Lại trao quyền chọn sách giáo khoa cho cấp trường

Thứ tư - 17/01/2024 15:17
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới năm 2018 đã áp dụng sang năm học thứ 4. Trong 4 năm triển khai Chương trình GDPT mới, đã có 3 lần Bộ GD-ĐT thay đổi quy định chọn SGK khiến nhiều nhà trường lẫn phụ huynh học sinh hết sức bối rối.

Mới đây nhất, ngày 5-1, Bộ GD-ĐT đã phê duyệt danh mục SGK lớp 5, 9, 12 được sử dụng từ năm học 2024-2025. Danh mục này gồm 39 đầu mục SGK với 72 cuốn sách của các môn học, hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, hiện Bộ GD-ĐT vẫn chưa phê duyệt sách Tin học, Vật lý, Hóa học, Giáo dục quốc phòng và an ninh dành cho lớp 12.

Việc chọn sách giáo khoa được trao lại cho cơ sở giáo dục phổ thông
Việc chọn sách giáo khoa được trao lại cho cơ sở giáo dục phổ thông

* Rối vì quy định chọn SGK

Chương trình GDPT cũ chỉ có 1 bộ SGK được áp dụng chung trong các cơ sở giáo dục, nhưng chương trình GDPT mới lại có nhiều bộ SGK khác nhau. Năm học đầu áp dụng chương trình mới (2020-2021) có đến 5 bộ SGK khác nhau, còn từ năm thứ 2 cho đến nay đã “rút xuống” còn 3 bộ SGK. Trong 3 bộ sách này, có 2 bộ của NXB Giáo dục Việt Nam (thuộc Bộ GD-ĐT) biên soạn và 1 bộ của Công ty CP Đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam biên soạn.

Theo Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT về Hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở GDPT thì các cơ sở giáo dục được quyết định chọn một trong số các bộ SGK đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt. Mỗi cơ sở GDPT thành lập một hội đồng chọn sách dưới sự điều hành của hiệu trưởng, sau khi có kết quả sẽ công khai với phụ huynh và báo cáo với cấp trên. Thế nhưng, Thông tư 01/2020/TT-BGDDT cũng chỉ được áp dụng duy nhất trong năm học 2020-2021, sau đó lại có thay đổi ở năm học tiếp theo.

Lần thứ 2 Bộ GD-ĐT ban hành quy định chọn SGK là vào tháng 8-2020. Lần này, Bộ ban hành Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT thay cho Thông tư 01 trước đó. Thông tư 25 quy định việc lựa chọn bộ SGK nào là do hội đồng lựa chọn SGK do UBND cấp tỉnh lập và quyết định. Lý do có thay đổi này từng được Bộ GD-ĐT giải thích rằng, từ ngày 1-7-2020, Luật Giáo dục năm 2019 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, trong đó có quy định: “UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở GDPT trên địa bàn”.

Trước những bất cập trong việc biên soạn và tổ chức lựa chọn SGK trong những năm học đầu tiên khi áp dụng Chương trình GDPT mới năm 2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc giám sát về hoạt động này. Qua đó, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có đánh giá: “Quy định lựa chọn SGK phổ thông tại Thông tư 25 của Bộ GD-ĐT chưa chặt chẽ, dẫn tới cách thức triển khai không thống nhất giữa các địa phương. Thậm chí, tạo ra kẽ hở để trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh”.

Ngày 28-12-2023, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở GDPT. Thông tư này thay thế cho Thông tư 25 ban hành tháng 8-2020. Lần này, việc chọn SGK tiếp tục được giao về cho các cơ sở giáo dục thực hiện, giống như quy định trong Thông tư 01 từng được áp dụng trong lần đầu tiên chọn sách theo chương trình mới. Như vậy, hiệu trưởng các cơ sở giáo dục sẽ được trao lại quyền lập, tổ chức thực hiện kế hoạch làm việc của hội đồng chọn sách và phải chịu trách nhiệm giải trình về kết quả chọn SGK của cơ sở giáo dục do mình phụ trách.

* Thông báo danh mục SGK được phê duyệt trước ngày 30-4 hàng năm

Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12-2. Bên cạnh quy định về quy trình lựa chọn SGK. Thông tư cũng yêu cầu UBND cấp tỉnh đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng danh mục SGK được phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục tại địa phương; Sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục thông báo danh mục SGK được phê duyệt đến giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh trước ngày 30-4 hàng năm.

Trong quá trình sử dụng, căn cứ các kiến nghị của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh (nếu có), cơ sở giáo dục báo cáo, đề xuất Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở), Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ thông) về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục sách giáo khoa.

Hiệu trưởng nhiều cơ sở giáo dục tại Đồng Nai cho rằng, công đoạn biên soạn, phê duyệt danh mục các bộ SGK đều rất phức tạp nên phải cần đến “khối óc” của các chuyên gia, nhà khoa học. Còn việc chọn bộ sách nào để giảng dạy cho học sinh chỉ cơ sở giáo dục mới thực sự rõ, vì vậy nên giao “thực quyền” cho các trường làm việc này, thay vì giao cho UBND cấp tỉnh quyết định. Hơn nữa, giáo dục cần có sự ổn định, tránh những thay đổi không thực sự cần thiết, gây khó cho các trường để có thời gian tập trung cho chuyên môn.

Chị Phạm Thị Thúy Hằng (ở P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) cho rằng, khi có nhiều bộ SGK được áp dụng, cần thống nhất sớm và thông báo cho phụ huynh biết năm học tới nhà trường sẽ dùng bộ sách nào để phụ huynh biết và chủ động mua sớm. Cần tránh chuyện lặp đi lặp lại, mỗi khi năm học mới phụ huynh lại vất vả chạy đôn chạy đáo đi nhiều lần mới mua đủ một bộ sách cho con em mình bước vào năm học mới.

Tác giả: Hoàng Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây