Nhiều thách thức trong việc kết nối cung - cầu lao động

Thứ ba - 16/01/2024 09:38
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) Năm 2023, thị trường lao động tiếp tục tồn tại nghịch lý nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) muốn nhận lao động làm việc lâu dài lại không tuyển được. Đây cũng là thách thức trong việc kết nối cung - cầu lao động hiện nay.

Doanh nghiệp tham gia tuyển lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai
Doanh nghiệp tham gia tuyển lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai

DN khó tuyển lao động

Tại Tổng C​ông ty Cao su Đồng Nai, nhiều năm trở lại đây thiếu hụt lao động trầm trọng, đặc biệt là lao động cạo mủ cao su. Ông Phan Quang Bá, Giám đốc Nông trường Cẩm Đường (thuộc Tổng công ty Cao su Đồng Nai) chia sẻ, để giải quyết bài toán thiếu lao động, Tổng công ty đã đưa ra phương án kêu gọi lao động từ các địa phương khác, chủ yếu là tỉnh Hà Giang và Lào Cai vào Đồng Nai làm việc. Tổng công ty bố trí xe ra tận nơi đón vào và lo chỗ ở ổn định cho NLĐ.

Trong khi đó, Công ty TNHH Elite Long Thành (H.Long Thành, chuyên gia công quần áo thể thao) cũng liên tục đăng tuyển dụng lao động với nhu cầu 500 công nhân. Đại diện phòng nhân sự công ty cho hay, DN đưa ra nhiều đãi ngộ và bố trí xe đưa rước công nhân ở xa đi làm nhưng vẫn chưa tuyển đủ lao động. Hàng tháng, DN đều tham gia sàn giao dịch việc làm để tuyển lao động nhưng rất khó khăn, chỉ tuyển được gần 100 hồ sơ/tháng.

Công ty TNHH CiBao (chuyên gia công giày thể thao, trụ sở ở TP.Long Khánh) hiện có khoảng 3,8 ngàn lao động. Thời gian qua, do DN có thêm đơn hàng mới, đồng thời ký kết thêm hợp đồng từ các nhãn hàng khác ngoài mặt hàng truyền thống đang gia công nên có nhu cầu tuyển 1 ngàn lao động phổ thông. Song theo DN này, việc tuyển dụng lao động đang rất khó khăn.

Để thu hút lao động, công ty thực hiện các chế độ đãi ngộ, phúc lợi đầy đủ và việc làm ổn định. Ngoài ra, người lao động (NLĐ) còn được nhận thêm các khoản tiền thưởng khác. Tuy nhiên, đại diện Công đoàn cơ sở công ty cho biết, do bước vào thời điểm cận tết Nguyên đán 2024 nên NLĐ ít có xu hướng tìm việc làm mới, mà đợi qua Tết mới quay lại thị trường lao động. Do đó, việc tuyển dụng lao động không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất.

NLĐ chưa quay lại thị trường lao động

Thời gian qua, Đồng Nai đã thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết việc làm, tạo việc làm mới, nâng cao kỹ năng và đào tạo nghề cho NLĐ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh, ổn định xã hội. Riêng năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai đã tư vấn việc làm cho hơn 77 ngàn lượt NLĐ, giới thiệu việc làm cho hơn 8 ngàn lao động. Ngoài ra, kết nối cho hàng ngàn lao động thất nghiệp đến làm việc tại các DN có nhu cầu tuyển dụng.

Song thực tế, lao động phổ thông ngày càng có xu hướng làm những công việc tự do nên lao động cung ứng cho ngành công nghiệp ngày càng khó khăn hơn. Mặt khác, năm 2023, khi nghe thông tin dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội chỉ được rút 50% bảo hiểm xã hội 1 lần, nhiều NLĐ do không tìm hiểu kỹ đã nghỉ việc để rút bảo hiểm. Đối với lao động nghỉ việc, nhiều người chỉ muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp, chưa muốn quay lại thị trường lao động. Ngoài ra, NLĐ có xu thế về quê xin việc khi mức lương chưa đảm bảo mức sống tối thiểu. Thực trạng này khiến DN thiếu nguồn lực trầm trọng, nhất là lao động có tay nghề.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, năm 2023, toàn tỉnh có hơn 67 ngàn lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Trung tâm tổ chức 15 sàn giao dịch việc làm (đạt 100% kế hoạch năm) với sự tham gia của 326 lượt DN tuyển dụng ở nhiều vị trí việc làm, đa lĩnh vực để kết nối lao động. Tuy nhiên, số lượng lao động tham gia sàn rất hạn chế, không đáp ứng nhu cầu tuyển DN.

Sở LĐ-TBXH cho hay, thị trường lao động biến động do nhiều yếu tố tác động từ tình hình thế giới, DN không có đơn hàng dẫn đến lao động không ổn dịnh việc làm, mất việc. Với những DN ổn định sản xuất lại không tuyển được lao động. Tại hội nghị giao ban Công đoàn cơ sở các ngành nghề diễn ra tháng 12-2023, Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nông Văn Dũng cho rằng, từ khó khăn trong tìm kiếm nguồn lực đòi hỏi DN cần nâng cao phúc lợi để giữ chân NLĐ. Bởi khi khôi phục sản xuất, nguồn lực đóng vai trò quan trọng cùng DN vượt khó, phát triển bền vững.

Theo các DN, năm 2024, khi đơn hàng ổn định hơn nhưng không có lao động sản xuất thì việc phục hồi còn khó khăn. Nhiều DN đang đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ cùng phúc lợi để thu hút lao động, nhất là lao động ở ngành kỹ thuật cơ khí và lao động phổ thông; đồng thời, duy trì tiền thưởng Tết để giữ chân lao động quay trở lại làm việc sau Tết.

Tác giả: Phong Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây