(CTT-Đồng Nai) Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, sáng 17/1/2024, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia. Đồng chí Trần Lưu Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chủ trì Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai có đồng chí Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cùng các đồng chí lãnh đạo các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo 138 tỉnh và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh.
Trong năm 2023, toàn quốc xảy ra 58.086 vụ phạm tội về trật tự xã hội, tăng 0,07% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nổi lên là nhóm tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản; tội phạm sử dụng công nghệ cao; mua bán người trong nội địa và ra nước ngoài; vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; vi phạm pháp luật về ma túy...
Các bộ, ban, ngành, địa phương chủ động đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm nổi lên, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, tội phạm có tổ chức núp bóng doanh nghiệp hoạt động cưỡng đoạt tài sản, tội phạm liên quan lĩnh vực kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy; tiến độ điều tra các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo được đẩy mạnh. Các vụ án điểm được dư luận xã hội quan tâm được đưa ra xét xử kịp thời.
Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương đã chủ động quán triệt, xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các chuyên đề, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phát hiện, xử lý kịp thời nhiều vụ án, vụ việc, đường dây, đối tượng vi phạm, không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bình ổn thị trường, phát triển kinh tế - xã hội.
Các ngành, lực lượng, đơn vị, địa phương, thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp lực lượng đấu tranh, ngăn chặn, xử lý hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thực hiện hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng thường xuyên, đột xuất, kịp thời động viên, khích lệ, tạo động lực cho cán bộ, công chức thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tuy nhiên, công tác nắm, đánh giá tình hình của một số đơn vị còn bị động, chưa theo kịp diễn biến tình hình dẫn đến chưa dự báo sát, đúng tình hình, chưa làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, chưa quản lý tốt địa bàn, đối tượng, còn để xảy ra hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả kéo dài trên địa bàn quản lý. Kết quả đấu tranh, ngăn chặn, xử lý vụ việc sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hoạt động mua bán trái phép hóa đơn, lợi dụng môi trường thương mại điện tử để buôn lậu, mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng hóa giả mạo xuất xứ còn hạn chế, chưa tương xứng với tình hình và yêu cầu nhiệm vụ; mới chỉ phát hiện, xử lý những vụ việc nhỏ, lẻ, đối tượng vận chuyển.
Tại Hội nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt nghiêm tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Từng bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng ngừa tội phạm, kết hợp chặt chẽ phòng ngừa xã hội và phòng ngừa tội phạm. Phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tội phạm và vi phạm pháp luật. Củng cố, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức trong công tác phòng, chống tội phạm. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao.
Các bộ ngành, địa phương cần chủ động trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi phạm tội, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.