó sẽ thực hiện chuyển giao, nhân rộng mô hình đến người dân nhằm hình thành vùng sản xuất chuyên canh tôm có chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, dự án cũng sẽ tạo ra mối liên kết đầu tư - sản xuất giữa nhà nông - nhà doanh nghiệp.

Theo bà Đỗ Thị Thu Thủy, hiện quy hoạch chi tiết khu nuôi thủy sản tập trung tại huyện Nhơn Trạch giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 đã được ngành nông nghiệp trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt. Trong khi chờ đợi quy hoạch được phê duyệt, thời gian tới ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao sử dụng bạt nilon lót đáy và lưới lan che ao nhằm giúp người dân phát triển bền vững nghề nuôi tôm nước lợ.

Xây dựng thêm vùng nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP

Theo Chi cục Thủy sản, hiện trên địa bàn tỉnh đã có 4 vùng nuôi thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP đối với các sản phẩm: tôm càng xanh; tôm thẻ; cá tra và cá lóc, cá rô đồng tại các xã Trà Cổ (huyện Tân Phú); Phú Ngọc (huyện Định Quán); Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) và Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch. Năm năm 2018, ngành sẽ triển khai xây dựng thêm 4 vùng nuôi trồng thủy sản tiêu chuẩn VietGAP tại các huyện Định Quán, Tân Phú, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc với diện tích khoảng 90 - 120 ha.

Phạm Tùng

Tác giả: Phạm Văn Tùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây