Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2018, theo dự báo nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ dần tăng lên cùng với lượng hàng hóa dồi dào, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm các hành vi gian lận thương mại gia tăng, hàng hóa kém chất lượng có cơ hội trà trộn lưu thông trên thị trường.
Mở đợt cao điểm kiểm soát thị trường
Trước nhu cầu sử dụng hàng hóa tăng cao, Tết là thời điểm mà các mặt hàng kém chất lượng, hàng giả và nhập lậu có cơ hội trà trộn và đến tay người tiêu dùng qua các kênh phân phối khác nhau. Vào dịp Tết Nguyên đán 2017, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện một cơ sở tại TP. Biên Hòa sản xuất 550kg giò chả sử dụng chất phụ gia hàn the ngoài danh mục cho phép; một điểm bán hàng có hơn 800kg bánh kẹo, bột sữa các loại đã hết hạn sử dụng; phát hiện và ngăn chặn nhiều vụ giết mổ, vận chuyển thịt heo, gà đông lạnh hôi thối, nhiễm bệnh…
Theo Chi cục quản lý thị trường tỉnh, hoạt động buôn bán, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh tuy không nổi cộm nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Đặc biệt, TP. Biên Hòa là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn dịp Tết Nguyên đán, đòi hỏi các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, bảo vệ quyền lợi của nhà sản xuất và người tiêu dùng. Ông Huỳnh Kim Hóa, Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, từ cuối tháng 12-2017, Chi cục quản lý thị trường tỉnh đã chủ động ban hành kế hoạch kiểm tra thị trường trước, trong, và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 gửi các cơ quan chức năng và các Đội Quản lý thị trường tại các địa phương trong tỉnh; đồng thời mở đợt cao điểm kiểm tra thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2018. Trong đó trọng tâm là kiểm tra kiểm soát vận chuyển và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết như rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, mứt, trái cây, thực phẩm đông lạnh, tươi sống…
Các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm sẽ được lực lượng chức năng tập trung kiểm soát trong dịp Tết Nguyên đán 2018.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng tập trung kiểm tra chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, gian lận đo lường; tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh; tăng cường theo dõi các hành vi đầu cơ, tăng giá sản phẩm, các quy định pháp luật về niêm yết giá. Các đội Quản lý thị trường phối hợp với địa phương tạo điều kiện thuận lợi để các Điểm bán hàng bình ổn giá hoạt động hiệu quả, đưa các chuyến hàng lưu động xuống địa phương vùng xa để người dân có thể tiếp cận sản phẩm hàng Việt chất lượng cao. “Đợt cao điểm kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2018 chú trọng giám sát hoạt động cung cầu và giá cả hàng hóa tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá đột biến và trà trộn hàng hóa kém chất lượng nhằm bình ổn thị trường, đảm bảo nhu cầu hàng hóa chất lượng phục vụ người dân đón Tết vui tươi, tiết kiệm và an toàn”, ông Hóa nói.
Chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Thời điểm này, trên các trang mạng xã hội đã bắt đầu xuất hiện hình ảnh giới thiệu, quảng cáo các sản phẩm thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán 2018. Trong đó chủ yếu là các loại mứt, hạt khô, hoa quả sấy, thịt bò khô được giới thiệu là ngoại nhập hay “nhà làm”, vốn rất được ưa chuộng và tiêu thụ mạnh vào dịp Tết năm ngoái. Các loại hạt như hạnh nhân, macca, hạt dẻ, điều hay các loạt mứt, trái cây như kiwi, táo, nho sấy… được rao bán có nguồn gốc nhập ngoại với mức giá từ vài trăm ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, với muôn màu, muôn vẻ chủng loại, giá cả, đặc biệt là việc bán hàng “tự phát”, mặt hàng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ kém chất lượng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Là bà nội trợ có thói quen mua hàng online, chị Nguyễn Cẩm Hương (phường Tân Phong, TP. Biên Hòa) chia sẻ: “Thấy các loại mứt, hạt, trái cây sấy bán trên Facebook mình rất ham vì vẻ ngoài bắt mắt, lại được giao hàng tận nơi đỡ phải đi tìm mua, lựa chọn nhưng cũng rất ngại về chất lượng sản phẩm. Như năm ngoái, được người bạn giới thiệu hàng ngoại nhập mình cũng đặt 2kg trái cây sấy thế nhưng hàng lại bọc trong gói lẻ chả biết nguồn gốc, xuất xứ thế nào, chất lượng lại không bằng cả hàng bán ngoài chợ”.
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các sản phẩm thực phẩm tại chợ.
Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Huỳnh Kim Hóa cũng cho rằng, hiện việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nhất là kinh doanh hàng hóa trên các trang mạng xã hội còn rất khó khăn. Đặc biệt là một số cá nhân chỉ tranh thủ bán hàng vào dịp Tết thông qua mạng xã hội với nguồn hàng không ổn định, nguồn gốc và chất lượng hàng hóa cũng rất khó kiểm soát. Do đó, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức trong lựa chọn hàng hóa nhất là thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn, chọn mua những cơ sở, cá nhân uy tín, kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, hiện trạng bao bì, hạn sử dụng, thành phần của sản phẩm…
Vừa được công bố mới đây, kết quả khảo sát thực hiện từ tháng 4 đến tháng 8-2017 của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho thấy, 100% mẫu kiểm tra (150/150 mẫu) gồm thịt gà, vịt, heo đều nhiễm vi khuẩn E.coli vượt giới hạn cho phép. Ngoài ra, 63,9% mẫu thủy sản (94/147 mẫu) cũng được phát hiện bị nhiễm vi khuẩn E.coli, trong đó 24 mẫu nhiễm ở mức độ nặng. Đáng lưu ý, các mẫu thịt và thủy sản này được lấy ở một số chợ tại 5 tỉnh khu vực phía Nam, trong đó có Đồng Nai. Do đó, để tăng cường công tác quản lý trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm cung cấp các sản phẩm thịt an toàn phục vụ người dân, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái đã có công văn yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác này. Theo đó, giao Sở NN-PTNT chủ trì phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm về kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, buôn bán, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh; Sở công thương chỉ đạo Ban quản lý các chợ phối hợp cơ quan thú y thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát thường xuyên đối với sản phẩm động vật nhập vào chợ theo đúng quy định…
Cùng với đó, Sở Y tế tăng cường tuyên truyền, vận động các bếp ăn tập thể thực hiện thu mua các sản phẩm nông nghiệp an toàn tại các doanh nghiệp, đơn vị đã được chứng nhận đủ điều kiện về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, tăng cường tổ chức kiểm tra các bếp ăn tập thể, nhất là trong các trường mầm non, các công ty có đông công nhân lao động và kiểm soát chặt chẽ các loại kháng sinh, hóa chất phụ gia đang được lưu thông trên thị trường. Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn cho biết, Sở đã xây dựng kế hoạch phối hợp các ngành NN-PTNT, Công thương tổ chức đoàn liên ngành nhằm tăng cường công tác thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Trong đó chú trọng thanh kiểm tra đầu vào tại các chợ trên địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn nguồn thực phẩm không đảm bảo an toàn tuồn vào chợ tiêu thụ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân cũng như tình hình trật tự xã hội trong dịp Tết.
Trong năm 2017, thông qua công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, an toàn vệ sinh thực phẩm…, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra gần 2,8 ngàn vụ và phát hiện hơn 2,2 ngàn vụ vi phạm. Lực lượng phối hợp đã xử lý 2.232 vụ vi phạm, với tổng số tiền xử phạt gần 11,3 tỷ đồng, vượt hơn 70% kế hoạch đề ra.
Thảo Nguyên
Tác giả: Lê Thị Phương Uyên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập